Chế Tạo xóa nghèo từ cây thảo quả

Người dân xã Chế Tạo thu hái thảo quả
Người dân xã Chế Tạo thu hái thảo quả

Bản Kể Cả cách trung tâm xã Chế Tạo gần 25 km, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là mùa mưa chỉ có thể đi bộ. Cả bản có gần 47 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Cách đây 5 năm trở về trước, đây là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì trong xã, tỷ lệ thiếu đói giáp hạt chiếm trên 80%.

Tuy nhiên, sau khi các hộ gia đình được tiếp cận các nguồn vốn vay và các chính sách an sinh xã hội, nhân dân trong bản đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, làm đường giao thông nông thôn, nhất là trồng cây thảo quả và một số cây lâm nghiệp gắn với phát triển, bảo vệ rừng nên đời sống ngày càng khấm khá.

Ông Sùng A Páo, ở bản Kể Cả, trước đây là một trong những hộ có hoàn cảnh nghèo khó nhất nhì bản. Đất sản xuất ít nên cái đói, cái nghèo luôn đeo bám gia đình ông. Năm 2012, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải, gia đình ông Páo đã đầu tư trồng cây thảo quả.

Có vốn lại cần cù, chịu khó lao động mấy năm trở lại đây gia đình ông Páo có thêm nguồn thu trung bình từ 60 - 80 triệu đồng/năm từ thảo quả. Ông Páo phấn khởi cho biết: “Riêng năm 2018, gia đình tôi thu được trên 100 triệu đồng từ thảo quả. Đây thực sự là cây xóa nghèo hiệu quả với người dân vùng cao chúng tôi”.

Bí thư Chi bộ bản Kể Cả Sùng A Câu chia sẻ, trước đây bản rất nghèo, sau khi đưa giống thảo quả vào trồng thì đời sống của dân bản đã có nhiều chuyển biến. Hiện nay, 100% số hộ trong bản có xe máy, gần 80% số hộ có nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2018 giảm xuống còn 63%.

Cũng giống như bản Kể Cả, bản Tà Dông được biết đến là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của toàn xã với trên 43% hộ nghèo, 8% hộ cận nghèo. Để có được kết quả trên cách đây hơn chục năm người dân của bản đã biết gắn cuộc sống với rừng và tận dụng diện tích rừng để phát triển kinh tế, trong đó tập trung trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Đến nay, cả bản có đã có hàng trăm ha thảo quả dưới tán rừng, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Trong đó, có những hộ mỗi năm thu được vài trăm triệu và đầu tư mua ô tô như gia đình ông Sùng Nủ Chư, Sùng A Khày…

Hiện xã Chế Tạo có 6 thôn, bản với trên 2.500 dân, toàn xã có trên 19 nghìn ha rừng, trong đó 16 nghìn ha rừng thuộc khu bảo tồn loài sinh vật cảnh. Để bảo vệ tốt diện tích rừng gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao đời sống của bà con nhân dân, những năm cuối thập niêm 90 người dân đã trồng thảo quả dưới tán rừng, hiện nay diện tích này đã tăng lên hàng nghìn ha, giúp bà con nhân dân có thêm nguồn thu và xóa đói giảm nghèo.

Cũng nhờ cây thảo quả và các chính sách của Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới nơi đây. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn khoảng 52% và từ đầu năm 2019 đến nay xã đã giảm được 70% (19/36 hộ) số hộ nghèo theo Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy Yên Bái và Kế hoạch 170 của Huyện ủy Mù Cang Chải.

Thời gian tới xã Chế Tạo tiếp tục vận động nhân dân tập trung phát triển một số loại cây trồng cho năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, đặc biệt là tận dụng các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trồng thêm một số cây như: chuối, sa nhân, gừng…

 “Chúng tôi xác định, nếu muốn giảm nghèo nhanh và bền vững cấp ủy chính quyền tiếp tục vận động nhân dân tập trung chăm sóc diện tích cây thảo quả và tận dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả trồng thêm các loại cây trồng cho năng suất cao như, hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, gắn với việc phát triển và bảo vệ rừng”, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo Sùng A Chống nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".