ChatGPT với giáo dục: Thúc đẩy sự thay đổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Có ý kiến lo ngại, ChatGPT có thể thay thế vai trò của giáo viên, khi việc tiếp cận kiến thức ngày càng dễ dàng, thuận tiện.

ChatGPT có thể trở thành một trợ thủ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh. Ảnh minh họa
ChatGPT có thể trở thành một trợ thủ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ở góc độ khác, mỗi thầy cô có thể tận dụng thời cơ để thay đổi, cập nhật và trở nên hoàn thiện, tinh hoa hơn.

Cách tiếp cận kiến thức mới

Dù xuất hiện chưa lâu nhưng ChatGPT thực sự khiến người dùng Internet toàn thế giới phải trầm trồ trước khả năng trả lời gần như mọi câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực từ kiến thức phổ thông đến chuyên ngành. Tháng 1/2023, ChatGPT thậm chí đã vượt qua các bài thi trình độ thạc sĩ của các trường đại học danh giá tại Mỹ, gồm bài thi tốt nghiệp của chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Wharton, Pennsylvania và các bài thi luật của 4 khóa học tại Đại học Minnesota.

Khi Internet và các thiết bị điện tử trở nên sẵn có ở mọi lúc, mọi nơi, đồng nghĩa với việc ChatGPT có thể “đồng hành” cùng con người 24/7 và tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong cách chúng ta tiếp cận kiến thức và thông tin. Điều này đồng thời dẫn đến những lo ngại về việc con người tận dụng ChatGPT cho những mục đích gian lận, đạo nhái ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Một trong số những lĩnh vực có lẽ sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là giáo dục.

Có thể, nói, nguy cơ gian lận, thiếu liêm chính trong học thuật là mối lo ngại lớn của rất nhiều nhà giáo dục và các tổ chức giáo dục. Tại Mỹ, hệ thống trường Bang New York, hệ thống giáo dục lớn nhất của quốc gia này, đã cấm học sinh sử dụng phần mềm ChatGPT vì lo ngại gian lận. Khi đó, động lực học tập của học sinh cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Cùng với đó là tính chính xác của thông tin. Dù là “cỗ máy” thông minh và được đào tạo để đọc và tổng hợp hàng triệu, thậm chí hàng tỷ văn bản, nhưng ChatGPT không có khả năng sao chép kỹ năng phân tích và phản biện của người thật.

Bên cạnh đó, cơ chế đưa ra các câu trả lời của ChatGPT nằm ở 175 tỷ tham số và việc xử lý chỉ trong một giây để có thể đưa ra câu trả lời tối ưu nhất. Vì thế, chất lượng câu trả lời và độ chính xác mà ChatGPT đưa ra phụ thuộc vào hệ thống dữ liệu đầu vào. Trong bối cảnh tin giả (fake news) xuất hiện ngày càng nhiều, việc học sinh, sinh viên phụ thuộc hay sao chép hoàn toàn từ ChatGPT dẫn đến nguy cơ hiểu sai, hiểu nhầm kiến thức và sự thật.

Tác động khác là ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên. Như đã nói ở trên, dù với khả năng ưu việt, ChatGPT vẫn chỉ là “cỗ máy” vô tri và không thể sao chép được các kỹ năng phân tích, phản biện. Do đó, nó có thể đưa ra các gợi ý để cải thiện bài viết và câu trả lời của học sinh - sinh viên, nhưng không thể thay thế được người học ở khả năng cảm nhận, phân tích, kinh nghiệm xử lý trong mỗi tình huống...

Thầy Ngô Huy Tâm (giữa) chia sẻ tại Hội thảo về kiến tạo thế hệ mới với tư duy toàn cầu.

Thầy Ngô Huy Tâm (giữa) chia sẻ tại Hội thảo về kiến tạo thế hệ mới với tư duy toàn cầu.

Trợ giảng ChatGPT: Tại sao không?

