• Những tranh luận, phản biện trên cơ sở khoa học, khách quan, xây dựng
(GD&TĐ) - Để chuẩn bị cho việc đổi mới công tác tuyển sinh trong giai đoạn sắp tới, Bộ GD&ĐT đã công bố Đề án tuyển sinh riêng của 4 trường Đại học ngoài công lập, gồm: ĐH Quang Trung, ĐH Yersin, ĐH Phan Châu Trinh và ĐH Trưng Vương. Bên cạnh đó, thông qua diễn đàn về Đề án tuyển sinh riêng trên Báo Giáo dục & Thời đại và các phương tiện truyền thông đại chúng, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, bạn đọc cả nước… với mong muốn tìm ra một quyết sách chung phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác tuyển sinh đại học hiện nay.
Rất nhiều tranh luận, phản biện trên cơ sở khoa học, mang tính khách quan, xây dựng đã được đưa ra, không những giúp xã hội hiểu rõ hơn về các nội dung được đề cập trong phương án tuyển sinh riêng, mà còn tạo cơ hội cho chính những “người trong cuộc” được tiếp cận vấn đề từ nhiều hướng khác nhau. Đa số ý kiến khẳng định kỳ thi “3 chung” được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, kết quả đạt được là khách quan, trong vài năm tới, khó có thể có phương án nào tốt hơn để thay thế kỳ thi này.
Tổng hợp sau đây của Báo GD&TĐ sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về vấn đề này.
Bộ GD&ĐT đã tóm tắt chính xác đề án tuyển sinh riêng Từ ngày 24/4/2013, báo GD&TĐ cùng một số cơ quan truyền thông đã đăng tải tóm tắt Đề án tuyển sinh riêng của 4 trường Đại học ngoài công lập với 2 tiêu chí xét tuyển là dựa vào kết quả học THPT và thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau đó, liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26/4, nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh đã khẳng định: “Ban đầu, trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng dựa trên 5 tiêu chí. Sau khi trao đổi với Bộ GD&ĐT, trường đã điều chỉnh lại phương án, chỉ còn 2 tiêu chí: kết quả học tập và thi tốt nghiệp THPT. Việc điều chỉnh này nhằm sát hơn với thực tế tình hình thi cử hiện nay của nước ta, khi Bộ vẫn đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung toàn quốc; thực hiện cải tiến tuyển sinh theo lộ trình. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến thời điểm 2015 - 2016 chỉ cần xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và phỏng vấn trực tiếp”. (Báo Thanh niên, ngày 25/4/2013: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130425/chon-nhieu-nguoi-hoc-hay-chat-luong-ky-2-can-chuan-chung-de-danh-gia.aspx). “Hiện tại, sau quá trình làm việc với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, tiếp thu một số gợi ý của Cục, chúng tôi đã đặt ra lộ trình 4 năm (2013 - 2016) cho Đề án này. Theo lộ trình, năm 2013 trường sẽ chỉ áp dụng 2 tiêu chí xét tuyển là dựa vào kết quả học THPT và thi tốt nghiệp THPT” (Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 26/4/2013: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-gia-Giao-duc/Nha-van-Nguyen-Ngoc-Ngoi-cho-kha-thi-thi-bao-gio-moi-kha-thi/293399.gd). Báo GD&TĐ đã tiếp cận tài liệu về phương án tuyển sinh của Trường Đại học Phan Châu Trinh do ông Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng - gửi cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Tại trang 18 của phần Phương án tuyển sinh cụ thể của Trường Đại học Phan Châu Trinh năm học 2013 - 2014 phương án do ông Thế ký, nói rõ: Xét tuyển dựa vào 2 tiêu chí 2&3. (1) Tiêu chí 2: điểm thi tốt nghiệp PTTH và (2) Tiêu chí 3: điểm trung bình 3 năm học PTTH, mỗi tiêu chí chiếm tỉ trọng 50% (tương đương với tối đa 50 điểm) trong tổng điểm xét tuyển là 100 điểm. |
Thí sinh tham gia thi ĐH đợt 2 khối D năm 2010. Ảnh: gdtd.vn |
Các ý kiến ủng hộ phương án tuyển sinh riêng
Phương án tuyển sinh riêng đã nhận được một số ý kiến ủng hộ với mong muốn giảm được sự tốn kém cho xã hội, loại bỏ được yếu tố may rủi, có sự đánh giá công bằng với thí sinh… trong công tác tuyển sinh đại học hàng năm.
