Chị em gái

GD&TĐ -

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

1. Nhà có bốn chị em gái. Chị Cả đã lấy chồng xa, bé Út (vỡ kế hoạch) nên mới vô Mẫu giáo. Tôi và chị Lam, hai chị em cách nhau một tuổi. “Tình cảm” chị em tôi gói gọn trong câu la của má: “Chị em bây như hai gái lấy một chồng”.

Chị em tôi không “sóng gió” tới mức chẳng thể hòa hợp, mà toàn “chiến tranh lạnh”. Tại tôi làm gì cũng bị chị Lam hét. Tôi chọn phương án “đấu tranh bất bạo động”. Hét thì hờn, tiu nghỉu chưng cái mặt bỏ cơm.

Mỗi lần hờn cũng mất một đận mới nói chuyện lại. Vậy mà mới cải thiện quan hệ được chút đỉnh ké bị hét tiếp. Cứ căng thẳng hoài nên có muốn cũng không thể thân mật, sống chung nhà nhưng hai chị em chưa bao giờ chơi chung bất cứ một trò nào (ngoại trừ cùng xem tivi).

Chị em tôi hành xử theo kiểu “nước sông không phạm nước giếng”. Nhiều khi tôi cũng thấy hình như có cái gì sai sai. Giá chị thân mật với tôi, như cái cách tôi đã thân mật với bé Út thì hay biết mấy.

Chị Lam học trên tôi một lớp. Chị em là con cùng mẹ cùng cha mà như thiên nga – vịt bầu. Chị cao ráo, da trắng, khuôn mặt thanh tú còn tôi lùn tịt, da đen và sở hữu khuôn mặt hình đám ruộng, đường nét thô như đường cày của bác nông dân. Chị thích vẽ vời, hát hỏng còn tôi ưa đá banh, bắn đáo. Chị gọn gàng, siêng năng, tôi luộm thuộm, lười biếng.

Con nhà nông, chị có dáng vẻ tiểu thư nhưng ra đồng như một lực điền đích thực. Tôi có bộ dạng chắc nụi của một lão nông tri điền nhưng lao động như một tiểu thư khuê các. Tôi là phiên bản lỗi của đôi vợ chồng nông dân làm lở núi non.

Cũng là con gái nhưng chị Lam “công, dung, ngôn, hạnh” nên từ chuyện quét tước, rau heo cháo chó đến cơm canh, bánh trái cho cả nhà – món gì chị cũng khéo, cũng giỏi. Má vắng nhà, chị có thể quán xuyến tất tật mọi việc.

Còn tôi, chắc vì khuôn mặt góc cạnh của một “đấng nam nhi” và bước đi mạnh mẽ của một cầu thủ nên không hứng thú với mấy chuyện “nữ nhi thường tình”. Chưa bao giờ phụ má nhặt rau chớ nói gì đến chợ búa, cơm canh. Tôi ưa nghê nga đồng bãi nên chỉ phụ trách đúng vụ chăn bò.

Vì sự khác biệt rõ rệt đó mà cả xóm, ai cũng trêu má: Nó có phải là con “ông hàng xóm” hông?

Trời trời! Tôi nhỏ người nhưng cục tự ái to lắm. “Con ông hàng xóm” hay câu trả lời “lượm ngoài chợ về nuôi” cũng đều là châm biếm, mức độ sát thương như nhau. Mỗi lần bị trêu, tôi đổ thừa tại chị Lam.

Nhưng đó là lí do “cần”, đây mới là lí do “đủ” để tôi không có cảm giác thương yêu chị gái mình. Cũng tại một trăm chuyện, nếu tôi bị chê thì đúng chuyện ấy, chị Lam được khen, khen nức nở luôn.

Ví như ra đồng cắt cỏ, tôi cắt chưa đầy ôm chị đã tràn bao. Đương nhiên rồi, chị lớn hơn mà. Nhưng hồi bằng tuổi mầy, chị cũng không cắt cỏ như đi hái rau nêm! Nữa, lại bị công kích. Lần nào đi cắt cỏ chung, chị đầy trước nên đi cắt phụ, nhận đầy bao của tôi, vác ra xe cột đàng hoàng, vịn cho tôi leo lên xe rồi chị em cùng về. Nhưng giá chỉ giúp thôi, đừng chê bai thì tôi đã hàm ơn rồi.

