Chấp nhận biện pháp đau thương để lành mạnh hóa thị trường bất động sản

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng cần thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt: Mở rộng với dự án triển vọng, nhưng thắt chặt với DN xác chết và mua BĐS đầu cơ.

Chấp nhận biện pháp đau thương để lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu, ôm dự án

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra ngày 17/2, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST nhận định, năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội, thậm chí một số doanh nghiệp đã "quá đà" trong việc phát hành trái phiếu để "ôm dự án" gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản.

Liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu, theo Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, ngoài nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ người mua, đối với nhu cầu vốn còn lại, các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản hiện chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều tồn tại. Tình trạng này dẫn đến rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu cũng như khả năng tiếp tục huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản qua kênh này, tác động lớn tới khả năng phát triển và hoàn thiện các dự án bất động sản.

Dòng vốn và pháp lý là hai nút thắt lớn

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, về trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo lòng tin của người dân đối với thị trường trái phiếu.

"Có hai nút thắt chính là thiếu nguồn lực tài chính do dư nợ tín dụng cao và các khoản nợ trái phiếu đã đến hạn thanh toán, bên cạnh đó là vướng mắc về mặt pháp lý khiến nhiều dự án không thể triển khai", ông Cường phân tích.

Thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng gần một năm nay, số doanh nghiệp phá sản tăng 40%. Những ông lớn đầu ngành cũng liên tục "kêu cứu" và chấp nhận nhiều biện pháp "đau thương" như thu hẹp quy mô, giảm nhân sự, dừng hoặc bán bớt dự án để sống sót.

Trông chờ lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là Chính phủ sớm đưa ra biện pháp cụ thể khơi thông dòng vốn và gỡ vướng về pháp lý. Đây là hai nút thắt lớn nhất khiến thị trường điêu đứng.

Chuyên gia cho rằng cần thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt: Mở rộng với các dự án có triển vọng, nhưng thắt chặt đối với các doanh nghiệp xác chết và mua bất động sản đầu cơ.

Chuyên gia cho rằng cần thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt: Mở rộng với các dự án có triển vọng, nhưng thắt chặt đối với các doanh nghiệp xác chết và mua bất động sản đầu cơ.

Linh hoạt chính sách tín dụng

Đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành.

Thị trường bất động sản đóng góp quan trọng trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và có tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, khi thị trường bất động sản bị ngưng trệ sẽ kéo theo hàng loạt các hoạt động kinh tế bị đình trệ theo, nguy cơ gây đình trệ tăng trưởng, thậm chí dẫn đến suy thoái.

Do vậy, việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc của thị trường bất động sản không chỉ là giải cứu bất động sản mà chính là tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Đồng thời, đây cũng chính là giải pháp để giải phóng các khoản nợ của hệ thống tài chính đang nằm trong các dự án bất động sản dở dang.

Trong đó, về vốn tín dụng, theo ông Cường, ngân hàng cần kiểm soát không cho vay mua bất động sản núp bóng tiêu dùng dân cư đối với các bất động sản không phải là nhà ở thu nhập thấp, để buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán, thu hút những người có sẵn tiền mua chờ tăng giá; ngân hàng không tài trợ vốn cho các hành vi mua bất động sản đầu cơ.

Đối với các dự án đang triển khai dở dang, nếu hoàn thành sẽ có khả năng đưa vào sử dụng, có khả năng thanh khoản ngay thì ngân hàng nên khoanh các khoản nợ cũ của doanh nghiệp và tiếp tục tài trợ vốn để hoàn thành dự án, đưa sản phẩm ra thị trường.

Việc làm như trên không chỉ giúp các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường bất động sản được tái lập mà các nguồn vốn vay của ngân hàng đã đổ vào dự án sẽ được thu hồi. Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ, không để dòng vốn tín dụng đổ vào các dự án không có khả năng hoàn thành, khó tiêu thụ, hoặc đảo nợ các khoản vay cũ đến hạn.

"Đây chính là việc thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt: Mở rộng đối với các dự án có triển vọng, nhưng thắt chặt đối với các doanh nghiệp xác chết và mua bất động sản đầu cơ", ông Cường khẳng định.

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần của Hội nghị là tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển "an toàn, lành mạnh, bền vững", "không ai giải cứu cho ai". Vì thế, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng, khách hàng phải đoàn kết, cùng xử lý các vấn đề.

Nêu quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, cần coi trọng việc giám sát, điều tiết thị trường; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ cán bộ, những người làm đúng; bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, kiên trì phát triển hệ sinh thái bất động sản lành mạnh, bền vững; không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán dành cho bất động sản một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước.

Không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ hoặc ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.