GS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và GS Đặng Hữu - Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường) cùng chung nhận định: Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nên tập trung kiểm soát chất lượng “đầu ra”.
GS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến: “Bộ GD&ĐT cần sớm bỏ "ba chung" và "điểm sàn", tập trung tổ chức tốt một kỳ thi phổ thông để tránh tốn kém cho xã hội. Không có lí do gì để không tổ chức tốt một kỳ thi phổ thông nếu như Bộ đã làm được kỳ thi tuyển ĐH, CĐ tương đối "sạch" ít tiêu cực. Vừa qua các trường đại học ngoài công lập có phương án tuyển sinh riêng, như trường đại học Phan Châu Trinh là rất đáng khuyến khích. Đánh giá năng lực học sinh dựa trên bảng điểm của 3 năm học phổ thông, thậm chí môn cần đào tạo có thể nhân hệ số. Tiến tới thi vấn đáp và như vậy chất lượng sẽ chính xác hơn. Bộ GD&ĐT nên kiểm soát “đầu ra” chứ không nên lo “đầu vào”.
Còn GS Đặng Hữu chia sẻ: “Lâu nay điểm sàn trong kỳ thi theo hướng “3 chung” không đánh giá hết được người học, vẫn tồn tại sự may rủi. Hơn nữa trong quá trình đào tạo còn sàng lọc, có cố gắng của người học - người dạy nữa vì vậy nên thả lỏng đầu vào và siết chặt đầu ra”.
Với GS Hoàng Tụy, xét tuyển vào đại học phải căn cứ vào những tiêu chí: Vốn kiến thức và kỹ năng tối thiểu cần thiết; Vốn văn hóa chung (hiểu biết tổng hợp, khả năng tư duy, suy luận); Mức độ chuẩn bị về tinh thần, thái độ cần có để theo học đại học. Những thứ đó không thể đánh giá chỉ qua kết quả một kỳ thi tuyển sinh đại học, thậm chí qua kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa cũng chưa đủ. Quan điểm của GS Hoàng Tụy là: “Thi cử bao giờ cũng có yếu tố rủi ro, ngẫu nhiên, bất thường đột xuất, cho nên, từ nhiều năm nay tôi luôn đề nghị phải xét thêm cả quá trình học tập 3 năm cuối ở phổ thông. Hơn nữa, trong 3 yếu tố trên người ta thường chỉ chú ý yếu tố thứ nhất. Tuy nhiên, quan trọng nhất, quyết định nhất lại là hai yếu tố sau thì điểm thi ở các kỳ thi, kể cả kết quả học tập ghi trong học bạ 3 năm THPT cũng hoàn toàn chưa đủ để nhận xét và đánh giá. Cho nên để giúp đánh giá đúng và công bằng, còn phải kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp thí sinh”.
GS Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long - nêu quan điểm ủng hộ. Tuy nhiên, bà có phần lo lắng cho ĐH Phan Châu Trinh. Theo bà, trong điều kiện của xã hội hiện tại, muốn thực hiện đề án này cần sự nỗ lực rất lớn.
TS Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - đã chia sẻ kinh nghiệm trong tuyển sinh. Đó là từ 2006 đến nay, trường ĐH FPT đã thực hiện phương án tuyển sinh “riêng trong chung” - riêng vì có thi riêng, chung là có dựa vào kết quả thi chung của Bộ GD&ĐT (điều kiện cần của trường ĐH FPT là thí sinh phải đạt từ điểm sàn kỳ thi "3 chung" trở lên - PV). Ưu điểm của tuyển sinh “riêng trong chung” này là chọn được thí sinh theo ý muốn của trường, phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược phát triển, cũng giúp trường thu hút được nhiều thí sinh dự thi do tính mới lạ và hợp lý của kỳ thi riêng. Mỗi năm có khoảng trên 10 ngàn thí sinh tham dự cuộc thi “riêng” của trường ĐH FPT, và khoảng 15% trong số này trở thành sinh viên của trường.
TS Lê Trường Tùng khẳng định: “Nếu việc thi tốt nghiệp phổ thông được các địa phương làm tốt thì thi 3 chung chắc không cần thiết”.
