Thủ khoa khối C của Thanh Hóa khao khát trở thành cô giáo

GD&TĐ - Thủ khoa khối C Phạm Thị Thắm là học sinh dân tộc thiểu số đầu tiên của Trường THPT Cẩm Thủy 3 đạt được thành tích khủng này.

Phạm Thị Thắm.
Phạm Thị Thắm.

Vượt qua khủng hoảng

Trong căn nhà nhỏ của gia đình Phạm Thị Thắm ở thôn Ninh Sơn, xã Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đang rộn rã niềm vui. Bởi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thắm đạt tổng điểm ba môn khối C là 28,75 điểm. Trong đó, Ngữ văn được 9,25 điểm, Lịch sử và Địa lý mỗi môn cùng 9,75 điểm.

Với số điểm này, nữ sinh Trường THPT Cẩm Thủy 3 chính thức trở thành thủ khoa khối C tại Thanh Hóa, bằng với số điểm của Phạm Thanh Tùng (học sinh Trường THPT Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung). Đặc biệt hơn, Thắm còn là học sinh dân tộc thiểu số đầu tiên của Trường THPT Cẩm Thủy 3 đạt thành tích này.

Cảm xúc vẫn còn lâng lâng, Thắm chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui và bất ngờ vì không nghĩ sẽ trở thành thủ khoa khối C của Thanh Hóa”.

Nói về thành tích của mình, nữ sinh Phạm Thị Thắm khiêm tốn cho rằng, thành quả đạt được chủ yếu đến từ sự nỗ lực, cần cù:  “Thành tích của em tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, phần nào khích lệ các bạn, các em lớp sau. Dù là dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số, chỉ cần nỗ lực hết mình thì quả ngọt sẽ đến".

Thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Quốc Tuấn tự hào khi có học trò trở thành thủ khoa khối C Thanh Hóa.
Thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Quốc Tuấn tự hào khi có học trò trở thành thủ khoa khối C Thanh Hóa.

Từng đoạt giải Nhì môn Địa lý tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 9, nhưng Thắm lại lựa chọn theo khối B khi vào lớp 10. Sau hai năm theo đuổi khối này, Thắm cảm thấy không phù hợp nên quyết định chuyển sang khối C khi lên lớp 12.

“Sở trường của em là ba môn khối C. Nhưng vì lựa chọn không đúng với đam mê, em từng đối mặt với khủng hoảng tâm lý suốt năm lớp 11. Sau khoảng thời gian tự dằn vặt bản thân, em bắt đầu đối diện với chính mình, rồi từng bước lấy lại cân bằng”, nữ sinh bộc bạch.

Chuyển hướng ở thời điểm khá muộn so với các bạn, nữ sinh lớp 12A3 gặp không ít khó khăn ở thời điểm đầu. Tuy nhiên, bằng phương pháp học tập hiệu quả, cùng sự quyết tâm và niềm đam mê vốn có, Thắm đã đoạt giải Nhất môn Địa lý tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12. Đồng thời, đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện của trường, ở năm học cuối cấp.

Đặc biệt, Thắm còn vinh dự được kết nạp Đảng vào dịp 29/6 vừa qua tại Chi bộ Trường THPT Cẩm Thủy 3.

Nói về cô học trò ưu tú của mình, thầy Nguyễn Quốc Tuấn (giáo viên chủ nhiệm) cho biết: Thắm là một học sinh chăm ngoan, luôn có thái độ học tập rất nghiêm túc.

Nữ sinh Phạm Thị Thắm.
Nữ sinh Phạm Thị Thắm.

Điều đó được thể hiện rõ ở việc, Thắm luôn chủ động trong việc học của mình. Ngoài kiến thức học ở trên lớp, Thắm còn hăng say tìm tòi trên mạng để làm phong phú vốn kiến thức của mình.

“Việc vận dụng tư duy logic ở khối tự nhiên vào các môn xã hội của Thắm rất hiệu quả, mà lại không khô cứng, rập khuôn. Ở Thắm, điểm đặc biệt nhất chính là khả năng lập luận và giải quyết vấn đề rất sắc sảo”, thầy Tuấn chia sẻ.

Khao khát trở thành cô giáo

“Đây là niềm vinh dự, tự hào của ban lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô. Thành quả này chính là sự nỗ lực cố gắng của thầy cô cùng sự quyết tâm của cá nhân em Thắm”.
Thầy Lê Trung Hưng (Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 3)

Với 28,75 điểm, Thắm dự định xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hoặc Khoa Văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức.

“Được trở thành cô giáo chính là điều mà em hằng mong ước. Ước mơ này nhen nhóm từ khi em cảm nhận được sự tâm huyết, tận tình của các thầy cô đối với biết bao thế hệ học trò”, Thắm chia sẻ.

Gia đình Thắm từng thuộc hộ nghèo của thôn. Ngoài làm ruộng, khoảng 4 năm nay, bố Thắm làm thêm nghề mộc để lo cho hai chị em Thắm ăn học. Cuộc sống gia đình kể từ đó cũng bớt khó khăn. Ngoài giờ học, Thắm tranh thủ nấu ăn, làm việc nhà hoặc ra đồng phụ giúp mẹ. Những lúc rảnh, em thường đọc truyện Conan, xem phim hoặc nghe nhạc.

Nữ sinh Phạm Thị Thắm và mẹ của mình.
Nữ sinh Phạm Thị Thắm và mẹ của mình.

Cảm xúc vui mừng xen lẫn niềm tự hào, bà Phạm Thị Bích, chia sẻ: “Thật sự không biết diễn tả thế nào nữa. Tôi không nghĩ con gái mình lại trở thành thủ khoa khối C của tỉnh. Gia đình tuy làm ruộng nhưng vẫn cố gắng để con cái được ăn học đàng hoàng. Đối với quyết định của con, người làm cha mẹ như chúng tôi luôn tôn trọng”.

Thầy Lê Trung Hưng cho biết, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trường đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 99%.

Năm nay, trường cũng có số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 điểm trở lên cao vượt bậc so với những năm trước. Đặc biệt, đây là lần đầu trường có thí sinh là người dân tộc thiểu số trở thành thủ khoa khối C của Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.