“Tôi là một trợ lý, mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo bởi OpenAI. Tôi có thể trả lời các câu hỏi và yêu cầu bằng ngôn ngữ khác nhau và cung cấp thông tin. Tôi cũng có thể cùng bạn trò chuyện và đưa ra những phản hồi nghe giống như con người. Tuy nhiên, tôi không phải là con người và không có kinh nghiệm hay ý kiến cá nhân. Trình độ hiểu biết của tôi chỉ giới hạn tới năm 2021 và tôi không có khả năng theo dõi các sự kiện hiện tại hoặc thu thập thông tin mới. Tôi chỉ đơn thuần là một chương trình máy tính được thiết kế để cung cấp thông tin và cố gắng trả lời các câu hỏi và thắc mắc một cách tốt nhất có thể”.

Thông tin ChatGPT tự giới thiệu về mình phù hợp với mục tiêu ban đầu: ChatGPT được đào tạo để trở thành một “trợ lý” (assisstant). Điều khiến ChatGPT khác biệt có lẽ nằm ở 2 yếu tố. Đó là những phản hồi mà nó đưa ra thực sự “nghe giống như con người”, với dụng ngữ hợp bối cảnh, trôi chảy và vô cùng thuận tai, chứ không phải là những phản hồi khô khan như các chatbot khác. Nhưng yếu tố quan trọng và mang tính quyết định hơn là ChatGPT có thể “cùng bạn trò chuyện”. Điều này có nghĩa, con người và ChatGPT có thể duy trì cuộc hội thoại về một chủ đề, lĩnh vực, kiến thức nào đó. Do đó, “trợ lý” này có thể hỗ trợ, dẫn dắt, gợi ý bạn trong quá trình học tập, nghiên cứu và đôi khi là cả giải trí, thư giãn.

Với lĩnh vực giáo dục, ChatGPT có thể trở thành một trợ thủ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh nếu nó được tận dụng đúng cách và đúng mục đích.

Theo đó, ChatGPT có thể hỗ trợ người học đưa ra các câu trả lời nhanh chóng với độ chính xác cao. Điều này giúp giảm tải khối lượng kiến thức cần phải ghi nhớ hay thuộc lòng. Thay vào đó, người học có thể tập trung vào các mục tiêu giáo dục ở cấp nhận thức cao hơn như tổng hợp, phân tích, đánh giá và sáng tạo (theo Hệ phân loại mục tiêu giáo dục theo nhận thức Bloom).

ChatGPT được đào tạo bằng máy học (machine learning) để có thể giúp học sinh, sinh viên cải thiện kỹ năng viết. Một trong những tiềm năng đột phá của ChatGPT về quy trình viết học thuật là nó có thể giúp người học lên cấu trúc và hình thành ý tưởng. ChatGPT cũng có thể hoạt động như một trợ lý viết “thông minh” bằng cách cung cấp cho người dùng các đề xuất về những thay đổi hoặc cải tiến đối với phong cách viết hoặc ngữ pháp. Do đó, giáo viên Văn học hay Tiếng Anh có thể tận dụng ChatGPT để giúp học sinh đưa ra ý tưởng mới, mở rộng ý tưởng sẵn có và có thêm nhiều góc nhìn đa chiều hơn cho một vấn đề.

Thay đổi hoặc tự đào thải

Mỗi nhà giáo đều có thể tận dụng thời cơ để thay đổi, cập nhật và trở nên hoàn thiện, tinh hoa hơn.

Muốn vậy, thầy cô cần làm chủ công nghệ để có thể tối ưu việc dạy và học. Hơn bao giờ hết, giáo viên cần nâng cao năng lực kỹ thuật số (digital literacy) để có thể tận dụng tối đa lợi thế của ChatGPT nói riêng và các công cụ giáo dục khác nói chung, trong việc giảng dạy. Hiện nay, nền tảng Udemy đã có khóa học online “ChatGPT for Teachers in Education” (ChatGPT cho Giáo viên trong Giáo dục), nơi giáo viên có thể hiểu và tận dụng công cụ này để thiết kế bài giảng và cá nhân hóa giáo án cũng như hỗ trợ học sinh tối đa.

