Làm giàu từ cải tiến máy nông nghiệp

GD&TĐ - Anh Vương Hùng Nam (SN 1977), người dân tộc Nùng, ở xóm Thin Thượng, xã Ngọc Động, huyện Thông Nông, Cao Bằng là gương nông dân tiêu biểu toàn quốc có sáng kiến, phát minh khoa học, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội trong sản xuất nông nghiệp.

 Vương Hùng Nam bên chiếc máy bóc lạc do anh chế tạo (Internet)
Vương Hùng Nam bên chiếc máy bóc lạc do anh chế tạo (Internet)

Đam mê chế tạo máy

Vương Hùng Nam là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn nên học hết lớp 5 phải nghỉ học. Cơ duyên với việc cải tiến máy nông nghiệp của Nam bắt đầu cách đây 21 năm.

Đó là vào năm 1998, như bao thanh niên khác nơi miền quê nghèo Thông Nông, Vương Hùng Nam lặn lội vào tận Đắk Lắk làm thuê. Nơi đất khách quê người, Nam ngạc nhiên khi chứng kiến người nông dân Đắk Lắk không phải bóc lạc thủ công như ở quê Thin Thượng của mình. Với chiếc máy bóc lạc chế tạo đơn giản nhưng rất tiện ích, đã giải phóng được sức lao động, cho năng suất cao hơn rất nhiều khi so với người nông dân phải bóc tay.

Nam đã chụp lại ảnh máy bóc lạc và trong đầu luôn nung nấu suy nghĩ, tại sao ở quê nghèo miền núi của mình trồng đỗ, lạc nhiều mà người dân không có máy bóc lạc?

Gia đình Nam cũng như các gia đình người dân tộc Nùng sống ở xóm Thi Thượng bao đời nay chỉ biết sử dụng đôi bàn tay để làm công việc này. Cách làm thủ công này vừa đau mỏi tay, tốn nhiều thời gian và công sức, mà năng suất thì không thể cao bằng máy. Khi trở về quê làm ăn, Nam đã nghiền ngẫm, tự mày mò chế tạo máy bóc lạc.

Nam chia sẻ: “Sau những đêm dài trăn trở, rồi bắt tay vào từng phần việc nhỏ nhất, cuối cùng tôi chế tạo được chiếc máy bóc lạc”. Lúc đầu Nam chọn cách lắp động cơ để vận hành thử nghiệm, với mong muốn máy sẽ bóc tách lạc củ nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng suất bóc lạc thì cao nhưng hạt lạc sau khi máy bóc tách vỏ xong lại bị tróc mất lớp màng vỏ bọc phần nhân, giảm giá trị khi bán.

Thấy vậy, anh Nam đã quyết định bỏ động cơ điện, hoàn toàn sử dụng máy bóc lạc theo cơ chế quay tay. Việc thay đổi linh kiện lắp đặt máy như vậy, đã cho sản phẩm hạt lạc sau bóc bảo đảm chất lượng, không bị tróc vỏ, khi bán được giá hơn...

Ông chủ sản xuất máy nông cụ

Đến nay, Nam đã chế tạo thành công máy bóc vỏ lạc làm bằng gỗ tạp, có hình dáng gọn nhẹ, dễ di chuyển. Quá trình tách lạc khỏi vỏ nhưng không ảnh hưởng đến hạt lạc, hạt không bị xước dập. Công suất của máy cho hiệu quả cao. Máy đã được người dân của huyện Thông Nông và một số huyện khác trong tỉnh Cao Bằng sử dụng.

Theo đánh giá của người sử dụng, máy bóc lạc cho công suất cao gấp 20 khi so sánh với tốc độ bóc lạc thủ công. Thông thường, một người phải mất 2 giờ mới bóc được 1 kg lạc, thì nay dùng máy có thể bóc tách được 10 kg lạc.

Ngoài máy bóc vỏ lạc, Nam nghiên cứu và cải tiến máy thái thức ăn gia súc, đưa vào thử nghiệm và nay đã sản xuất đại trà thành công. Nam đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 xưởng sản xuất máy tách vỏ lạc và máy thái thức ăn gia súc ở thị trấn Thông Nông và xã Lương Can (Thông Nông).

Tính ra, mỗi năm Vương Hùng Nam cung cấp ra thị trường khoảng 80 chiếc máy bóc lạc, với giá thành từ 800.000 - 1.000.000 đồng/chiếc và hơn 100 chiếc máy thái thức ăn với giá bán từ 800 - 1,3 triệu đồng/chiếc, tùy theo loại quay tay hay dùng động cơ điện, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 250 triệu đồng/năm.

Hai loại máy do Nam sáng chế có điểm chung là giảm được tối đa công lao động, tiết kiệm chi phí cho người dân và phù hợp với nông dân miền núi. Nhất là máy thái thức ăn sử dụng tiện lợi và an toàn do không dò điện, được nhân dân trong huyện và một số huyện khác rất ưa chuộng.

Hai xưởng sản xuất máy của Nam hiện có gần 10 lao động, với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Nam cũng nhận dạy nghề cho thanh niên nông thôn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Có thể thấy, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng nông dân Vương Hùng Nam đã biến đam mê chế tạo máy móc, thay thế sức lao động cho người dân trong trồng trọt và chăn nuôi thành hiện thực.

Những chiếc máy do anh sản xuất, bán trên thị trường đã giúp nhà nông tăng năng suất lao động để có thu nhập cao hơn. Và ít ai ngờ rằng, Vương Hùng Nam mới chỉ học hết lớp 5.

 Danh hiệu, hình thức khen thưởng anh Vương Hùng Nam đã đạt được:

- Huân chương lao động Hạng III của Chủ tịch nước năm 2015.

- Danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Cao Bằng năm 2017.

- Năm 2018, anh được tôn vinh là nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.