Những nhân viên gương mẫu là bộ phim nối sóng Về nhà đi con, xoay quanh những màn "cung đấu" giữa các nhân viên trong một tạp chí. Mỗi người một tính cách, một số phận khác nhau nhưng đều chịu áp lực chồng chéo từ công việc, từ sự ganh đua, ghen tị lẫn nhau.
Tòa soạn tạp chí Tinh Hoa cũng giống như bao nơi công sở khác, ở đó lúc nào cũng có phe có cánh. Những nhân viên gương mẫu ngoài sự đấu đá giữa cá nhân mỗi người còn là sự ganh đua giữa hai phòng ban do Nguyệt và bà Như Ý đứng đầu mỗi phe.
2 vị sếp này vì mục đích riêng của mình mà hình thành tính các khác nhau. Một người nổi bật là "cô gái vàng trong làng thảo mai", một người lại cổ hủ, hách dịch, chủ nghĩa cá nhân cao.
1. Bà Như Ý (NSND Lan Hương): Độc đoán, cổ hủ, đúng kiểu "gừng càng già càng cay"
"Lột xác" khỏi một bà mẹ chồng cay nghiệt, NSND Lan Hương vào vai bà Như Ý cổ hủ, thường xuyên soi mói cấp dưới, đúng kiểu "gừng càng già càng cay".
Là một trưởng phòng nội dung của tạp chí, bà Như Ý đại diện cho tuýp lãnh đạo cổ hủ, độc đoán, chủ nghĩa cá nhân cao. Sắp về hưu nhưng bà Như Ý vẫn vô cùng khắt khe với các nhân viên trong phòng. Đặc biệt đối với các nhân viên trẻ, chưa có kinh nghiệm trong nghề, bà luôn cố tình chèn ép.
Cách cư xử, làm việc của bà Như Ý khiến bất cứ ai cũng cảm thấy quen thuộc vì ở nơi công sở nào cũng lấp đó đâu đấy một bà Như Ý như vậy.
Bà Ý biến nhân viên trong phòng thành những nhân viên hết sức "đa năng" vừa phải làm việc thật tốt, vừa biết pha trà, nấu ăn, lau chùi, dọn dẹp thậm chí là “xe ôm” đưa bà đi chợ. Thành ra, nhân viên phòng bà Như Ý không khác gì "osin" trong tạp chí.
Đối với bà Như Ý, việc các nhân viên trẻ có tài giỏi đến đâu, bằng cấp có "đỉnh" đến đâu bà không quan tâm, thứ khiến và phải để mắt đến là chuyên môn (hay nói đúng hơn là kinh nghiệm làm việc).
Chính vì thế mà dù IELTS 7.0 như Chi thì cũng phải bưng trà pha nước, lau nhà, rửa ấm... "Bằng cấp giỏi thế nào thì không biết, đối với tôi chuyên môn là quan trọng nhất" - bà Như Ý quan niệm.
Bất cứ lính mới nào vào phòng bà Như Ý như vào "lãnh cung", luôn phải chịu đựng một kẻ cổ hủ và hẹp hòi. Đi làm sớm thì bị soi, đi làm muộn thì bị quát và lúc nào vị trưởng phòng này cũng có chân lí: "Nhân viên trẻ nào cũng phải làm các việc như lau chùi, dọn dẹp, pha trà, rót nước. Chúng nó trẻ mà không làm, lẽ nào tôi phải làm"?
"Gừng càng già càng cay", bà Như Ý mỗi khi đã nhắm tới ai là bà sẽ nói thẳng, chửi thẳng thậm chí có thể "sát thương" người khác bằng lời nói đau nhất.
Trong Những nhân viên gương mẫu vị trưởng phòng này gây ấn tượng với loạt câu "cà khịa" nhân viên ngẫm lại còn cay hơn ăn ớt: "Mỗi người mỗi nhiệm vụ, cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình thôi. Ai mà được như anh, 24/24 ở cơ quan thì cần gì quan tâm đến đi sớm về muộn";
"Anh sẽ tạo điều kiện cho tôi nghỉ ngơi để anh làm quy trình cho bên nội, bên thân, bên sơ nhà anh vào. Tôi còn lạ gì!"; "Cậu danh giá lắm! Câu danh giá chứ! Cậu danh giá từ cơ quan về đến tận nhà cơ mà! Cả cơ quan này ai còn lạ gì cậu là người tử tế như thế nào?";
"Hãy chứng minh bằng việc làm ấy xem tài năng đến đâu mà được lãnh đạo ưu ái như thế?"; "Đến học sinh tiểu học nó cũng không viết lách hành văn như thế này. Cháu đang định dạy cô cách duyệt bài đấy à?"...
2. Nguyệt (Diễm Hương): "Cô gái vàng trong làng thảo mai" mánh khóe và vụ lợi
Trái ngược với tính cách của bà Như Ý, Nguyệt lại là một trưởng phòng cực kì thảo mai, mánh khóe và vụ lợi. Cô tỏ ra cực kì thoải mái, thân thiện và sẵn sàng hi sinh vì các nhân viên để đạt được mục đích riêng.
Nguyệt là đại diện của tuýp lãnh đạo hiện đại, bất chấp mọi thủ đoạn chỉ vì muốn đạt được mục đích riêng của mình. Đối với nhân viên, những cô cậu mà ngày ngày vẫn chị, chị, em, em ngọt xớt, Nguyệt cũng chỉ "thảo mai" để lợi dụng.
Nguyệt luôn nhanh chân "đi trước" bà chị già Như Ý. Cô không ngại nịnh bợ sếp, thích "đâm sau lưng" người khác, và thường áp đặt nhân viên một cách vô lý.
Nguyệt quá giỏi trong việc luồn cúi, xu nịnh những người có khả năng mang lại lợi ích cho cô.
Không giống bà Như Ý, Nguyệt không soi mói những chuyện vụn vặt và chị chỉ thích "chơi lớn", chẳng hạn như vụ đi quà cưới con trai Tổng biên tập. Vì lợi ích cá nhân mình là cái ghế trưởng phòng, Nguyệt sẵn sàng chơi bài ngửa với nhân viên là o ép mọi người tự bỏ tiền túi 5 triệu để có được món quà cưới oách để "xử đẹp" bà Như Ý.
Nguyệt luôn suy nghĩ trước sau, xem việc gì nên làm trước, có lợi trước. Cô không ngần ngại “thủ đoạn” với “cả thế giới”.
Như trong việc “chạy chức”, Nguyệt “thảo mai” cạy cục từ vợ cũ đến vợ mới của sếp, từ nhân viên cấp dưới đến “ông lớn” trên Bộ. Rồi cuối cùng vẫn cay cú thua bà Như Ý.
Thế nhưng, Nguyệt cũng là kẻ thức thời, khi biết không thể đấu lại với bà Như Ý, Nguyệt chuyển qua nịnh nọt, “một dạ hai vâng”, để chờ ngày “xoay chuyển tình thế”.
|
Dù là thảo mai, hay độc đoán, cổ hủ thì 2 kiểu sếp như Nguyệt và bà Như Ý quả là “ác mộng” đối với các nhân viên.
Trên thực tế, ở môi trường công sở ngày nay không thiếu gì 2 mẫu sếp “tạo nghiệp” và các màn “cung đấu” giữa các nhân viên như trong Những nhân viên gương mẫu lại có quá nhiều ở đời thực.