Không chỉ có ChatGPT, giáo viên có thể tận dụng nhiều công cụ AI khác đang có sẵn để tối ưu, làm phong phú, sinh động bài giảng. Tại Phenikaa School, học sinh trong lớp tôi đã sử dụng Transformer - một công cụ AI giúp hỗ trợ, hình thành ý tưởng để viết tiếng Anh, hay Semantris - công cụ AI giúp học sinh mở rộng vốn từ vựng tiếng Anh…

Thứ nữa, khi thông tin và kiến thức trở nên phổ biến trong đại chúng, sách giáo khoa và bài giảng của giáo viên không còn là nguồn tri thức duy nhất. Do đó, việc chuyển đổi cách giảng dạy và đánh giá truyền thống sang các mô hình khác phù hợp với thời đại là cần thiết. Ví dụ: Mô hình lớp học đảo ngược, nơi học sinh tự thu thập, tổng hợp kiến thức ở nhà và trình bày, thuyết trình ở trên lớp các nội dung đã chuẩn bị trước đó. Các hoạt động trên lớp cũng cần được thiết kế để học sinh thể hiện năng lực và khả năng tư duy thay vì đơn thuần ghi nhớ, thuộc lòng kiến thức.

Tại Phenikaa School, mô hình lớp học đảo ngược áp dụng xuyên suốt ở nhiều môn học (Dự án Chuyển động Nhật Bản). Điều này cho học sinh cơ hội làm chủ kiến thức, là trung tâm của quá trình học tập. Đồng thời, giáo viên có thể đánh giá được các kỹ năng phân tích, tổng hợp, phản biện, giải quyết vấn đề - những kỹ năng mỗi em buộc phải rèn luyện và trau dồi chứ không thể sao chép từ bất cứ thiết bị hay công cụ nào.

Việc đánh giá học sinh dần dịch chuyển từ đánh giá định kỳ sang thường xuyên vô cùng quan trọng. Nhờ đó, giáo viên nắm được sự tương quan giữa sản phẩm với năng lực thật sự của mỗi em chính xác, tránh việc trò đạo văn hay phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ.

Giáo viên cần học tập, mở rộng thêm chính kiến thức chuyên ngành. Với sự giúp đỡ của công nghệ, áp lực phải ghi nhớ được giảm tải rất nhiều. Tuy nhiên, thay vào đó, bản thân mỗi người cần học, đọc và cập nhật liên tục kiến thức sâu sắc hơn về chuyên ngành của mình. Đây là điều cốt yếu để thầy cô có thể hỗ trợ, định hướng, phản biện, đưa ra lời khuyên cho học sinh ở các cấp độ tư duy cao hơn, điều mà không máy móc nào có thể thay thế được.

Thế giới đã đi qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Dù ít hay nhiều, mỗi cuộc cách mạng đều trải qua sự phản ứng hoặc có phần e ngại bởi sự thay đổi, dịch chuyển cơ cấu nhân sự và nghề nghiệp tất yếu. Nhưng vượt lên tất cả, thế giới đã phát triển ngày một văn minh, hiện đại; đời sống của con người ngày được cải thiện. Rõ ràng, dù muốn hay không, nền giáo dục sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của ChatGPT. Những rủi ro tiềm ẩn đưa đến cho hệ thống giáo dục nhiều thách thức, nhưng cũng mang lại không ít cơ hội để mỗi thầy, cô giáo làm chủ công nghệ, cải thiện và nâng tầm bản thân, góp phần tích cực và tươi sáng cho bức tranh giáo dục chung.

*Tác giả Ngô Huy Tâm hiện là Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường PTLC Phenikaa, Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