Chàng thủ khoa khối C xứ Thanh đam mê sử, yêu ca hát

GD&TĐ - Với sự kiên trì, nghị lực và đầy bản lĩnh, Phạm Thanh Tùng (học sinh lớp 12C5, Trường THPT Hoàng Lệ Kha) đã vượt qua tuổi thơ không mấy êm đềm, trở thành thủ khoa khối C của Thanh Hóa.

Nam sinh Phạm Thanh Tùng và bà ngoại của mình.
Nam sinh Phạm Thanh Tùng và bà ngoại của mình.

Đam mê Lịch sử và yêu ca hát

Trong căn nhà nhỏ sát triền đê ở thôn 4, xã Đồng Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), chàng trai Phạm Thanh Tùng đang tranh thủ giúp bà ngoại dọn dẹp nhà cửa. 

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Tùng đạt được 28,75 điểm ở ba môn khối C. Trong đó, Ngữ văn: 9 điểm, Lịch sử: 9,75 điểm và 10 điểm môn Địa lý. 

Với số điểm này, Tùng trở thành thủ khoa khối C của Thanh Hóa, bằng với số điểm của em Phạm Thị Thắm (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Cẩm Thủy 3, huyện Cẩm Thủy).

Điều bất ngờ với chàng trai lớp 12C5 không phải là điểm thi, mà là thông tin trở thành thủ khoa khối C của tỉnh. “Khi làm bài xong cả ba môn, em cũng dự đoán sẽ được khoảng điểm đó. Tuy nhiên, bất ngờ nhất đối với em đó là trở thành thủ khoa”, Tùng chia sẻ.

Vốn có niềm đam mê học tập, đặc biệt là môn Lịch sử, nam sinh Trường THPT Hoàng Lệ Kha dành nhiều thời gian tự học, tự tìm tòi tài liệu để làm phong phú vốn kiến thức của mình.

“Lịch sử giúp chúng ta thấm nhuần về sự hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, với cá nhân em, lịch sử luôn để lại những bài học quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đây là lý do em yêu thích môn học này từ khi còn là học sinh cấp 2”, Tùng bộc bạch.

Chân dung chàng thủ khoa khối C của Thanh Hóa - Phạm Thanh Tùng.
Chân dung chàng thủ khoa khối C của Thanh Hóa - Phạm Thanh Tùng.

Để học tốt môn Lịch sử, theo Tùng, cách đơn giản nhất là mở lòng mình để tiếp thu. Đồng thời, nắm vững kiến thức cơ bản, từ đó xây dựng thành hệ thống kiến thức riêng của mình. 

Với môn Ngữ văn nên trau dồi từ ngữ và đặc biệt phải có “chất” riêng của mình. Trong khi đó, Địa lý là môn học thực tế, thay vì học theo kiểu máy móc, Tùng cho rằng nên lập sơ đồ tư duy để nắm chắc hệ thống kiến thức.

Ngoài niềm đam mê học tập, Phạm Thanh Tùng còn yêu ca hát. Bởi vậy, chàng trai lớp 12C5 thường tham gia các hoạt động văn nghệ của trường, lớp. 

“Âm nhạc giúp em giải tỏa những áp lực, căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, mỗi khi nghe nhạc em cũng cảm thấy yêu đời hơn…”, Tùng tâm sự.

Ước mơ trở thành luật sư

Tùng trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm so với bạn bè. Sinh ra tại xã Hà Ngọc (huyện Hà Trung) nhưng vì gia cảnh khó khăn, nên bố mẹ Tùng buộc phải vào các tỉnh phía Nam mưu sinh.

Cậu bé Phạm Thanh Tùng được bố mẹ gửi cho bà ngoại ở thôn 4 (xã Đồng Lộc, Hậu Lộc) chăm sóc khi mới tròn 2 tuổi.

Lớn lên trong vòng tay yêu thương, chở che của bà ngoại đến năm 10 tuổi, cậu được bố mẹ đón về nhà nuôi dưỡng. Những tưởng cuộc sống sẽ ấm êm, thế nhưng một biến cố khác lại xảy đến. 

Bốn năm sau ngày được đón về, Tùng lại phải chứng kiến cảnh “đường ai nấy đi” của bố và mẹ. Em lại được mẹ đón về sống cùng bà ngoại.

“Thời gian sống cùng bố, đối với em vô cùng áp lực. Bởi, bố luôn kỳ vọng em sẽ học thật giỏi. Tuy nhiên, là một người thích tự lập, càng áp lực em lại càng không học được. Vì vậy, học lực của em ngày một sa sút”, nam sinh trải lòng.

Trở lại sống cùng bà ngoại, tuy cuộc sống khó khăn nhưng tính cách tự lập đem đến cho Tùng nhiều chuyển biến tích cực.

Suốt ba năm cấp 3, Tùng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, em còn đoạt giải Khuyến khích môn Lịch sử, tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh.

Phạm Thanh Tùng và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hương.
Phạm Thanh Tùng và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hương.

“Tự lập giúp em trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn. Ngoài ra, cũng tạo nền tảng cho việc học của em sau này, nhất là khi em bước vào môi trường mới”, nam sinh chia sẻ.

Với 28,75 điểm, Tùng dự định xét tuyển vào ngành Luật Kinh tế của Đại học Luật Hà Nội. Lý giải nguyên do chọn ngành này, Tùng cho rằng, đây là một ngành phù hợp với tính cách của mình và cũng đầy triển vọng trong tương lai.

“Em muốn sau này trở thành luật sư, có công việc ổn định để chăm sóc bà ngoại và mẹ. Em luôn biết ơn bà vì đã chăm sóc, lo lắng cho em suốt bao năm qua. Chỉ mong bà thật khỏe mạnh để chứng kiến ngày em thành công”, Tùng bộc bạch.

Nhắc đến cháu ngoại của mình, cụ Nguyễn Thị Khang (87 tuổi) không giấu được niềm tự hào và hạnh phúc. Mái tóc cụ Khang giờ đã ngã màu bạc nhưng gương mặt vẫn rạng rỡ, vui tươi.

“Vui và sung sướng lắm, như thể chưa bào giờ vui đến thế. Bên cháu từ ngày cháu còn nhỏ, tôi chỉ mong sau này cháu có công việc ổn định và thành đạt là tôi phấn khởi lắm rồi”, cụ Khang nói.

Về phía nhà trường, cô Đặng Thị Hiền – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cho biết: Tùng là một học sinh chăm ngoan, có niềm đam mê với các môn xã hội, đặc biệt là môn Lịch sử. Em còn là học sinh có tính tự lập cao, nghị lực và đầy bãn lĩnh.

Trên cương vị là lớp trưởng, Tùng cũng hoàn thành tốt vai trò của mình, xây dựng một tập thể đoàn kết.

“Kết quả tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, hoàn toàn xứng đáng với năng lực, sự kiên trì và bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh của em”, cô Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