Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào kỹ năng của người thầy

GD&TĐ - Chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên có những trao đổi cởi mở về vấn đề kỹ năng của đội ngũ giáo viên hiện nay, với những bước chuyển để đáp ứng yêu cầu mới.

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên trong một buổi tập huấn giáo viên. Ảnh tư liệu
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên trong một buổi tập huấn giáo viên. Ảnh tư liệu

Xây dựng mục tiêu, lộ trình phát triển cá nhân cho giáo viên

Là người trực tiếp tập huấn cho hàng nghìn giáo viên khắp các vùng miền trên cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình, sách giáo khoa mới, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhận thấy, đội ngũ hiện còn một số thiếu hụt cần khắc phục sớm.

“Đánh giá không phải để phân loại mà là để định hướng cho giáo viên biết trình độ của họ đang ở mức nào? Họ đang thiếu hụt kỹ năng ra sao để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Đây mới là mục tiêu đánh giá giáo viên trọn vẹn nhất” – chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.

Việc xây dựng kho dữ liệu tự học và tự cập nhật kiến thức cho giáo viên tuy đã làm những chưa đủ. Bởi vậy, giáo viên đang phải tự tìm khoá học mà không đảm bảo được yêu cầu.

Theo chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên: Cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giáo viên cụ thể và dễ sử dụng hơn, về: Mô hình; Các cấp độ đạt được; Các kỹ năng giáo viên cần đạt; Yêu cầu về phương pháp…

Đặc biệt, cần đánh giá giáo viên không phải qua bằng cấp, chứng chỉ mà qua mô tả biểu hiện bằng hành vi, hành động để giáo viên tự đánh giá được bản thân.

Ví dụ: Với tiêu chí “giáo viên biết sử dụng công nghệ”, cần cụ thể, giáo viên biết sử dụng những công cụ cần thiết nào chứ không nêu yêu cầu chung chung. Cùng đó, cần đánh giá theo các cấp độ: Biết những công cụ gì?; Thường xuyên sử dụng ra sao?; Biết cách sử dụng hiệu quả chưa?; Biết tích hợp công nghệ thông tin với các phương pháp giáo dục và có sáng tạo không?

Thực trạng hiện nay, một bộ phận không nhỏ giáo viên các cấp học của chúng ta đang trong tình trạng thiếu kỹ năng, thiếu thông tin và thiếu kiến thức. Việc vận dụng kỹ năng đang bị giới hạn trong công việc khiến không kích hoạt được những điều giáo viên biết. Một phần, do giáo viên bị ràng buộc bởi pháp chế và khung thời gian cho bài học.

Chúng ta không thể có kết quả mới với cách làm cũ khi giáo viên còn bị trói buộc.

Cũng theo chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên: Tự học, tự bồi dưỡng không phải là vấn đề của mỗi giáo viên mà là bài toán vĩ mô. Cần được xây dựng lộ trình, kế hoạch, nội dung bài bản từ cấp Bộ GD&ĐT, triển khai tới các Sở GD&ĐT để cụ thể và rõ ràng về mục tiêu bồi dưỡng và tập huấn cho cán bộ, giáo viên.

Hãy quan tâm phương pháp dạy học

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Cần khẳng định: Phương pháp không liên quan đến kiến thức. Đổi mới giáo dục, cốt lõi chính là thay đổi phương pháp giảng dạy. Đừng quan tâm nhiều tới vấn đề sách giáo khoa bởi đó chỉ là nội dung kiến thức, yêu cầu kiến thức cần đạt còn vấn đề truyền đạt kiến thức đó lại thuộc về phương pháp của người giáo viên.

Giống như việc, muốn nấu một bữa ăn, chúng ta cần thực phẩm nguyên liệu. Nhưng có bữa ăn ngon hay không phục thuộc vào tài nghệ nấu nướng của người chế biến. Bới vậy, cần xác định rõ: Mục tiêu dạy để làm gì? Phương pháp dạy như thế nào? Hai điều này cần thay đổi, chỉ nội dung kiến thức là thứ duy nhất không thay đổi mà thôi” - chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhận định.

Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh việc cung cấp kiến thức phải hướng tới rèn kỹ năng giải quyết vấn đề, cùng với đó tập dượt kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh. Dạy về Bạch Đằng giang, có thể tích hợp kiến thức của các môn như: Địa lý (đặc điểm địa lý); Lich sử (Địa danh và thời gian); Văn học (Các câu thơ, bài văn ca ngợi vẻ đẹp của Bạch Đằng giang); Giáo dục công dân (Nêu suy nghĩ về trận đánh. Học sinh sẽ làm gì nếu mình ở thời điểm đó?...); Vật lý (Hiện tượng thuỷ triều,…)

Với hi vọng đáp ứng yêu cầu đổi mới, hiện hoạt động bồi dưỡng giáo viên đã có nhiều đổi mới song tại nhiều nơi còn mang tính tự phát, chưa xây dựng được trọng tâm. Các phương pháp đôi khi còn mâu thuẫn lẫn nhau.

Theo chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên, cần hiểu rằng, vấn đề tích hợp chương trình, nội dung giữa các bộ môn bản chất là hình thành kỹ năng, năng lực cho trẻ. Phần thiếu hiện nay chính là không ít giáo viên chưa biết tạo kỹ năng cho học sinh thông qua kiến thức mà vẫn chủ yếu là cung cấp kiến thức.

Khi dạy học sinh tiểu học về góc học tập. Thay bằng việc liệt kê những thứ cần, mô tả và có hình ảnh minh hoạ, giáo viên cần đặt vấn đề: Làm thế nào để tăng hiệu quả và nâng khả năng tập trung khi ngồi ở góc học tập? Cách đặt vấn đề như vậy, đòi hỏi học sinh phải tư duy để tìm ra những lý do gây ra sự mất tập trung khi ngồi ở góc học tập và đưa ra giải pháp.

Giáo viên cần có phương pháp để tích hợp kiến thức, dạy cho học sinh kỹ năng đặt vấn đề và tạo động lực học tập cho các em.

Trường đào tạo giáo viên cũng cần thay đổi về cách đào tạo. Cần đặc biệt chú trọng đào tạo phương pháp để giáo viên có năng lực định hướng cách tư duy cho học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục đồng quan điểm, cho rằng, phương pháp là vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục. Khi tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới, cơ bản nội dung kiến thức không có nhiều thay đổi. Vấn đề nằm ở cách truyền thụ và dẫn dắt học sinh tiếp cận vấn đề, chiếm lĩnh tri thức của đội ngũ giáo viên. Mà điều này cần có chiến lược tập huấn, đào tạo đồng bộ, nhất quán, theo lộ trình cụ thể. Cần đặc biệt tránh những chắp vá trong đánh giá năng lực đội ngũ để tạo động lực cho giáo viên tăng tính tự giác, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.