Đó là nơi Lầu Mí Xá, sinh viên năm thứ 3 - Lớp Quản lý công K18, Học viện Hành chính Quốc gia - tự tay dựng lên, để không bỏ sót buổi học online nào.
Tại đây, Xá làm bài tập về nhà, tranh thủ nghiên cứu bài vở, giáo trình chuẩn bị cho 5 tiết học trực tuyến của buổi học sáng mai, vốn bắt đầu từ lúc ánh sáng ban ngày vẫn còn chưa rọi tới sườn núi.
Xá chia sẻ: “Em thấy học online khá ổn, lại vui nữa. Hằng ngày vẫn được gặp thầy cô, bạn bè, được tiếp thu những bài học mới. Cũng nhiều chuyện thú vị, chẳng hạn khi một số bạn bật mic để trả lời câu hỏi của cô, đúng lúc đó có tiếng gà gáy sáng rõ to, khiến cả lớp không nhịn được cười”.
Chàng trai trẻ hồn nhiên cho biết chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình nhận được sự quan tâm đặc biệt từ báo chí và cộng đồng mạng như vậy.
Những ngày qua, khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh về “phòng học” do cậu tự tay dựng lên bên sườn núi, vật liệu đơn sơ gỗ và bạt, hàng chục cuộc gọi và tin nhắn điện thoại, facebook, … đã đổ về.
Đặc biệt, hàng ngày các thầy cô giáo của Học viện Hành chính quốc gia đều gửi lời thăm hỏi, động viên và lấy Xá làm tấm gương cho các sinh viên khác trong thời điểm này.
Đáp lại những tình cảm ấy, Xá xúc động: “Những lời thăm hỏi, động viên ấy giúp em cảm thấy ấm áp và quên đi cảm giác cô đơn khi một mình trên này. Thanh niên sức trẻ, em có thể học online ở đây 2-3 tháng cũng được”.
Như nhiều ngôi nhà ở tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, gia đình Xá sinh hoạt trong một không gian chung, quây quần cùng bản làng trong thung lũng. Chiếc bàn duy nhất được đặt ở giữa, vừa làm bàn ăn, vừa tiếp khách, vừa là nơi Xá học bài.
Việc học có thể gián đoạn bất cứ lúc nào vì tín hiệu mạng 4G chập chờn, chưa kể thường xuyên bị ảnh hưởng vì tiếng ồn khác xung quanh.
Không có tín hiệu ổn định để học trực tuyến, cũng không có không gian riêng để chuyên tâm học bài, trong khi khối lượng bài học nhiều, chưa kể còn phải thường xuyên vào mạng để đọc tài liệu, giáo trình vốn không kịp mang về.
“Làm sao đây? Chắc chỉ còn cách đi tìm chỗ có sóng 4G ổn định!”. Nghĩ là làm, Xá mang điện thoại đi khắp nơi quanh bản để dò sóng, cho đến khi tìm được khu vực bên sườn núi này, vốn cách nhà chừng vài trăm mét. Tìm được chỗ có tín hiệu mạng ổn định, Xá bắt tay ngay vào dựng lán, trên một mảnh đất bằng phẳng hiếm hoi thoai thoải xuống sườn núi, với sự hỗ trợ của một người bạn thân.
“Em treo điện thoại lên để bắt tín hiệu mạng. Tín hiệu ổn định, khu vực này lại yên tĩnh, em có thể tập trung học bài thoải mái. Lán tạm nhưng chắc chắn và kín gió lắm, 6-7 người cùng ở đây cũng được”, Xá chia sẻ.
Thực tế, sự tháo vát và tự lập của cậu thanh niên này đã được tôi luyện và hình thành ngay từ khi còn rất bé. Năm 12 tuổi, khi lên lớp 7, Xá đã phải xa nhà để học nội trú, tự chăm sóc bản thân ở ngay cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.
Lên đại học, dù được miễn học phí do chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, Xá vẫn tự xoay xở làm thêm để có tiền trang trải sinh hoạt cũng như theo học các khóa học bên ngoài khác để có thêm kiến thức. Từ bốc vác, sơn sửa và giờ là chạy xe ôm công nghệ, Xá đều cân đối để không ảnh hưởng đến việc học hành. Chiếc xe máy đổi từ con bò duy nhất trong nhà được bố mẹ cho phép mang xuống Hà Nội, phục vụ việc học và làm thêm của Xá.
Hỏi về điều mong muốn hiện nay là gì, Xá nói ngay: “Giờ em muốn nhất là mọi người được khỏe mạnh và dịch bệnh Covid-19 nhanh hết. Hy vọng Sùng Trái sẽ sớm có cột sóng phát tín hiệu mạng để ai cũng có thể tiếp cận được các thông tin xã hội qua mạng. Với em, em vẫn xác định sẽ cố gắng học tốt để trở về, có thể đóng góp được cho địa phương và bà con dân bản”.
