Hình ảnh được công bố ghi lại loạt vụ tấn công của quân đội Nga bằng máy bay không người lái (UAV) cáp quang tại tỉnh Kursk. Mở đầu là màn truy đuổi và phá hủy xe tăng Abrams, sau đó là chiếc SUV trang bị hệ thống gây nhiễu UAV, tiếp theo là màn phá hủy xe chiến đấu chở quân M113.
Điểm chung của tất cả những phương tiện bị phá hủy là chúng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử nhằm gây nhiễu hoạt động của máy bay không người lái. Tuy nhiên, nỗ lực của quân Ukraine không tác dụng với UAV cáp quang của Nga.
Viết về khả năng của UAV cáp quang, tờ Forbes cho biết, cuộc xung đột Ukraine đã làm nổi bật sự sáng tạo trong công nghệ về UAV, cũng như phương pháp chống lại loại khí tài này của các bên tham gia xung đột.
Cách đối phó phổ biến nhất là tác chiến điện tử (EW), sử dụng các thiết bị gây nhiễu cầm tay phát sóng vô tuyến can thiệp vào tín hiệu kết nối giữa UAV và người điều khiển làm UAV mất kiểm soát hoặc hạ cánh theo bên can thiệp.
Để đối phó với cách can thiệp từ EW, Nga đang tăng cường sử dụng loại UAV tự sát gắn sợi cáp quang mảnh để điều khiển, thay vì tín hiệu vô tuyến như trước đây.
Dây cáp quang dạng cuộn được tích hợp bên trong chiếc UAV và sẽ dần bung ra khi nó di chuyển, giúp duy trì tín hiệu điều khiển, hình ảnh từ camera trên UAV tới tổ vận hành ngay cả khi đối phương triển khai thiết bị EW.
Phó giáo sư Vikram Mittal, tại Học viện Lục quân West Point của Mỹ, cho biết: "Với UAV cáp quang, các luồng dữ liệu này được truyền tới tổ vận hành thông qua dây cáp nên không phát ra tín hiệu vô tuyến có thể truy dấu".
Khi làm nhiệm vụ, UAV cáp quang phát ra tiếng ồn lớn hơn so với UAV bình thường do cánh quạt của nó cần tạo ra lực đẩy lớn hơn để có thể đáp ứng được lực kéo từ cuộn dây cáp".
Để đối phó với loại vũ khí này, học giả Mỹ cho rằng, nên tập trung cả vào sợi cáp quang thay vì chiếc UAV. Dù rất bé và rất khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng sợi cáp này lại phản chiếu ánh sáng trong quang phổ hồng ngoại.
Tận dụng đặc tính này, hệ thống phát hiện UAV có thể phát chùm tia laser hồng ngoại khuếch tán quét qua bầu trời rồi dùng camera hồng ngoại để phát hiện ánh sáng phản chiếu từ sợi cáp.
Những chiếc camera này cũng có thể được dùng để nhận diện tín hiệu nhiệt từ động cơ của những chiếc UAV khi nó nóng lên trong quá trình hoạt động.
Mặc dù vậy, vị giáo sư này cũng cho biết, cho đến nay chưa có bất kỳ ghi nhận nào về việc đối phó thành công với UAV cáp quang trên chiến trường Ukraine được công bố.