Đấy là một ví dụ điển hình thôi. Chứ còn nữa, tùm lum chuyện. Những chuyện liên quan đến đồng áng, từ chuyện dễ nhất là nhổ cỏ đến cấy dặm, cắt lúa phơi rơm, khổ hơn là cuốc góc, be bờ, bang ruộng vân vân... Tôi lạy bà chị của mình luôn. Giỏi sao mà giỏi! Tôi vừa làm vừa thở, ngả ngớn đứng chống nạnh nhìn Đông nhìn Tây.

Má la: Ra đồng cứ chực nóng lưng là đòi về. Nhìn chị Lam mà bắt chước. Trời trời, ai mà bắt chước cho nổi. Sức người có hạn. Chớ nó sức gì? Hu hu. Sức gì ai biết, mà giỏi thiệt. Nói chi cô nàng hậu đậu tôi, con gái xóm tôi không ai bằng chị Lam đâu nha. Ra đồng cùi cũi làm. Không nói chuyện hoặc cứ thủng thẳng đặng “câu giờ” như tôi đâu.

Nín thin, làm miết, chừng nào xong đứng dậy về. Đừng hòng nghe một tiếng than thở nào. Chả bù cho tôi, nên má bảo, ra đồng dẫn tôi theo “phát thanh” cho vui, áo rách đỡ nóng tay chứ tôi làm không bằng chị Lam làm ráng. Nữa. Lại so sánh. Lại bị dìm hàng.

2. Hết lớp chín, chị Lam thi tuyển lên lớp 10 rớt. Không đến nỗi học dở nhưng tầm trung bình thì không có cơ may vượt qua kì thi tuyển cấp. Má nói không học được thì ở nhà, kiếm cái nghề nào đó đi học làm vốn rồi lấy chồng sinh con. Rồi, xong phim!

Tới lượt tôi, chẳng khá hơn, cũng rớt cái “chạch”. Vụ này tại tôi đen. Tôi học khá nhưng không hiểu sao cũng rớt. Tôi là niềm tự hào của ba về sự sáng dạ mà. Xe trước đổ đâu xe sau đổ đó thôi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để thi hành mệnh lệnh “kiếm cái nghề làm vốn rồi lấy chồng sinh con” nhưng chị Lam nói cứ để tôi học bán công. Học phí chị lo.

Tôi hỏi sao tự nhiên thương dữ, chị nói không thương, chỉ sợ nhà không ai học đến nơi đến chốn người ta cười, người ta khinh, người ta hiếp đáp. Thời buổi giờ dốt nát là nỗi nhục lớn nhất đời. Má bảo thì mầy đi làm nuôi con Tâm đi học. Má nói là để cho chị (chị cả tôi) từ bỏ giấc mơ học bán công nhưng không ngờ chị Lam chịu.

Tôi đi học, chị Lam đi làm công nhân cho xưởng hạt điều. Tôi thành sinh viên Sư phạm, chị Lam đi học nghề may. Tôi ra trường đi dạy, lấy chồng, sinh con cũng vừa lúc ngành công nghiệp may mặc cho mấy thợ may ở quê rảnh tay, chị chuyển qua học làm bánh.

Con trai tôi vô lớp 1, chị Lam mới lấy chồng. Trâu quá lứa, mạ quá thì. Má nhảy đứng nhảy ngồi, má kêu bệnh “đằng âm” nên rước thầy về nhà cúng kính, bắt chị đeo bùa đeo ngải. Nhờ người này người kia giới thiệu, mai mối, cuối cùng cũng tìm được cho chị một anh thợ hồ cứng tuổi.

Lấy chồng thợ hồ thì đúng như câu của Tú Xương: “Có chồng hờ hững cũng như không”. “Hờ hững” vì đi làm quanh năm trong Sài Gòn, Bình Dương, chỉ những ngày hiếu hỉ mới về nhà. Ban đầu mùa mưa còn ở nhà nhưng bây giờ thì không, mùa đông thợ hồ ở phố vẫn có việc để làm. Chị lấy chồng muộn, má sợ đẻ chửa khó khăn nên hối đẻ gấp gáp, hai năm sinh hai thằng. Chồng đi suốt, chị ở nhà với hai đứa con thơ.

