(GD&TĐ) - Sáng ngày 29/6/2012, tại thành phố Trà Vinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trị hội nghị tổng kết thi đua của ngành giáo dục 12 tỉnh ĐBSCL, năm học 2011-2012. Báo cáo của trưởng vùng thi đua 6, cho biết, qui mô giáo dục ĐBSCL tiếp tục giữ vững và không ngừng phát triển. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư.
Nổi bật nhất là việc huy động học sinh các cấp học, ngành học đạt và vượt các chỉ tiêu của tỉnh giao. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm so với năm học trước, toàn vùng tỉ lệ bỏ học xuống đến mức 1,58%, giảm 0,25% so với năm học trước. Đây là kết quả của nhiều nổ lực, nhiều giải pháp mà ngành giáo dục thực hiện, và vận động cả xã hội chung tay. Các tỉnh đều có đề án phổ cập GD Mầm non. Toàn vùng huy động 96% trẻ 5 tuổi ra lớp, trong đó có 75% lớp MG học 2 buổi/ ngày. ĐBSCL có tỉ lệ giáo viên MN có trình độ trên chuẩn đạt 48%, cao hơn tỉ lệ này trong cả nước là 47% được hội nghị ghi nhận là một đột phá.
Quang cảnh hội nghị |
Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia vừa qua, học sinh lớp 12 thuộc 12 tỉnh trong khu vực đạt 104 giải. Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp là 4 tỉnh trong tốp đầu trong khu vực có nhiều học sinh giỏi. Có thể xem là một bứt phá khỏi vùng trũng GD.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 98,39% tăng 14,14% so với năm trước.
Nhiều sở giáo dục và đào tạo các tỉnh như: Hậu giang, Đồng Tháp, Kiên giang, Trà Vinh, Bến Tre… đã có sáng kiến tổ chức hội nghị, hội thảo cấp vùng để tìm những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, vừa tạo điều kiện gắn kết, trao đổi kinh nghiệm giữa ngành giáo dục các tỉnh trong khu vực đáng biểu dương.
Tuy nhiên vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn: thiếu vốn thực hiện các đề án phổ cập GDMN, thiếu vốn để phát triển trường chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý còn thấp so với cả nước….
Các đại biểu cũng đã thống nhất kiến nghị với Bộ GD&ĐT, Chính phủ một số ý kiến: nên tiếp tục chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ trong giai đoạn tiếp sau. Cần có biên chế cho cán bộ phổ cập GD ở xã, phường vì công tác phổ cập GDMN rất nặng. Một số tỉnh như Cà Mau, Tiền Giang đã thí điểm nhập hai Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thuộc ngành GD với Trung tâm Dạy nghề thuộc ngành Lao động TBXH, xin ý kiến của Bộ. Đề án nâng cao chất lượng giáo viên ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu nên để Sở lựa chọn trường ĐH đào tạo sao cho chất lượng nhất, thuận tiện nhất. Một thực tiễn phân hóa đang diễn ra, đề án phổ cập GDMN ở các tỉnh có nguồn thu ngân sách cao như: An Giang, Tiền Giang, Long An… diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên các tỉnh có nguồn thu ngân sách kém như: Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… rất khó khăn trong thực hiện đề án.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga kết luận hội nghị. |
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga ghi nhận các ý kiến của ngành giáo dục các tỉnh trong khu vực. Thứ trưởng cũng lưu ý, tình hình chung có kết quả đáng phấn khởi. Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn: tỉ lệ học sinh bỏ học có giảm nhưng vẫn còn cao so với cả nước; vấn đề tỉ lệ tốt nghiệp THPT tuy có cao, nhưng vấn đề chất lượng giáo dục vẫn phải chú ý. Tỉ lệ thí sinh thi đậu vào các trường ĐH-CĐ sắp tới mới là thước đo chất lượng. Bộ GD&ĐT rất cố gắng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia trong lúc phải thực thi NQ số 11/CP. Bậc ĐH bị cắt giảm nhưng sẽ ưu tiên cho giáo dục phổ thông, trong đó có khu vực ĐBSCL.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng biểu dương ĐH Trà Vinh đã có chương trình đào tạo Ngữ Văn Khmer bậc ĐH và Cao học.
Kết quả thi đua vùng sáu qua bình chọn qua 16 lĩnh vực như sau: Ngành GD Trà Vinh được đề nghị Thủ tướng tặng cờ thi đua. Đề nghị Bộ GD&ĐT tặng cờ thi đua cho các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang được đề nghị tặng bằng khen của Bộ. |
Hội nghị cũng đã đề nghị năm học tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre Lê Ngọc Bửu được đề cử là trưởng cụm thi đua vùng 6.
Nguyễn Ngọc