Chàng trai khuyết tật "chắp cánh" cho hoàn cảnh bất hạnh

GD&TĐ - Dù 2 chân không khoẻ mạnh nhưng anh Lê Văn Thạch vẫn thành công với mô hình làm chổi đót, tạo công ăn, việc làm cho người khuyết tật.

Chàng trai khuyết tật "chắp cánh" cho hoàn cảnh bất hạnh

Trang trải cuộc sống bằng chính đôi tay của mình

Khi mới lọt lòng mẹ, anh Lê Văn Thạch (38 tuổi, trú xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, năm tròn 2 tuổi Thạch bị sốt cao kéo dài. Thế rồi, gia đình đưa anh đến bệnh viện chữa trị.

Dù các y bác sĩ đã cố gắng cứu chữa, nhưng đôi chân Thạch không còn khỏe mạnh như trước đây. Mặc cho cơ thể lớn lên mỗi ngày nhưng đôi chân Thạch vẫn teo tóp, không thể di chuyển như chúng bạn.

Thương con, bố mẹ ôm Thạch đi chạy chữa khắp nơi. Sau nhiều lần châm cứu, cuối cùng Thạch cũng có thể bước đi trên đôi chân của mình. Nhưng bước chân ấy không còn nhanh nhẹn, mà chỉ là những bước chập chững.

Thấy khiếm khuyết từ đôi chân của mình, Thạch tự ti, mặc cảm và sống tách biệt với mọi người xung quanh. Học hết cấp 2, Thạch nghỉ ngang bởi những cái nhìn “khác lạ” từ mọi người và vì quãng đường đến trường quá xa.

15 tuổi, một mình Thạch vào TP Hồ Chí Minh để kiếm việc làm. Sống ở phố thị, Thạch theo những đứa trẻ khác rong ruổi khắp các nẻo đường bán vé số. Tối đến, Thạch thuê tạm căn phòng nhỏ để tắm rửa, ngủ qua đêm, đến sáng lại tiếp tục mưu sinh.

“Công việc bán vé số bấp bênh, thu nhập không ổn định nên mình chẳng đủ kinh phí để thuê nhà trọ. Do đó, ban ngày mình lay lắt ở các con đường, tối về thuê tạm một nơi chỉ để ngả lưng”, anh Thạch chia sẻ.

Anh Thạch nghỉ bán vé số chuyển sang làm công nhân may mặc, rồi thợ cơ khí, làm xe lăn cho người khuyết tật, bán kẹo kéo… để có thể kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Sau 10 năm sống lay lắt ở TP Hồ Chí Minh với hàng chục nghề, anh Thạch quay trở về Kon Tum. Năm 2008, anh Thạch có dịp giao lưu với một đoàn ca nhạc của người khuyết tật vào Kon Tum biểu diễn.

Nhận thấy giọng hát của anh Thạch trầm ấm, tình cảm nên đoàn ca nhạc mời anh cùng tham gia và đi lưu diễn khắp cả nước. Trong một chuyến lưu diễn ở tỉnh Sơn La, anh Thạch gặp được mối tình đầu của mình. Hai người có cùng cảnh ngộ đã nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng.

“Khi đã có gia đình, mình không muốn cuộc sống nay đây, mai đó nữa. Hai vợ chồng đều khiếm khuyết ở chân, khó khăn trong việc di chuyển nên mình quyết định về Kon Tum lập nghiệp, ổn định cuộc sống và cho cậu con trai yên tâm học tập”, anh Thạch chia sẻ.

Vào đầu năm 2016, khi thành phố Kon Tum triển khai dự án “Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập” anh Thạch đăng kí tham gia. Tại đây, anh được hỗ trợ, hướng dẫn và định hướng, phát triển nghề chổi đót. Cuối năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Thạch thành lập nhóm Tự lực sản xuất chổi đót với 13 thành viên.

“Thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhóm bị thua lỗ hơn 10 triệu đồng. Số tiền này với nhiều người tuy không lớn nhưng với mình là cả một gia tài. Từ thất bại đó, mình cố gắng trau dồi tay nghề để làm ra những sản phẩm ngày càng chất lượng. Đến nay, sản phẩm của mình đã hoàn thiện và cũng nhận được sự quan tâm của mọi người”, anh Thạch tâm sự.

Bà Y Dun từ ngày làm chổi đót đã có thể trang trải cuộc sống.
Bà Y Dun từ ngày làm chổi đót đã có thể trang trải cuộc sống.

Tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật

Để phát triển nhóm làm chổi đót và tạo công ăn việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, anh Thạch khuyến khích những người khuyết tật cùng tham gia.

Cách đây 45 năm, bà Y Dun (65 tuổi, thôn 8, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum) gặp tai nạn khiến xương sống bị vẹo. Kể từ ngày đó, bà Y Dun khó khăn trong việc đi lại và không thể làm những công việc nặng nhọc. Cuộc sống của bà Y Dun phụ thuộc vào gia đình và họ hàng đôi bên.

“Từ ngày bị tai nạn, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà và làm những công việc nhẹ nhàng. Khi được nhận làm tại xưởng chổi đót của Thạch, tôi có thể kiếm tiền để trang trải cuộc sống gia đình. Mỗi ngày, với công việc tước đót tôi thu nhập khoảng 80.000 đồng/ngày. Số tiền tuy không quá nhiều nhưng bù lại tôi có công việc ổn định và lo được cho bản thân”, bà Y Dun chia sẻ.

Anh A Quang (21 tuổi) vào những ngày còn nhỏ, sau một trận ốm thì bị liệt nửa người bên phải. Từ đó, sức khỏe của anh giảm sút, tay và chân bên phải không thể làm những công việc nặng nhọc. Với ý chí quyết tâm, vượt qua nỗi bất hạnh, anh xin vào làm chổi đót trong nhóm “Tự lực” của anh Thạch để có thể tự trang trải cuộc sống.

“Do bị khuyết tật nửa người, sức khỏe yếu nên năng suất làm chổi của mình không cao. Tuy nhiên, mỗi tháng mình cũng thu nhập được khoảng 2 triệu đồng. Với số tiền này mình có thể tự lo được cho bản thân.

Không chỉ vậy, giờ đây mình đã thoát khỏi mặc cảm, dần tự tin, cởi mở và sẻ chia nhiều hơn với mọi người. Mình hy vọng rằng, những người khiếm khuyết như mình sẽ tự tin, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống”, anh A Quang tâm sự.

Không chỉ tạo công ăn, việc làm cho những hoàn cảnh khó khăn, với những trường hợp đặc biệt, năng suất làm không cao anh Thạch trích tiền túi hỗ trợ, sẻ chia để những người khuyết tật không còn tự ti, mặc cảm. Bên cạnh đó, anh kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ heo giống để người dân nghèo phát triển kinh tế.

“Mình mong muốn các cơ quan chức năng sẽ quan tâm, kết nối nhiều hơn để nhóm có thêm đầu ra, tạo công ăn, việc làm đều đặn cho những người khiếm khuyết. Bên cạnh đó, thời gian tới mình sẽ trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm để có thể phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ nhiều hơn cho những hoàn cảnh bất hạnh”, anh Thạch chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Hồng Hạnh, Bí thư Thành đoàn TP Kon Tum, cho biết, tuy bị khiếm khuyết nhưng anh Lê Văn Thạch là một người rất nghị lực, quyết tâm vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, anh Thạch còn hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật tại địa phương.

Cũng theo chị Hạnh, vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hơn 4.000 cây chổi của nhóm anh Thạch không thể tiêu thụ. Do đó, Thành đoàn đã đứng ra kêu gọi các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ, giúp nhóm anh Thạch tiêu thụ chổi.

“Anh Thạch luôn chủ động tìm đầu ra cho chổi đót. Từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho những người khuyết tật”, chị Hạnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