Để chuẩn bị cho việc đổi mới công tác tuyển sinh trong giai đoạn sắp tới, từ ngày 24/4 - 8/5/2013, báo Giáo dục và Thời đại đã lấy ý kiến cho Đề án tuyển sinh riêng của 4 trường Đại học ngoài công lập, gồm: ĐH Quang Trung, ĐH Yersin, ĐH Phan Chu Trinh và ĐH Trưng Vương trên báo in và báo điện tử (www.gdtd.vn). Trong số 25 ý kiến chuyên gia, có 17 ý kiến phản đối (chiếm tỷ lệ 68%); 4 kiến ủng hộ (16%) và 4 ý kiến khác đối với 4 phương án tuyển sinh riêng. Trong số 100 comment trên báo điện tử, có 55% ý kiến phản đối, 31% ý kiến ủng hộ và 14% ý kiến khác. |
4 lý do khiến các chuyên gia và dư luận xã hội chưa đồng tình với phương án tuyển sinh riêng
Trên các diễn đàn, đa số các ý kiến đều thể hiện việc chưa đồng tình với đề án tuyển sinh riêng, đồng thời đòi hỏi các trường khi đề xuất tự chủ tuyển sinh cần có phương án đảm bảo tính khoa học và khả thi hơn. Các phân tích, đóng góp, chia sẻ từ nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý đều chỉ rõ 4 nguyên nhân sau:
* Kết quả học, thi ở phổ thông chưa đáng tin cậy
TS Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM) phân tích: “Việc xét học bạ trong tuyển sinh thường không được sử dụng phổ biến ở những nước đang phát triển vốn không có một nền giáo dục ĐH đại chúng. Tại một nước như Việt Nam với rất nhiều bất cập, thiếu thốn trong giáo dục phổ thông, nơi có được tấm bằng ĐH vẫn hầu như là cánh cửa vào đời duy nhất đối với thanh niên, thì việc xét tuyển vào ĐH bằng kết quả học tập ở bậc phổ thông cần phải thực sự cân nhắc trước khi sử dụng, và nhất thiết phải sử dụng kết hợp với những yếu tố khác có tính khách quan hơn”.
Còn TS Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết: “Việc xét tuyển ĐH chỉ dựa vào kết quả học và thi tốt nghiệp THPT như một số trường, nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra lại bất khả thi. Bởi lẽ, nếu triển khai tất yếu sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, trong đó có vấn nạn lạm phát điểm từ các trường THPT. Quan trọng hơn, sẽ không có một chuẩn chung để đánh giá vì cũng là điểm 10 nhưng mỗi nơi sẽ có giá trị khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay ở ta chỉ mới đạt mức hoàn thiện chương trình phổ thông chứ chưa thể dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thậm chí, ngay cả nhiều nước phát triển khác trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đều không sử dụng yếu tố này cho kỳ thi tuyển sinh. Tôi cho rằng, một đề án cải tiến tuyển sinh cần phải đảm bảo tính khoa học và khả thi, còn nếu chỉ là “nghe hay” thôi thì chưa đủ”.
* Xét tuyển chưa đảm bảo tính công bằng
Nếu coi kết quả học tập của học sinh ở trường THPT là thực chất, phản ánh được năng lực của học sinh thì việc xét tuyển theo các phương án do các trường ngoài công lập đề nghị là chấp nhận được. Tuy nhiên hiện nay, đây chỉ là giả thiết lạc quan.
Thứ nhất, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy sự đánh giá, cách tổ chức học tập, thi cử giữa các trường THPT ở các địa phương khác nhau có sự sai lệch lớn. Có trường rất nghiêm túc nhưng có trường còn xuề xòa, chạy theo thành tích...
Thứ hai, căn cứ vào kết quả thi THPT với trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp với việc thống kê điểm các môn thi đại học, việc định điểm sàn trong những năm gần đây cho thấy có độ vênh rất lớn giữa việc đánh giá quá trình học tập ở phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học theo “3 chung”.
Chính bởi vậy, đa số ý kiến khẳng định kỳ thi “3 chung” được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, kết quả đạt được là khách quan và chính xác hơn các kỳ thi ở trường THPT, kể cả kỳ thi tốt nghiệp.
