Chất lượng GD đã có bước phát triển ổn định và bền vững

Chất lượng GD đã có bước phát triển ổn định và bền vững

(GD&TĐ) - Là một trong 15 tỉnh miền núi phía bắc có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên ngành GD- ĐT đã gặp không ít trở ngại. Làm thế nào để đưa sự nghiệp GD- ĐT của vùng khó được ổn định và phát triển thì cần phải có những quyết tâm cao của toàn ngành và cách làm sáng tạo. Báo GD- TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hữu Khang- GĐ Sở GD- ĐT Cao Bằng xung quanh chủ đề “cách làm GD ở một địa bàn khó khăn”.

PV. Xin ông giới thiệu vài nét khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và ngành GD- ĐT Cao Bằng? Những điều kiện đó có thuận lợi và khó khăn đã tác động đến ngành GD- ĐT như thế nào?

ông Trịnh Hữu Khang- GĐ Sở GD- ĐT Cao Bằng
Ông Trịnh Hữu Khang- GĐ Sở GD- ĐT Cao Bằng

Ông Trịnh Hữu Khang: Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc của Tổ quốc, có 13 đơn vị cấp huyện (12 huyện và 01 Thị xã) với 199 xã, phường, thị trấn, trong đó có 121 xã thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có 5/61 huyện nghèo của cả nước, 26,29% hộ dân cư thuộc diện nghèo; 46 xã, thị trấn giáp với Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với đường biên dài 332 km, diện tích tự nhiên 6.724,62 km2, chủ yếu là núi đá vôi và đồi núi trọc, địa hình chia cắt mạnh, nhiều núi cao, vực sâu, sông suối, giao thông không thuận lợi. Khí hậu Cao Bằng tương đối khắc nghiệt, mùa mưa thường xảy ra lũ quét, lũ ống; mùa khô hay thiếu nước, có sương muối giá rét. Dân số Cao Bằng có trên 50 vạn người với trên 20 dân tộc cùng chung sống đan xen; dân tộc thiểu số chiếm trên 95% (Tày: 43,9%; Nùng: 32,9%; Dao: 10,7%; Mông: 6,8%, Kinh: 4,35%, còn lại là dân tộc khác). Dân cư phân bố không đều. Nói chung, Cao Bằng là tình nghèo kinh tế - xã hội còn khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn thấp. 

Với điều kiện tự nhiên và xã hội như vậy, trong các mặt công tác, ngành GD- ĐT Cao Bằng gặp khá nhiều thuận lợi.

Là địa phương có truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học  nên dù cuộc sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ trẻ em đi học khá cao.

- Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục.

- Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo có ý thức trách nhiệm cao, có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, bám trường, bám lớp, hết lòng vì học sinh, chủ động, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, quản lý, điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đào tạo.  

- Ngành Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới công tác quản lý, chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh những chủ trương, giải pháp thích hợp để phát triển giáo dục đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. 

- Hội Khuyến học có mạng lưới đến xã, phường, thị trấn, hoạt động tích cực, hiệu quả.

- Các trung tâm học tập cộng đồng đến xã, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc được học tập, phổ biến kiến thức sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Công tác tuyên truyền vận động được chú trọng đẩy mạnh. Các tổ chức, đoàn thể, ban ngành quan tâm phối hợp, hỗ trợ vận động học sinh đi học để thực hiện công tác phổ cập.

- Nhà nước đã có một số chính sách đầu tư tập trung cho các trường DTNT, DT bán trú, trường cụm xã biên giới, các trường vùng khó khăn, trường trọng điểm; có chính sách hỗ trợ  đối với một số đối tượng học sinh, chính sách đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, có danh hiệu cao quý dành cho nhà giáo…

- Trình độ dân trí đã được nâng cao hơn trước, nhân dân quan tâm thiết thực hơn tới sự học tập của con em mình.

Tuy nhiên, ngành GD- ĐT Cao bằng cũng  phải đối diện với nhiều khó khăn khách quan:

- Địa hình bị chia cắt mạnh bởi núi cao, dốc thẳm, nhiều sông suối; dân cư phân tán, mạng lưới giao thông còn hạn chế, do vậy việc huy động học sinh đến lớp còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, trường lớp phân tán, nhiều điểm trường, lớp lẻ, việc tổ chức hoạt động giáo dục còn nhiều khó khăn.

- Là tỉnh nghèo, có 189/199 xã thuộc diện khó khăn trong đó có 121 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, còn nhiều hộ dân cư thuộc diện nghèo; một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại (tảo hôn) làm ảnh hưởng đến việc huy động học sinh đến trường. Việc sử dụng tiếng phổ thông đối với trẻ em bắt đầu đi học và học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

PV: Là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn ở vùng 1 (15 tỉnh miền núi phía Bắc), với điều kiện cụ thể như thế, ngành GD- ĐT đã chọn những giải pháp gì để đưa GD- ĐT ổn định và  phát triển? 

