1. Ông bà nội tôi mất sớm, ba tôi được chú ruột, tức ông nội Vũ, đem về nuôi. Sống chung nhà từ nhỏ nên ba với chú Tư (ba Vũ) rất thân nhau. Trưởng thành, gia thất riêng tư vẫn cứ thân. Nhà cùng một thửa đất, vách liền vách, sân liền sân.
Đất ấy nguyên cả thửa là của ông nội tôi để lại cho ba. Cảm cái ơn dưỡng dục của nội Bốn (ba chú Tư) nên sau này ba chia đất làm đôi cho chú Tư một nửa! Anh em do vậy càng khăng khít kéo theo vợ con hai nhà cũng khăng khít. Mâm cơm bên này ăn gì bên kia đều biết, san qua sẻ lại, món gì ngon cũng gắp cho nhau.
Nhà chú Tư đào giếng trước còn nhà tôi chưa, vậy là chiều chiều lũ trẻ bên này cứ vô tư kéo lốc nhốc cả bầy sang bên chú tắm giặt. Tắm rửa còn kèm… giỡn, vục gàu ùm ùm, xối nước tràn lênh láng ra thềm, ra sân. Giếng gần đường, nước rút không kịp tràn luôn ra đường khiến người qua kẻ lại cứ réo thím Tư ra mà… mắng vốn! Tưởng thím Tư sẽ bực mình mà đe nẹt lũ nhỏ nhưng không, thím cứ hề hề...
Chẳng biết do thân nhau hay sao mà hai nhà có nhiều cái giống. Giống nhau nhất là chỗ má với thím Tư không hẹn nhưng cứ sòn sòn sinh con thành những cặp đôi cùng tuổi. Chị Ba tôi với anh Hai Vũ cùng tuổi Cọp.
Anh Năm tôi với chị Ba nhà nó chung tuổi Rắn. Con Út Đẹt với thằng cu Tin bên kia cùng dính tuổi Trâu. Vậy nhưng “hoàn cảnh” nhất chính là cặp đôi tôi với con Vũ, sinh cùng năm cùng tháng, đương nhiên cùng luôn tuổi… Chó.
Chó có gì hay đâu mà cũng theo chung hả trời. Chưa hết, tên tôi là Bích Vân thì chú Tư cũng đi khai sinh nó tên Bích Vũ. Toàn… bắt chước thôi, tôi cáu kỉnh. Tự nhiên đi đặt Bích, Bích! Lại còn Vân với Vũ! Ấy là tôi đang càm ràm chuyện tên tôi với tên Vũ giống nhau. Lỗi này không biết do ba với chú Tư cố ý hay do ngẫu nhiên. Hỏi ba, ba cứ cười cười. Nhưng có do gì thì cũng đều… đáng ghét.
Trời sinh tôi chúa ghét chuyện “đụng hàng”, kể cả cái tên. Vậy nhưng tôi với Vũ đúng là oan gia ngõ hẹp, đâu chỉ đụng hàng mỗi một cái tên? Áo, quần, mũ, dép…, hễ cứ bên này má sắm cho tôi cái gì thì tích tắc hai ba bữa sau cũng thấy con Vũ mang, mặc, đội y chang cái đó, giống như trêu ngươi? Sinh cùng năm nên đến tuổi đi học lại cũng vào chung mẫu giáo.
Thôi, học hành là chuyện khách quan, không tính. Vậy nhưng hết lớp mẫu giáo nhỏ tôi học giỏi nên được ba lên xã nói nhỏ với cán bộ hộ tịch xin khai đôn tuổi cho tôi học băng, vào thẳng lớp Một. Kết cục tôi với Vũ dù chung tuổi nhưng hết còn chung lớp.
Tôi học trên Vũ. Chuyện này là… do ba, không phải tôi do muốn à nha! Nhưng, thú thật, dù gì tôi vẫn không thể giấu giếm tâm trạng mừng vui. Rất cảm ơn ba về cái động thái “ăn gian” để tôi không còn chung lớp, không phải ngày ngày đi về chung đường với Vũ. Tôi không ưa Vũ, điều ấy chắc chắn. Mà không, cũng có thể nói ngược lại: Vũ không ưa tôi...
