Chàng trai người Tày làm giàu từ nuôi gà Tiên Yên

GD&TĐ - Anh Trần Đăng Hạnh (30 tuổi) người Tày ở Quảng Ninh đã khởi nghiệp thành công từ nuôi gà Tiên Yên.

Anh Trần Đăng Hạnh khởi nghiệp thành công từ nuôi gà Tiên Yên.
Anh Trần Đăng Hạnh khởi nghiệp thành công từ nuôi gà Tiên Yên.

Khởi nghiệp từ gà Tiên Yên

Năm 2017, anh Hạnh tốt nghiệp ngành Địa chính Môi trường tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Sau đó anh trở về quê ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) khởi nghiệp từ gà Tiên Yên.

Cùng với gia đình, anh Hạnh vay vốn ngân hàng, dựng trang trại gà trên quả đồi rộng 2ha. Diện tích phần lớn để chăn thả gà, ngoài ra anh còn trồng quế, dổi… theo chủ trương phát triển lâm nghiệp của huyện.

Trại gà của anh Hạnh có 4 chuồng, mỗi chuồng diện tích 120m2 được xây dựng men theo các triền đồi. Từ 1.000 con năm 2019, đến nay quy mô chuồng trại đã lên đến 2.000 - 3.000 con.

Đây là mô hình chuồng trại truyền thống, trên mái tôn, xung quanh khung sắt rào lưới, dưới nền lót trấu, xử lý bằng men vi sinh khử mùi. Hệ thống máng ăn, máng nước tiêu chuẩn, sạch sẽ, có bạt che đảm bảo chuồng trại mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm.

Anh Hạnh cho biết, quy trình nuôi gà Tiên Yên có những quy chuẩn chung. Khi bắt đầu lấy giống về trang trại, úm gà 21 ngày bằng đèn sưởi sau đó mới bắt đầu cho ra xung quanh.

Ngoài ra, cần tuân thủ 3 tháng đầu cho ăn cám gà, đến tháng thứ 4 tập ăn ngô lẫn cám, từ tháng thứ 5 trở đi cho ăn hoàn toàn bằng ngô. Gà mái nuôi 5,5 tháng, gà trống thiến nuôi 7,5 tháng bắt đầu bán.

Gia đình anh Hạnh hiện là 1 trong 6 hộ chăn nuôi ở xã Phong Dụ đi đầu thực hiện tham gia dự án ứng dụng công thức phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả nuôi gà Tiên Yên thương phẩm.

Trước đây, anh Hạnh chăn nuôi gà theo kinh nghiệm truyền thống, sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp, chủ yếu là cám gạo... dẫn đến dư thừa calories, thiếu protein cần thiết.

Qua quá trình thử nghiệm khẩu phần ăn tự phối, anh Hạnh nhận thấy công thức thức ăn theo tỷ lệ, nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng phù hợp giúp cho con gà phát triển tốt. Qua đó, giúp giảm lượng mỡ thừa, nâng cao năng suất và chất lượng thịt cho gà thương phẩm.

Gà tại trang trại của anh Hạnh được nuôi thả theo phương thức tự nhiên, gà chạy đồi, vận động nhiều nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thịt chắc thơm ngon được nhiều người biết đến. Lượng gà 50% cung cấp cho địa bàn huyện, 50% tiêu thụ ra các huyện thị khác, đặc biệt cháy hàng vào dịp Tết và tháng 7 âm lịch.

Gà trống thiến thương phẩm trọng lượng 2,8 - 3kg giá bán tại trại 140.000 đến 150.000 đồng/kg. Gà mái 1,8 - 2kg giá thấp hơn một chút 120.000 đến 130.000 đồng/kg. Số lượng gà tiêu thụ gần 3.000 con/năm, cùng với hơn 4.000 trứng bán ra thị trường giúp gia đình anh Hạnh thu lãi 300 triệu đồng mỗi năm.