Ông Trịnh Hữu Khang: Mặc dù trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng trong những năm qua chất lượng GD&ĐT Cao Bằng đã có chuyển biến tích cực, bền vững, đó là bởi vì ngành GD&ĐT Cao Bằng đã lựa chọn những giải pháp quan trọng có tính chất đột phá trong việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, cụ thể:

Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về giáo dục và đào tạo, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ GD&ĐT;

Hai là, đẩy manh triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đặc biệt là CVĐ "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" và phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực";

Ba là, thực hiện tốt việc công khai về chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để xã hội giám sát và cùng tham gia vào sự phát triển giáo dục; tích cực thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của GD&ĐT trong thời đại mới; 

       Bốn là, là một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, dân cư phân tán, việc huy động học sinh đến lớp nhiều khó khăn, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng trường PTDT Bán trú, tập trung nhiều nguồn lực, kêu gọi các tổ chức, đoàn thể xã hội, đặc biệt các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng chung tay xây dựng nhà bán trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa giảm bớt khó khăn tạo điều kiện cho học sinh có nơi ăn, chốn ở, yên tâm học tập; chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống trường DTNT. Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tổng kết năm học 2010 - 2012, triển khai nhiệm vụ năm học 2011 - 2012, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt chủ trương "Ba đủ", đảm bảo không để có học sinh không đến trường vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở;

        Một trong những giải pháp quan trong mà ngành GD&ĐT lựa chọn mang tính  đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đó là quan tâm đến chất lượng đầu vào của các cấp học, đặc biệt là lớp 1 cấp 1, khảo sát chất lượng đầu vào của các cấp học để có những biện pháp tích cực trong dạy và học để nâng dần chất lượng, đối với lớp 1, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa quan tâm dạy tiếng việt bằng nhiều hình thức trước khi học sinh vào lớp 1. Bên cạnh việc quan tâm đến chất lượng của học sinh, những năm qua, ngành GD&ĐT Cao Bằng đã làm tốt việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Cụ thể là đã tổ chức khảo sát chất lượng đội ngũ nhà giáo tất cả các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh nhằm thúc đẩy phong trào tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, từ đó đánh giá được chất lượng đội ngũ nhà giáo để có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên phù hợp với thực tiễn. 

Cô và trò Cao Bằng (ảnh: Internet)
Cô và trò Cao Bằng (ảnh: Internet)

PV: Như vậy, một trong các giải pháp quan trọng để  nâng cao phát triển GD của tỉnh là mở các lớp bán trú, vậy, ngành GD- ĐT đã có những giải pháp cụ thể như thế nào để phát triển, mở rộng hệ thống trường lớp và đi vào hoạt động hiệu quả?

Ông Trịnh Hữu Khang: Thực hiện Thông tư /24 /2010/TT-BGDĐT, ngày 02/8/2010 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú và Quyết định Số 85/2010/QĐ-TTg, ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, tỉnh Cao Bằng đã sớm xây dựng Đề án Xây dựng trường PTDT Bán trú và tích cực triển khai thực hiện.

PV: Kết thúc năm học 2011- 2012, hhìn lại những kết quả mà ngành GD- ĐT Cao Bằng đã làm được cho thấy, việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng của hệ thống trường BT của ngành GD- ĐT Cao Bằng phát huy rất hiệu quả, đặc biệt là nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ kinh  phí rất lớn. Vậy, xin ông cho biết kinh nghiệm công tác xã hội hóa GD để phát triển hệ thống trường lớp này?

Ông Trịnh Hữu Khang: Như trên đã nói, Cao Bằng là tỉnh nghèo, nguồn những năm gần đây tỉnh đã chú ý tăng nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục, song việc đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu phát triển giáo dục. Trong khi để triển khai thực hiện Đề án phát triển trường PTDTBT cần có một nguồn kinh phí lớn để xây dựng ký túc xá cho học sinh, vì vậy bên cạnh việc nhà nước tăng cường đầu tư kinh phí, ngành GD&ĐT Cao Bằng đã làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi, huy động nhiều nguồn lực để tập trung xây dựng ký túc xá cho học sinh từ công sức lao động của nhân dân đến kinh phí của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cụ thể trong năm 2011 và 2012 Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt nam hỗ trợ trên 15 tỷ đồng, Ngân Hàng Công thương Việt  Nam hỗ trợ 30 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ 5 tỷ đồng; các tổ chức, đoàn thể xã hội cũng chung tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường PTDTBT, Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ 1,3 tỷ đồng, Hội khuyến học tỉnh, Bộ đội biên phòng, Mặt trận Tổ quốc Tỉnh đóng góp gần 1 tỷ đồng, nguồn kinh phí ấy đã xây dưng được gần 300 nhà bán trú cho học sinh; ngoài ra, nhiều tập thể cá nhân đã giúp đỡ để trang bị bàn ghế, giường, chăn màn,vật dụng sinh hoạt cho những nơi đã có nhà bán trú. Những nơi chưa có ký túc xá cho HS ngành GD&ĐT đã huy động, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, nhân dân đóng góp sức lao động để dựng nhà ở tạm cho HS, đảm bảo cho HS có chỗ ở, yên tâm học tập. Đến nay cơ bản đã xóa hết nhà ở tạm bợ cho HS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đạc biệt khó khăn đây có thể coi là thành tích nổi bật mà tỉnh Cao Bằng đã làm được trong 2 năm qua góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa.