Chia sẻ về cậu sinh viên của mình, thầy Bùi Huy Tùng, Trưởng Ban Quản lý Bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, Lầu Mí Xá sinh năm 1999, dân tộc Mông, sống tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hiện Mí Xá là sinh viên đại học hệ chính quy ngành Quản lý nhà nước, lớp KH 18 chuyên ngành Quản lý công.
“Học viện rất vui và tự hào về những sinh viên có tinh thần quyết tâm trong học tập như sinh viên Lầu Mí Xá. Điều đó thể hiện tinh thần, bản lĩnh của sinh viên dù ở trong hoàn, điều kiện nào đều “Không sợ khó, không sợ khổ”, quyết tâm thực hiện bằng được theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi cũng biết rằng, không chỉ Lầu Mí Xá, mà còn nhiều bạn trẻ, nhiều sinh viên Việt Nam, ở khắp mọi miền Tổ quốc, đã và đang tìm mọi cách để khắc phục khó khăn, trở ngại, với chung một lòng quyết tâm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Đây là điều rất đáng trân trọng”, thầy Bùi Huy Tùng bày tỏ.
Cũng theo thầy Tùng, Học viện Hành chính Quốc gia có tới 60% sinh viên là người thuộc các tỉnh miền núi học tập tại trường. Đối với sinh viên thuộc diện chính sách dân tộc khu vực miền núi, Học viện có những chính sách ưu tiên nhất định trong việc thực hiện chế độ chính sách và quản lý đào tạo. Học viện chú trọng các biện pháp đổi mới phương thức giảng dạy để sinh viên đáp ứng với yêu cầu đào tạo.
“Chúng tôi mong muốn các Bộ, ngành chức năng có liên quan đến công tác đào tạo, tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối với tất cả các tỉnh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng hệ thống viễn thông, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên miền núi tiến kịp miền xuôi”, thầy Bùi Huy Tùng nói.
Theo thầy Bùi Huy Tùng, ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 759/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 về việc triển khai công tác đào tạo từ xa ứng phó với dịch Covid-19, Học viện Hành chính Quốc gia đã xây dựng phương án đào tạo, đội ngũ giảng viên và chuẩn bị cơ sở vật chất, công nghệ thông tin phục vụ cho công tác đào tạo từ xa.
Đặc biệt, văn bản 988 ngày 23/3 sau đó đã phân định rất rõ các nền tảng dạy-học trực tuyến khác nhau, đồng thời khẳng định yêu cầu tiếp tục triển khai công tác đào tạo từ xa và đào tạo trực tuyến trong thời gian tới, là cơ sở quan trọng để các đơn vị điều chỉnh công tác tổ chức và quản lý đào tạo.
Chủ trương trên được thông báo rộng rãi đến toàn thể sinh viên để các em nắm bắt và trang bị các điều kiện cần thiết để tham gia học tập. Qua đó, Học viện cũng nắm bắt được các ý kiến cũng như nguyện vọng từ phía sinh viên. Đa phần sinh viên đều ủng hộ phương thức đào tạọ trực tuyến của Học viện.
Ngay từ buổi đầu tiên tổ chức đào tạo trực tuyến, 100% sinh viên học tập nghiêm túc, đầy đủ, thậm chí rất phấn khởi khi được tham gia một hình thức đào tạo mới này.
Các buổi học trực tuyến đều có sự tham gia của cán bộ công nghệ thông tin, phụ trách, chủ nhiệm các lớp, qua đó nắm bắt tình hình học tập và hỗ trợ các em sinh viên trong quá trình tham gia học tập. Giảng viên tích cực hỗ trợ, cung cấp cho sinh viên tài điện tử và các liệu khác liên quan đến môn học để sinh viên có thể tiếp thu kiến thức và yên tâm học tập.
Trong cuộc họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT sáng 7/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã biểu dương những tấm gương tiêu biểu là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành đã tích cực chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch; xung phong ra tuyến đầu phòng, chống dịch; nỗ lực nghiên cứu khoa học, sáng chế sản phẩm hữu ích; tích cực dạy-học từ xa, dạy-học trực tuyến. Trong đó, Bộ trưởng nhắc đến tấm gương của sinh viên Lầu Mí Xá, sinh viên năm ba Học viện Hành chính Quốc gia, đã chủ động, quyết tâm, sáng tạo, tìm cách khắc phục khó khăn, đảm bảo hoạt động học tập trực tuyến ổn định.