Anh Hạnh chăm sóc gà để đi thi "Vua gà Tiên Yên" hồi tháng 8.

Anh Hạnh chăm sóc gà để đi thi "Vua gà Tiên Yên" hồi tháng 8.

Ngoài ra, hưởng ứng cuộc thi “Vua gà Tiên Yên” từ năm 2020, trang trại của anh Hạnh cũng chú trọng nuôi chọn những ứng viên gà đủ tiêu chuẩn cho tham dự. Những chú gà trống Tiên Yên cần có đầy đủ các tiêu chí từ 8 tháng tuổi có trọng lượng 3 - 3,8kg trở lên, phải có cựa, màu đẹp, đỏ tươi, ở cuống mỏ, cả hai phía có chùm lông chĩa ra trông như túm râu.

Năm 2023, đội thi xã Phong Dụ của nhóm anh Hạnh được giải “Đôi gà đẹp” trong cuộc thi Vua gà.

Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi

Là Phó Bí thư Đoàn xã Phong Dụ đồng thời là nông dân trẻ năng nổ, anh Hạnh không ngừng học hỏi, tìm cách ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi gà.

Nhận thấy thực trạng mật độ dân số Tiên Yên thấp, phân bố không đồng đều, việc liên kết chăn nuôi quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Gia đình anh Hạnh chủ đạo kết nối với các hộ chăn nuôi gà xã Phong Dụ thành lập Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên.

Đây là mô hình nhà xưởng ứng dụng công nghệ dây chuyền cao trong quy trình sơ chế, bảo quản gà thương phẩm đầu tiên tại xã Phong Dụ do anh Hạnh làm giám đốc.

Quy mô nhà xưởng được xây dựng hơn 3000m2, gồm các khu tập kết, sơ chế, kiểm soát chất lượng, khu cấp đông…tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sơ chế bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc duy trì và phát triển tốt hoạt động của Hợp tác xã đã liên kết được 45 hộ tham gia, giúp giải quyết việc làm cho 200 lao động, từng bước hình thành thói quen sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung.

Gà của gia đình anh Hạnh được thả tự nhiên nên thịt chắc, thơm ngon.

Gà của gia đình anh Hạnh được thả tự nhiên nên thịt chắc, thơm ngon.

Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản gà thương phẩm tại Hợp tác xã Chăn nuôi Gà Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh” của Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên do anh Hạnh làm nhóm trưởng đã được chọn vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV năm 2021”.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sơ chế, bảo quản, sản phẩm gà thương phẩm Tiên Yên của gia đình anh Hạnh 2 lần được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (năm 2017 và 2022).

“Mục tiêu đến năm 2024, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại và đưa sản phẩm gà Tiên Yên vào chuỗi siêu thị”, anh Hạnh nói.

Ông Phùn Tắc Sếnh, Hội trưởng Hội Nông dân xã Phong Dụ cho biết, anh Trần Đăng Hạnh là một nông dân trẻ nhiệt tình, năng nổ, có mục tiêu làm giàu chính đáng tại quê hương với nhiều hình thức chăn nuôi.

“Hiện xã Phong Dụ có 61 hộ chăn nuôi gà với 128.700 con trong đó có 4 hộ đăng ký số lượng trên 1 vạn. Sắp tới đây Hội Nông dân xã sẽ đề nghị huyện hỗ trợ tìm đầu ra cho các hộ đăng ký tham gia dự án ứng dụng công thức phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn”, ông Sếnh nói.

Gà Tiên Yên (còn gọi là gà râu) là thương hiệu sản vật bản địa nổi tiếng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố nằm trong top 50 món ăn đặc sản trong nước. Giống gà này nổi tiếng từ lâu nhưng chỉ có những thôn bản vùng sâu, vùng xa ở xã Phong Dụ, Hà Lâu… mới có những con gà chăn thả tự nhiên, thịt chắc thơm ngon nhất do được ưu ái về khí hậu, nguồn nước, thổ nhưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.