Tại dự thảo hồ sơ xây dựng dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), Bộ Tài chính đã đề xuất nhóm chính sách đổi mới phương pháp quản lý đối với doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó đáng chú ý là việc xóa bỏ hình thức thuế khoán.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu duy trì quy định thuế khoán sẽ dẫn đến thất thu nghiêm trọng từ hộ kinh doanh lớn. Cụ thể, theo thống kê, đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, tổng số thuế trong năm 2024 đạt gần 26.000 tỷ đồng.
Có hơn 4.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 10 tỷ đồng nhưng hơn một nửa trong số này vẫn nộp thuế khoán với mức thuế rất thấp, khoảng 0,4% doanh thu, trong khi hộ kê khai phải nộp thuế lên tới 25 - 30% doanh thu. Điều này tạo ra sự bất công bằng và lợi thế cạnh tranh không lành mạnh - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mức thuế khoán trung bình chỉ khoảng 686.000 đồng/tháng, thấp hơn gần 5 lần so với mức thuế kê khai trung bình là 3,29 triệu đồng/tháng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Rằng, việc duy trì thuế khoán không khuyến khích hộ kinh doanh phát triển và chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Bởi vậy, việc xóa bỏ hoàn toàn hình thức thuế khoán sẽ giúp chấm dứt tình trạng bất công nghiêm trọng khi mức thuế của hộ kê khai cao hơn tới 7 lần so với hộ khoán, từ đó, chống thất thu ngân sách hiệu quả từ các hộ kinh doanh lớn - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cần nhắc lại rằng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cơ chế thuế khoán phù hợp trong giai đoạn nhất định, nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không tạo được động lực cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng tình với quan điểm này, nhưng một đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, bỏ thuế khoán với các hộ kinh doanh và chuyển sang hình thức thuế mới là vấn đề mới, cả về cơ chế thu của Nhà nước và các hộ kinh doanh.
Các hộ kinh doanh chắc chắn không sợ mất tiền mà họ cần cách thu thuế rõ ràng, phù hợp. Bên cạnh đó, phải làm cho người nộp thuế thấy rằng đây không phải là gánh nặng, là khó khăn, cũng như không phải tăng thêm các chi phí thì người dân sẽ thực sự hứng khởi…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đang chuẩn bị các điều kiện đồng bộ về pháp lý, công nghệ để hỗ trợ, đảm bảo thuận lợi và giảm gánh nặng về thủ tục cũng như chi phí cho các hộ kinh doanh. Rà soát, hoàn thiện chính sách thuế; đề xuất sửa Luật Quản lý thuế, Luật Thu nhập cá nhân hướng đến mô hình quản lý thuế mới và kê khai đơn giản, minh bạch và dễ thực hiện.
Đơn giản hóa sổ sách, hóa đơn chứng từ để đảm bảo hộ kinh doanh không bị áp lực khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý thuế như áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giúp thu đúng, thu đủ; đồng thời giảm thời gian cũng như chi phí cho các hộ kinh doanh. Cung cấp miễn phí hệ thống khai thuế, nộp thuế điện tử, phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán, đặc biệt là hỗ trợ cho các hộ kinh doanh còn khó khăn trong giai đoạn đầu...
Dù hệ thống thuế được đánh giá là đã cơ bản tiếp cận các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tính minh bạch trong một số loại thuế thu thủ công đang là rào cản rất lớn, dẫn đến không minh bạch trong công tác quản lý thuế.
Vì vậy, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội đã nêu yêu cầu bỏ hình thức thuế khoán chậm nhất trong năm 2026. Thế nhưng phải xác định rằng, đây không phải là “cuộc chơi” giữa ngành thuế và hộ kinh doanh mà phải là của “liên minh 3 bên” gồm cơ quan quản lý - người nộp thuế - người tiêu dùng cùng hướng tới minh bạch trong mọi giao dịch.