2. Chuyện không ưa nhau giữa hai đứa chúng tôi hình như không có căn nguyên rõ rệt. Không cãi kình xung đột, không tranh giành mâu thuẫn, không đi học chung nữa (đành vậy!) nhưng ngày ngày vẫn còn qua sông chận (chăn) bò, cắt cỏ, mót khoai chung.
Đi chung, nhưng chẳng có gì để nói với nhau ngoài những chuyện thuần “sự vụ”, kiểu như: Bữa nay chận bò ở đâu, mai đi cắt cỏ đồng nào vân vân và mây mây. Hết nhiêu chuyện đó là thôi, mạnh đứa nào đứa nấy đuổi theo những cuộc chơi riêng, những mối quan hệ riêng, kiểu “nước sông không phạm nước giếng”!
Ngoài mặt là vậy, tưởng như không quan tâm nhưng thực chất có quan tâm. Không chỉ có thôi đâu, chính xác là rất quan tâm. Ấy là tôi đang nói Vũ. Quan tâm tôi, tất nhiên. Quan tâm tôi đang làm gì, ở đâu, chơi với ai, có gì mới, có gì hay và sau đó… bắt chước! Không phải bắt chước thường.
Giờ là bắt chước kiểu “cạnh tranh”, kiểu chị làm được sao tôi không? Ấy là lúc tôi ngồi trên lưng con Cộ, ôm ụ cho bò bơi qua sông, Vũ cũng lập tức phốc lên lưng con Bướm nhà Vũ, huơ roi hầy hầy xua con Bướm xuống nước. Con Cộ bò đực to khỏe, qua sông có thêm tôi trên lưng thì cũng như chuyện… gãi ngứa, không ăn thua.
Khổ thân con Bướm, bò cái, còn lo chửa đẻ gầy giơ xương thì qua sông sức đâu đèo thêm cái đứa mập lu như Vũ? Giữa sông nước xiết, con Bướm bị đè nước ngập tận mũi, ngộp. Bản năng sinh tồn khiến nó vùng mạnh, hất cô chủ lộn nhào xuống sông. Bữa ấy không có anh Hùng bơi giỏi nhào xuống nắm tóc lôi vô kể như nó đi chầu ông vải!
Tự làm tự chịu nói được ai, ấy vậy mà tôi về nhà cũng bị mắng xơi xơi: “Con gái con đứa, tự dưng bày chuyện… cưỡi bò qua sông cho em nó bắt chước”! Là ba mắng. Tôi gân cổ cãi: Em út gì. Nó cùng tuổi Chó như con, có nhỏ hơn đâu? Ba đuối lí, ậm ừ: Ờ, thì… nhưng con vai chị, lại học lớp trên.
Vụ này thì ba nói không hẳn sai nhưng đúng cũng chưa. Lên được lớp trên là do tôi học giỏi nhưng con Vũ có bao giờ thừa nhận chuyện đó đâu. Nhắc tới chuyện đó Vũ luôn nhất nhất cho sở dĩ tôi được học trên Vũ là do ba tôi đi… đổi khai sanh!
Vũ nói không hẳn sai nên tôi không thể cãi nhưng vẫn đề ở chỗ: Tôi nhìn ra trong mắt Vũ đang âm ỉ tro than ngọn lửa ghen tị và bất phục! Nói cách khác, vai “bà chị họ” hoàn toàn không đủ khả năng xác lập cho tôi cái uy làm chị. Nó hiển hiện trong những câu chuyện bâng quơ tình cờ trong những hành động kiểu như lúc mót khoai hoặc lội rừng tìm dúi dẻ Vũ luôn đi kế bên tôi.
Nhác thấy bóng cái mầm khoai bự hoặc chùm dúi dẻ lấp ló vàng ươm là hai cái đầu nhất tề đâm bổ, bốn cái tay cùng vươn ra một lượt theo phản xạ bản năng - để lắm phen nghếch mắt nhìn nhau sượng sùng khi té ra đó chỉ là vỏ trái dúi dẻ bị kiến vàng xơi rỗng ruột từ lâu hoặc một lát khoai rẻo mỏng tang người đào bỏ sót! Bực bội nên những lần sau tôi luôn tìm cách tách riêng không đi gần nó.