Thí sinh thảo luận bài sau giờ thi |
Các chuyên gia cho rằng cách tính điểm số từ những môn học ở bậc THPT để xét tuyển như các trường đề nghị vẫn chỉ là cách làm thô, đơn giản với cơ sở dữ liệu chưa thật đáng tin cậy. Nếu sử dụng kết quả học tập ở THPT thì cần kết hợp thêm những đánh giá, khảo sát khác để tuyển đầu vào như phỏng vấn, trắc nghiệm hoặc ít ra cần tham khảo điểm thi đại học của kỳ thi “3 chung”.
“Nên gắn với kỳ thi “3 chung” là lời khuyên của của PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng. Ông phân tích: “Thứ nhất, cả bốn trường đều chỉ sử dụng 2 tiêu chí là kết quả học tập ở phổ thông và điểm thi tốt nghiệp THPT – cần xem xét độ tin cậy của phương án này... Để hợp lý, phương án của các trường nên có sự gắn kết với kỳ thi 3 chung. Cụ thể, điểm trung bình học phổ thông và điểm thi tốt nghiệp cho vào một nhóm – lấy trọng số 50%; còn lại kết quả thi ĐH theo kỳ thi 3 chung lấy 50%”.
GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng - đề xuất: “Ngoài 2 yếu tố là quá trình học THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT, nên xét cả kết quả của kỳ thi “3 chung” và phương án này chỉ nên áp dụng nếu tuyển theo phương thức “3 chung” mà không đủ chỉ tiêu”.
Tuy nhiên nếu đã sử dụng kết quả kỳ thi "3 chung" thì phải lấy điểm sàn làm chuẩn. PGS.TS Lê Văn Học - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: "Đã lựa chọn phương thức "3 chung" thì đương nhiên phải có điểm sàn. Đây được coi là ngưỡng tối thiểu để cho những người đã tốt nghiệp THPT có thể vào học ĐH".
Đại học FPT là trường tiên phong trong công tác tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh theo cách riêng, môn thi riêng… nhưng điều kiện cần để thí sinh được xét tuyển vào trường là phải có kết quả thi "3 chung" đạt từ điểm sàn trở lên. Đây là sự vận dụng đúng nguyên tắc "đã thi chung thì phải có điểm sàn". TS Lê Trường Tùng phân tích: “Nếu chúng ta đồng ý phương án tuyển sinh riêng của các trường, tức học sinh chỉ cần học lực trung bình khá (6.0) là có thể học ĐH sẽ dễ dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất, nó sẽ không đảm bảo được công bằng. Thứ hai, khi đã không có sự công bằng sẽ rất dễ nảy sinh các hệ lụy khác, tiêu cực, mua điểm nơi nhà trường. Điểm thi tốt nghiệp THPT hiện nay trong hệ thống giáo dục nước ta được xem là quan trọng. Nhưng trên quan điểm của tôi, đó chỉ nên là yếu tố dùng để tham khảo”.
Ông Tùng cũng đưa ra điểm yếu của các phương án tuyển sinh riêng: “Có một khiếm khuyết trong các phương án này là các trường đưa ra tiêu chí lấy từ trên xuống dưới đủ chỉ tiêu nhưng lại quên chất lượng. Dù là phương án của Bộ hay các trường cũng cần có điểm sàn, có thể là điểm của riêng trường”.
* Tự chủ tuyển sinh không có nghĩa là hy sinh chất lượng
TSKH Cao Văn Phường - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng ĐH Bình Dương; GS Vũ Minh Giang - Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội; PGS.TS Lê Văn Học - Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội; PGS.TS Trần Đình Tuấn - Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng); NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT, Quyền Hiệu trưởng Đại học Duy Tân; NGƯT Hoàng Thế Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh)… đều nhấn mạnh: Tự chủ tuyển sinh nhưng phải phù hợp với Quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo các nhà quản lý giáo dục, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì tuyển sinh phải có quy định chung cho tất cả các trường trên cả nước. Khi chưa có được sự thống nhất quy định, các trường chưa thể tự tuyển sinh.
Cùng đó, vấn đề tự chủ phải trên cơ sở lấy chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của xã hội, hoàn toàn không phải tự chủ một cách vô nguyên tắc. TS Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics (Hải Phòng) - nêu ý kiến: “Không thể “tháo khoán” hoàn toàn cho các trường tự chủ tuyển sinh khi chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà người học, xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Là lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập, ý kiến thẳng thắn của NGƯT Lê Công Cơ khiến nhiều người chú ý: “Hiện tại, việc đòi tự chủ, tuyển sinh một cách ào ạt đồng nghĩa với việc hy sinh chất lượng. Lâu nay, phần lớn doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tuyển dụng theo chất lượng chất lượng. Liệu sản phẩm đào tạo ra chất lượng thấp xã hội có chấp nhận được hay không?”.