PV. Với tư cách là người đứng đầu ngành GD- ĐT của tỉnh, ông có thể chia sẻ những tâm tư, kinh nghiệm, cách làm GD của một tỉnh miền núi vốn nhiều khó khăn? 

Ông Trịnh Hữu Khang: Như trên đã nói, Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nhiều khó khăn với 95,65% dân số là dân tộc thiểu số, vì vậy đặc điểm cơ bản của giáo dục và đào tạo Cao Bằng  là dân tộc và miền núi. Có thể nói những khó khăn của giáo dục dân tộc và miền núi không có ở tỉnh nào thể hiện đậm đặc như ở Cao Bằng. Cho nên, làm giáo dục ở một tỉnh như Cao Bằng quả là rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua ngành GD&ĐT Cao Bằng đã nỗ lực phấn đấu, chất lượng giáo dục đã có chuyển biến tích cực, song so với khu vực và toàn quốc chất lượng GD&ĐT của Cao Bằng vẫn còn thấp. Vì vậy, là người đứng đầu ngành GD&ĐT của tỉnh điều tôi trăn trở nhất đó là làm thế nào để chất lượng GD&ĐT Cao Bằng có thể sánh ngang với các tỉnh trong khu vực. Không biết có gọi là kinh nghiệm không, nhưng tôi xin được chia sẻ một số công việc mà chúng tôi đã làm trong những năm qua để GD&ĐT Cao Bằng từng bước đổi thay, đó là: 

Là tỉnh miền núi trên 95% dân số là dân tộc thiểu số nên chúng tôi  quan tâm đến việc xây dựng và phát triển hệ thống trường PTDT Nội trú, bán trú, đảm bảo cho HS dân tộc có đủ điều kiện để học tập, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động giáo dục trong các trường DTNT; chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho HS dân tộc trước khi vào lớp 1, các nhà trường đã làm tốt việc bồi dưỡng tiếng Việt thường xuyên cho HS bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, để HS có đủ tiếng Việt tiếp thu kiến thức. 

Một trong những việc mà chúng tôi đã rất chú trọng đó là quan tâm đến chất lượng đầu vào của các cấp học, đặc biệt là lớp 1, cấp 1. Chúng tôi đã thựuc hiện tốt việc bàn giao chất lượng giũa các cấp học, khảo sát chất lượng các lớp đầu cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo. Trong những năm qua chúng tôi đã làm tốt việc xây dựng mô hình nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy làm nơi giao lưu trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ theo cụm; làm tốt việc tăng cường giúp đỡ chuyên môn, cử giáo viên từ những trường trung tâm có chất lượng GD cao đến hỗ trợ, giúp đỡ chuyên môn các trường nhỏ, các trường vùng sâu, vùng xa. Cách làm này đã rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng giũa các vùng, miền trong tỉnh và chất lượng chung cảu toàn tỉnh từng bước nâng lên.

Nhận thức sâu sắc rằng chất lượng giáo dục và đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào người thầy, không có thầy giỏ không thể cso trò giỏi, nên chúng tôi đã rất quan tâm đến việc bồi dưỡng thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thực tế đội ngũ giáo viên của tỉnh Cao Bằng đủ về số lượng nhưng chưa đồng bộ về cơ cấu, chất lượng không đồng đều. Do có nhiều loại hình đào tạo, nhiều thế hệ cho nên một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát chất lượng giáo viên từ tiểu học đến THPT trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phân loại, đánh giá đúng chất lượng có kế hoạch bồi dưỡng. Những cuộc kiểm tra kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ nhà giáo có tác dụng rất thiết thực trong việc thúc đẩy phong trào tự học, tự bồi dưỡng của dội ngũ nhà giáo, chất lượng giảng dạy vì thế mà nâng lên đáng kể. Chúng tôi đã chỉ đạo toàn ngành tích cực triển khai đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, ứng dụng công  nghệ thông tin trong giảng dạy để nâng cao chất lượng và hiệu quả mỗi giờ dạy và cả quá trình dạy học, chất lượng giảng dạy vì thế mà tăng lên rõ rệt.

Muốn chất lượng giáo dục và đào tạo nâng lên, ngành GD&ĐT rất cần sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội, chúng tôi đã làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để toàn thể xã hội cùng tham gia vào hoạt động giáo dục. 

Còn nhiều việc chúng tôi đã làm nhưng chỉ xin được chia sẻ một vài công việc mà tôi rất tâm huyết trong 4 năm qua với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của ngành GD&ĐT Cao Bằng. Có thể nói GD&ĐT Cao Bằng đang có những bước tiến bền vững, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và toàn xã hội về GD&ĐT trong thời đại mới. Chúng tôi tin tưởng rằng với quan tâm của các cấp các ngành, của toàn xã hội, sự nỗ lực của toàn ngành GD&ĐT sự nghiệp giáo dục Cao Bằng sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo tiền đề đáp ứng tốt hơn yêu cầu hình thành lớp trẻ có năng lực công dân mới, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh An (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