Vậy nhưng tôi càng cố tách thì Vũ càng cố tình đeo bám. Vẫn một chị hai chị, cái tiếng chị mềm dẻo ngọt ngào khiến lắm khi tôi không nỡ - mặc dù thừa biết sớm muộn cũng sẽ mua lấy bực mình với cái máu “cạnh tranh” đầy sát phạt của con em họ cố chấp...
3. Tôi xong trung học cơ sở, thi đậu nhẹ nhàng vào trung học phổ thông tiếp tục học lên. Trong khi đó Vũ học yếu, ráng lết lên hết lớp 7 là bỏ. Chú thím mắng mỏ, đốc thúc kiểu nào cũng không tới trường nữa. Vũ ở nhà theo mẹ lội ruộng cấy lúa, vô núi hái củi. Giờ càng hiếm có dịp gặp nhau bởi tôi chúi đầu lo học, Vũ chúi mũi lo làm.
Thấy cảnh tôi ngày ngày áo quần tử tế đạp xe đến trường trong khi con lam lũ sấp mặt ngoài đồng chú thím Tư rất ức, nhiều phen nặng nhẹ với Vũ. Cũng là con chó, sao chó nhà người ta giỏi giang, chó nhà mình thì... Nghe vậy, Vũ lồng lên: “Ai nói tui thua nó? Ông bà cứ đợi đấy rồi coi”! Thím Tư thở hắt: “Coi, coi cái con khỉ mốc! Thân cắm mặt xuống bùn mà đòi coi ai”…
Thím Tư tưởng vậy thôi không ngờ có cái “đợi rồi coi” thiệt. Cái ấy tôi cũng không ngờ đến, cứ tưởng như sự tình cờ nên không quan tâm. Vũ lại khác. Với Vũ, đó là trận thắng lớn khi đoạt từ tay bà chị họ một món được coi là đáng giá. “Món” ấy chính là thằng Tâm con ông Phú, chủ tiệm vàng xóm Giữa.
Cũng học dốt nhưng nhà giàu đẹp trai, nổi tiếng “sát gái”. Tâm lớn hơn tôi nhưng học cùng lớp, chẳng hiểu sao lại thích tôi cho dù tôi đen thui, mập tròn như củ khoai, lại nghèo rớt. Ban đầu kiếm cớ gần gũi mượn vở mượn sách, sau lân la đến nhà. Năm tôi học 12 thì Tâm ra mặt “trồng cây si” chính thức, vài ba đêm xuống nhà một đêm.
Má tôi coi bộ thích Tâm. Còn phải hỏi, nhà ông Phú “đại gia” khét tiếng, thằng Tâm lại đẹp trai, ăn nói mềm mỏng một điều dạ hai điều thưa. Đừng trách má tôi, đoán chắc một trăm bà nông dân nghèo có con gái tuổi cập kê xứ này thích thằng Tâm phải tới... một trăm linh một! Tôi thì không.
Tình thiệt khai ngay, tôi cũng có máu mê trai đẹp. Quà cáp lâu lâu nó dúi cho bịch chè, mấy trái ổi hay… nguyên cây bút máy Kim tinh cũng không tệ. Có điều con trai học dốt thì tôi ẹ!
Má kêu: “Học nhiều chi, nhà nó sẵn nghề nghiệp, lại có tiền, lấy vợ làm ăn đường nào chẳng khá”? Tôi gắt: “Kệ, con không ham. Cuối cấp, không lo bài vở ôn thi cứ tối ngày trai gái lông bông. Bữa sau nó xuống má đuổi về dùm, nói con không rảnh”! Không rảnh thiệt. Tôi đang vùi đầu tích cóp chữ nghĩa cho kì thi đại học.
Má ngại không dám đuổi thì tôi… đuổi, lấy lí do bận học! Xuống nữa, tôi đóng cửa ở trong nhà dứt khoát không tiếp! Hắn tần ngần ngoài sân, nói tầm phơ với má mấy câu rồi lủi thủi về. Thoát nợ, tôi thở phào. Có điều tôi không hay chuyện tuy không còn ghé nhà tôi nhưng Tâm vẫn đêm đêm xuống xóm Dưới (xóm tôi ở). Tâm đang quen với đứa con gái khác.
Đứa ấy không ai xa lạ, chính là… Vũ!
Sau này nghe lối xóm kể lại, dạo Tâm còn “trồng cây si” và bị tôi hắt hủi, đêm nào Vũ cũng áo xống chỉnh tề, phấn son thơm ngát đứng “canh” Tâm ngoài cổng. Lúc nhỏ mập lu nhưng bước vào tuổi dậy thì tự nhiên trời ban cho Vũ cái dáng dấp trắng trẻo, “mình hạc xương mai” nếu đem so cùng tôi thì là… vượt trội!
Cuối năm, nghe tin hai đứa sắp làm đám cưới giữa lúc tôi cơm đùm gạo gói chuẩn bị “lên kinh” vào đại học. Hàng xóm ai cũng khen Vũ tốt số. Má tôi không ngớt cằn nhằn tiếc rẻ: “Số con Vũ coi vậy mà sướng, tự dưng chuột sa bồ nếp, một bước nên bà. Tao đã nói rồi, con gái học hành chi cho lắm, kiếm thằng chồng tốt là đủ. Miếng ăn dưng (dâng) tới miệng mình còn để vuột mất. Thiệt là...”.
4. Tôi học ra trường nhận công tác xa quê. Đám cưới Vũ có về dự nhưng sau đó thì biền biệt. Trong đám cưới, tôi nhớ, dường như bộ dạng Vũ rất mãn nguyện. Lần đầu tiên thấy Vũ ngẩng cao đầu nhìn mẹ cha, nhìn bà con họ mạc - và nhất là nhìn tôi - dáng vẻ hết sức tự tin.
Cái nhìn như muốn nói: Đã thấy tôi chưa? Các người còn định coi thường tôi nữa không? Không, tôi chưa bao giờ có ý coi thường Vũ. Tôi thật lòng mừng cho hạnh phúc của Vũ cho dù, thú thật, đôi khi cũng hơi tiếc cái… đẹp trai của thằng bạn “cây si” chút xíu.
Tuy nhiên, phải công tâm thừa nhận: Tâm đi bên Vũ chắc chắn đẹp đôi hơn đi bên tôi. Thôi, cứ coi họ như một cặp trời sinh. Tôi mong vậy và cũng mong cô em họ của mình từ nay sẽ mãn nguyện mà thôi đi tâm lí “tranh hơn”.
Dù gì chúng tôi cũng vẫn là chị em huyết thống, bạn bè cùng tuổi, hàng xóm gần gũi. Một mối quan hệ hữu ái là điều nên có thay vì cứ kèn cựa, ganh đua. Mà còn gì đâu đáng để ganh đua. Là Vũ nặng lòng thôi chứ con đường đi của tôi với Vũ từ lâu đã rẽ hình chữ V về hai hướng khác xa nhau. Thành bại sướng khổ tùy theo số phận nhưng ai rồi cũng phải chịu trách nhiệm trước chọn lựa của mình...
*
Li hôn chồng xong, tôi xin chuyển công tác, dắt con về nhà mẹ. Cơm chiều ở quê, theo lệ, vẫn dọn ra sân. Nhìn qua sân nhà chú thím Tư tôi ngạc nhiên thấy Vũ. Má nhìn theo, hiểu ý, nói nhỏ: “Vợ chồng nó cũng “tan” rồi. Chị em bây đúng là… tuổi chó”! Tôi chết sững.
Bên kia, Vũ đang mải gỡ cá, đút cơm cho con chắc không để ý. Thằng nhỏ trạc tuổi con tôi. Đứa con gái lớn tự ngồi xúc cơm ăn, bộ dạng gầy gò nhem nhuốc. Nhìn vóc dáng Vũ tiều tụy, cái dáng của một bà nông dân già trước tuổi...
Đêm. Tôi nằm nghe mẹ kể, thấy nỗi đau của mình bỗng thật nhỏ nhoi trước tình cảnh của cô em họ. Thằng chồng nó gốc nhà giàu quen ăn chơi, sa vô cá độ bóng đá thua tan nhà nát cửa. Nợ nhiều, bị xã hội đen truy sát, nó treo cổ tự tử.
Chôn cất chồng xong, con Vũ dắt con về nhà mẹ tá túc. Hỏi sao không ở lại nhà chồng nó kêu hãi lắm, đêm nào cũng thấy ác mộng! Giờ thân gái góa một nách hai con, làm chỉ ba hột ruộng, nghề ngỗng gì thêm đâu mà biểu cho khá nổi? Mày vậy còn may đó, dẫu sao thì cũng có cái nghề.