Ông Cơ cũng cảnh báo: “Nếu 4 trường ngoài công lập tuyển sinh như phương án đề ra, nếu họ tuyển trước “3 chung”, sẽ có bao nhiêu thí sinh đăng ký? Nếu tuyển cùng đợt, thí sinh sẽ chọn thi “3 chung”. Nếu tuyển sau “3 chung” có nghĩa là tuyển số học sinh thi rớt đại học, là chạy theo số lượng. Học sinh có 2 lựa chọn: Một là, thi vào các trường công lập; Hai là, đăng ký dự thi vào các trường ngoài công lập. Việc đưa ra phương án tuyển sinh riêng là tự xếp mình ở hàng thứ ba”.
Có thể thấy việc 4 trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng xuất phát từ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, thu hút sinh viên vào học dẫn đến khó khăn về duy trì hoạt động và nguồn tài chính. Việc thực hiện Đề án này trước mắt sẽ cứu được 4 trường. Tuy nhiên, xét về lâu dài, đây sẽ là nguyên nhân khiến các trường khó khăn hơn.
* “3 chung” vẫn là giải pháp lựa chọn của tuyệt đại đa số các trường hiện nay
Trong số 420 trường đại học, cao đẳng hiện nay, tuyệt đại đa số các trường không muốn tuyển sinh riêng và ủng hộ việc giữ nguyên phương án “3 chung”, ít nhất là ổn định trong một thời gian nữa. Ngay trong 25 chuyên gia có ý kiến trên diễn đàn báo GD&TĐ, đã có tới 20 người đề đạt nguyện vọng giữ nguyên kỳ thi tuyển sinh “3 chung” hiện nay. Nếu tính cả kết quả của Diễn đàn Điểm sàn trên báo GD&TĐ tổ chức hồi tháng 4/2013 thì quan điểm giữ điểm sàn trong kỳ thi “3 chung” để đảm bảo chất lượng vẫn là luồng ý kiến chủ lưu.
GS.TS Vũ Minh Giang - Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh: “Kỳ thi “3 chung” hiện nay không có lỗi, vấn đề nằm ở cách thức thi tuyển. Cách kiểm tra hiện nay chỉ đòi hỏi thí sinh phải nhớ và học thuộc lòng kiến thức nên dễ kéo theo căn bệnh học tủ và quay cóp. Tuy nhiên, với nhiều trường ĐH mới và non trẻ như ta hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi chung quốc gia vẫn rất cần thiết”.
Theo các nhà quản lý trường đại học, lý do giữ kỳ thi tuyển sinh “3 chung” chính là vì những ưu điểm vượt trội của nó. TS Phạm Minh Diệu - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - đánh giá: “Kỳ thi “3 chung” đảm bảo yêu cầu về trình độ đối với thí sinh đầu vào bậc ĐH, CĐ”.
Còn TS Lê Văn Học thì khẳng định: “Trên thế giới, học sinh đã tốt nghiệp THPT là có đủ điều kiện để học các cấp cao hơn, tức vào ĐH. Nhưng ở Việt Nam, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT nhiều hơn rất nhiều lượng chỉ tiêu có thể được vào ĐH vì cơ sở vật chất, điều kiện giáo viên và nhiều điều kiện khác của các trường không cho phép có thể tuyển hết các em tốt nghiệp THPT. Chính vì thế, phải có một giới hạn mà giới hạn đó, từ trước đến nay có lẽ tốt nhất vẫn là một kỳ thi. Mà đã thi chung đương nhiên phải có giới hạn là điểm sàn”.
Đảm bảo tính bền vững của cả một hệ thống giáo dục cũng là chủ đề được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn. Chính bởi các chuyên gia cho rằng đưa ra một phương án tuyển sinh riêng trong một hệ thống tuyển sinh chung là không tương thích với thực tế nền giáo dục ĐH hiện nay. PGS.TS Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật, Công nghệ TPHCM (HUTECH) khẳng định: “Không có căn cứ và chưa có một đánh giá, so sánh phương án tuyển sinh mới có thật sự tương đương (tính chặt chẽ, xác định ngưỡng tối thiểu học sinh cần phải có) với phương án “3 chung”.