Ở nhà với hai đứa con, ai cũng kêu sướng, lấy chồng muộn mà đẻ được hai thằng sởn sơ, lại thêm cứ ở nhà chơi, có chồng nuôi. Hổng dám sướng đâu. Hai đứa con của chị Lam thuộc diện khó nuôi, ngang hơn cua. Không có bố ở nhà, chị khổ sở với hai thằng nhỏ đến mức gầy trơ xương. Mà cũng đâu chỉ lo mỗi con cái, chuồng bò có bò, chuồng gà có gà, chuồng heo có heo. Con kêu, heo khóc, chị quay mòng mòng.

Chị em “như hai gái lấy một chồng” bây giờ mỗi người một nơi. Lớn hết rồi. Tôi không tự ái, hờn mát gì nữa. Chính xác là từ cái lần chị bảo má cho tôi đi học bán công, tôi đã xóa bỏ ý nghĩ “như hai gái lấy một chồng”.

Bây giờ, tôi áo nọ quần kia, son phấn đủ đầy mỗi ngày thì chị lậm lụi với mấy bộ đồ quê kệch. Nếu tôi tặng mấy bộ đồ hợp thời, chị nói đem về cất đấy chứ có đi đâu mà mặc. Thương quá phận nữ nhi cột chân xó bếp. Thiên nga – vịt bầu đổi ngôi. Chị em khác nhau một trời một vực, tôi cảm thấy “áy náy”.

Má bảo, phước phần của mỗi đứa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt đẫm lệ và những lời nói khó nghe được phát ra từ khuôn miệng trước nay “không biết than thở”. Chị không giống chị Lam mà tôi biết. Chị “hét” lên sau câu của má: Nếu hồi đó má chịu cho đi học bán công có phải khổ thế này không?

Con cái muốn đi học nữa mà má bảo “đi làm nuôi em, kiếm nghề, kiếm chồng, đẻ con”. Nếu nuôi không được, lo không được thì đừng có đẻ. Ôi! Sau câu nói đó, cả nhà nín khe. Nhưng tôi bức xúc. Tôi bảo: Chị hỗn rồi, xin lỗi mẹ đi! Mày ỷ làm cô giáo rồi lên mặt dạy con chị nông dân này hả? Tôi đau tê tái.

Đêm đó ở lại nhà, tôi nghe má khóc mà thương. Chị Lam trẻ người non dạ thiệt. Sao lại nỡ trách má. Hồi đó nhà khổ quá mà. Má đã ráng hết sức rồi! Ai lại đi trách cha trách mẹ, tôi giận chị Lam.

3. Tôi bị tai nạn một phần sống chín phần chết. Ngày tỉnh dậy ở bệnh viện, tôi ngơ ngác hỏi: Bữa họp gia đình ngày Tết Đoan Ngọ, chị Lam có về không? Má nói: Họp gia đình gì, mới bảnh mắt ra đã nghe tin con gặp nạn, cả nhà hoảng hốt.

Phải mất hai năm ra vào bệnh viện. Tôi cứ mãi nghĩ “cái chân đau” của mình mà quên lửng chị em.

Có bệnh vái tứ phương, rồi tôi cũng bình phục.

Hôm đó hai mẹ con đưa nhau về thăm bà ngoại. Về tới ngõ, hai thằng nhỏ con chị Lam ra quấn chân, dì ơi, dì ơi… Tôi hỏi má chị Lam đâu, má bảo gửi con vô Sài Gòn khám bệnh. Má nói sao dạo này chị ho liên tục và cứ ấm mình, uống thuốc cảm miết không hết. Vào Sài Gòn khám cho ra bệnh. Tôi liền bấm máy gọi, chị nói có kết quả rồi, phát hiện có u trong phổi, còn phải làm một số xét nghiệm nữa mới biết chính xác bệnh.

Má nhìn lên trời nói, cầu cho tai qua nạn khỏi, rồi má kể gần hai tháng tôi hôn mê, chị Lam nguyện ăn chay, cầu Trời khấn Phật gia hộ cho em gái. Tôi nghe má kể, mủi lòng khóc...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