PGS Lộc phân tích: “Với một hệ thống tuyển sinh ĐH tương đối ổn định, phù hợp đảm bảo được năng lực tối thiểu của người học như “3 chung”, không lý gì phải thay đổi. Nhất là khi điều kiện cần và đủ chưa rõ ràng, chưa tương thích với sự phát triển chung của toàn hệ thống giáo dục đại học hiện nay. Việc đảm bảo một năng lực tối thiểu (thông qua thi tuyển), để xác định người học có thể tiếp thu được khi học lên đại học, chương trình của bậc là điều kiện không thể bỏ qua”.
Còn ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đưa ra một ví dụ cụ thể: “Cách đây 3 năm, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương giao thí điểm cho một số trường đại học lớn lập phương án tuyển sinh riêng nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương án nào cụ thể và các trường này vẫn thực hiện phương thức “3 chung”. Điều này cho thấy ngay cả các trường đại học lớn cũng nhìn nhận “3 chung” còn nhiều ưu điểm”.
Đồng quan điểm ủng hộ giữ nguyên phương thức thi “3 chung” còn có PGS Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi); TS Nguyễn Văn Quang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô; NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT, Q.Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân…
Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Chủ tịch HĐQT lâm thời trường Đại học Đông Đô vẫn khẳng định trường này sẽ tiếp tục thực hiện theo tuyển sinh “3 chung”: “Phương án tuyển sinh nào cũng phải vì quyền lợi của người học, mà để đạt được mục đích này, cần phải được đặt trong bối cảnh chung”- Ông chia sẻ.
Thí sinh tự tin sau khi hoàn thành bài thi |
CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI TUYỂN SINH MANG TÍNH BỀN VỮNG
“Kỳ thi “3 chung” đã thực hiện trên 10 năm, cũng đã đến lúc cần xem xét lại để đạt kết quả tuyển sinh tốt nhất” – TS Lê Văn Học cùng nhiều chuyên gia tâm huyết chia sẻ. Tuy nhiên những sự thay đổi lớn về phương thức tuyển sinh cần phải được nghiên cứu ký càng và phải có lộ trình cụ thể. Ông Phạm Minh Diệu - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - hiến kế: Việc xét tuyển nên làm từ từ, không nên quá gấp gáp quá mà đốt cháy giai đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung. Quan trọng nhất là trường ĐH nào có uy tín, đảm bảo chất lượng đào tạo, được xã hội đánh giá cao, Bộ GD&ĐT dần giao cho các trường có phương án tuyển sinh riêng.
TSKH Cao Văn Phường cho rằng: “Vấn đề tự chủ tuyển sinh đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục Đại học. Điều quan trọng hiện tại là Bộ GD&ĐT nghiên cứu để đưa ra được bộ tiêu chí. Những trường nào đáp ứng những tiêu chí đó sẽ được xét tuyển. Như vậy, sẽ đảm bảo yếu tố chất lượng, khách quan, công bằng”.
Còn GS.TSKH Bành Tiến Long - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - nhận định: “Vừa qua Bộ GD&ĐT có đề nghị các trường lập phương án tuyển sinh riêng, điều này là tốt nhưng thời gian tuyển sinh thì không còn dài, nếu thời gian quá ngắn e rằng sẽ ảnh hưởng tới toàn quá trình công tác tuyển sinh”.
TS Lê Trường Tùng tỏ ra thận trọng: “Thay đổi phương thức thi là điều cần làm nhưng cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Với những trường hợp đặc biệt, việc tự chủ trong tuyển sinh không phức tạp (ví dụ như trường quốc tế, trường khối năng khiếu, văn học nghệ thuật). Riêng với những trường không đặc biệt (ĐH bình thường) việc có phương án tuyển sinh riêng tồn tại song song với phương án chung là điều cần phải nghiên cứu và cân nhắc thật kỹ, nếu không nó sẽ rất phức tạp”.
Diệu Ngọc – Thành Lân (tổng hợp)
Xin chân thành cảm ơn các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà quản lý cùng đông đảo các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên đã tích cực đóng góp ý kiến cho các diễn đàn về giáo dục và đào tạo. Xin cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã cùng với Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức diễn đàn rất thiết thực này. Ban Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại |