Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Nhiệm vụ “vun trồng văn hóa” của giáo dục

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu bằng giáo dục: “Phải thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục, phải cầu thị và rất kiên trì”.

Trường Tiểu học Ngụy Như Kon Tum (thành phố Kon Tum) phát triển phong trào đọc sách báo.
Trường Tiểu học Ngụy Như Kon Tum (thành phố Kon Tum) phát triển phong trào đọc sách báo.

Điều này đồng nghĩa, muốn chấn hưng giáo dục cần chăm lo và làm mới hơn văn hóa học đường ở tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước. Đây là việc làm cấp thiết để củng cố, phát triển văn hóa nhà trường cũng như văn hóa quốc gia.

Giáo dục là cái gốc của văn hóa

Từ “văn hóa” và “giáo dục” có rất nhiều ngữ nghĩa khác nhau, nó phụ thuộc vào lĩnh vực khoa học, ngành nghề xã hội và cả quan niệm của các bậc vĩ nhân thế giới. Trong bài viết này, chúng ta tiếp cận khái niệm “văn hóa” và “giáo dục” dưới góc nhìn về mặt thuật ngữ khoa học.

Trong tiếng Latinh, từ “văn hóa” bắt nguồn với “Cultus” mà nghĩa gốc là gieo trồng, “gieo trồng ruộng đất” và “gieo trồng tinh thần” tức là “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”. Theo nhà Triết học Anh Thomas Hobbes (1588 - 1679): “Lao động dành cho đất là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”. Trong tiếng Anh, từ “giáo dục” được biết đến với từ “education”, đây là một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex” và “Ducere”- có nghĩa là dẫn (“Ducere”) con người vượt ra khỏi (“Ex”) hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn, hạnh phúc hơn.

Như thế, văn hóa và giáo dục đều đề cập liên quan tới con người. Văn hóa chính là con người; giáo dục cũng lấy con người làm đối tượng hướng tới. Lịch sử loài người cho thấy sự giao thoa, xoắn xít của văn hóa và giáo dục đã có từ xa xưa và cùng là lực đẩy cho xã hội loài người phát triển.

Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra qua lịch sử. Giáo dục có trách nhiệm truyền lại những giá trị vật thể ấy cho nhân loại. Người ta nói: Sự trao truyền nội dung giáo dục chính là trao truyền văn hóa của nhân loại và văn hóa quốc gia.

Nhà tâm lý học người Nga L.X.Vưgôtxki (1896 - 1934) đưa ra cơ chế tâm lý của hành vi văn hóa: “Các biểu hiện văn hóa của con người là các chức năng tâm lý cấp cao”. Điều đó, hiểu rằng văn hóa chỉ có ở con người có giáo dục và nó còn là các giá trị tinh thần của mỗi người, cộng đồng.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển của mỗi quốc gia, con người không ngừng sáng tạo để làm nên các giá trị văn hóa. Người ta còn nói: Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa đồng thời chính con người cũng là sản phẩm của văn hóa thông qua giáo dục.

John Dewey (1859 - 1952) là một triết gia lớn của Mỹ thế kỷ 20 có nói “Giáo dục chính là cuộc sống mà không chỉ để chuẩn bị cho cuộc sống sau này”. Bác Hồ đã dạy: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (1943). Bởi vậy văn hóa và giáo dục chẳng phải cùng là một bộ phận trong dòng chảy cuộc sống của chúng ta đó sao?

Xét về sâu xa: Văn hóa là mục đích, nội dung của giáo dục. Vì vậy, giáo dục là con đường cơ bản nhất để giữ gìn, phát triển văn hóa, cũng như là động lực để phát triển xã hội ở mỗi nước. Rõ ràng, giáo dục là cái gốc của văn hóa và chủ thể của giáo dục là chấn hưng con người. Giáo dục có mối quan hệ, tương thích với văn hóa dân tộc, quốc gia. Cho nên có chuyên gia đã nói: Giáo dục có nhiệm vụ “vun trồng văn hóa”, cũng chính là vậy.

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc trưng, trong khi đó văn hóa chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn xã hội đã qua. Giáo dục phát triển cùng với xã hội loài người, trở thành một chức năng sinh hoạt không thể thiếu được và không bao giờ mất đi ở mọi giai đoạn phát triển nhất định của xã hội. Giáo dục vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật.

Hoạt động xã hội, giáo dục và đào tạo đội ngũ lao động, tái sản xuất ra lực lượng lao động mới, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt để đạt được trình độ mới. Giáo dục không bao giờ bằng lòng với những gì sẵn có mà luôn sáng tạo và vượt lên văn hóa hiện tại để vươn tới văn minh nhân loại.

Văn hóa là thành quả, là tài sản chung của loài người. Con người xuất hiện lúc nào thì văn hóa xuất hiện từ lúc ấy. Từ đó giáo dục cũng xuất hiện dưới dạng rất “thô”, như: Truyền lại kinh nghiệm, hướng dẫn cách tạo ra công cụ lao động để có cái ăn, để sinh tồn và chống lại thiên nhiên thần bí cũng như bảo tồn giống nòi.

Văn hóa và giáo dục đều có chiều sâu và mang tính: Hệ thống sâu chuỗi; giá trị dân tộc sâu đậm; ý nghĩa lịch sử sâu nặng và nhân sinh sâu sắc. Đây là minh chứng thể hiện cho sự mật thiết giữa văn hóa và giáo dục, không chỉ ở tính bao quát toàn diện mà còn cả phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trong mỗi quốc gia, dân tộc và cả các nhóm cộng đồng.

Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh đóng vai trò quan trọng trong hình thành nét đẹp văn hóa học đường.
Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh đóng vai trò quan trọng trong hình thành nét đẹp văn hóa học đường.

Chấn hưng giáo dục bắt đầu từ văn hóa học đường

Con người là hiện thân của văn hóa quốc gia, muốn chấn hưng con người, thì con người ấy phải được giáo dục trong môi trường văn hóa học đường, một môi trường giáo dục lành mạnh. Môi trường giáo dục lành mạnh là môi trường mà người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.

Môi trường trường học hạnh phúc là biểu hiện sống động và cụ thể cho môi trường giáo dục lành mạnh. Chúng ta mừng vì phong trào xây dựng trường học hạnh phúc đang phát triển nở rộ rộng khắp trong các nhà trường hiện nay.

Môi trường giáo dục lành mạnh còn thể hiện ở cảnh quan, cơ sở vật chất khang trang, xanh, sạch, đẹp, có liên kết tốt cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động thiện nguyện, vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao an toàn, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý của học sinh.

Môi trường giáo dục lành mạnh cũng thể hiện ở vấn đề bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống thảm họa, thiên tai; bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của học sinh; giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại học sinh, phòng, chống bạo lực học đường,…

Môi trường văn hóa nhà trường có ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo của những người quản lý nhà trường, tác phong làm việc của đội ngũ giáo viên và ý thức, phong cách học tập, rèn luyện của học sinh của nhà trường đó.

Có tác giả ví môi trường văn hóa học đường như một tảng băng có ba phần. Phần nổi “nhìn thấy được”, gây ấn tượng cho khách ở tính khang trang, quy củ, xanh, sạch, đẹp; cách bố trí cảnh quan của các công trình, khẩu hiệu, đồng phục, phù hiệu của giáo viên và học sinh,…

Phần thấy được qua hành vi của các thành viên của nhà trường, thể hiện trong cách ứng xử với nhau và với đối tác, là quy tắc văn hóa trong đời sống, hoạt động công việc, các khía cạnh liên quan đến lòng tự trọng, quan hệ liên cá nhân, quan hệ với cộng đồng và xã hội. Người ta cũng có thể nhận diện thông qua “lời ăn, tiếng nói, phong cách giao tiếp ứng xử hay một “nét đẹp văn hóa”.

Phần chìm, khó nhìn thấy nhưng lại quyết định toàn bộ phần nổi, đó là các chuẩn mực giá trị của môi trường văn hóa của một nhà trường: Giá trị (chân, thiện, mỹ), niềm tin, kỳ vọng, ý thức,... Những dấu hiệu để nhận thấy ở lớp thứ ba này là thông qua thái độ và trách nhiệm đối với sự phát triển nhà trường; phong cách lãnh đạo; mức độ chuyên nghiệp trong thực thi công việc của các thành viên trong nhà trường; “lời nói đi đôi với việc làm”,...

Người lãnh đạo cần quan tâm và tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chân, thiện, mỹ của nhà trường, coi trọng việc xây dựng bầu không khí vui tươi phấn khởi, xây dựng nội bộ đoàn kết thương yêu giúp đỡ, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau cùng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay và ngăn chặn các biểu hiện của bạo lực học đường.

Xây dựng ý thức văn hóa cho học sinh trong môi trường học tập.
Xây dựng ý thức văn hóa cho học sinh trong môi trường học tập.

3 giai đoạn tạo lập văn hóa học đường

Văn hóa nói chung và tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường nói riêng không thể hình thành một sớm một chiều vì nó liên quan đến ý thức được ăn sâu vào tiềm thức của các thành viên trong nhà trường và trở thành thói quen cần trải qua các giai đoạn và không ngừng được “vun đắp”, hình thành, phát triển và phát triển bền vững.

Hiện nay, hoàn cảnh có nhiều thay đổi và tác động không nhỏ lên môi trường văn hóa của nhà trường nên khi xây dựng và duy trì môi trường văn hóa nhà trường nói chung, trường tiểu học nói riêng cần lưu ý một số điểm sau:

Lưu ý đến đặc điểm của lứa tuổi học sinh và cấp học; về đời sống xúc cảm, tình cảm, khả năng tích cực; HS thường học theo các hành vi của người lớn; sự phát triển nhân cách chủ yếu diễn ra và bị chi phối bởi hoạt động học tập.

Phải lưu ý đến đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương; phải chỉ rõ những nét văn hóa đặc thù của trường mình đã có và đang hướng tới; Quan tâm thích đáng đến nguyên tắc tôn trọng “lịch sử” để “kế thừa và phát triển”.

Đặc điểm của bối cảnh chung là điểm cần lưu ý. Sự giao thoa mạnh giữa môi trường nhà trường với môi trường xã hội và trong bối cảnh hội nhập, chịu ảnh hưởng rất nhiều của các phương tiện thông tin và truyền thông.

Lưu ý rằng, để xây dựng và phát triển môi trường văn hóa nhà trường cũng cần trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn hình thành (có tính áp đặt một số quy chuẩn); giai đoạn phát triển (hoàn chỉnh các yếu tố của môi trường văn hóa lành mạnh) và giai đoạn phát triển bền vững (duy trì và phát huy các giá trị, tăng tính thích ứng với sự thay đổi). Các bước nói trên cần được thực hiện thường xuyên và cũng cần cải tiến không ngừng ngay cả khi nền văn hóa nhà trường được hình thành ngày càng phát triển bền vững.

Xây dựng được môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh cho các thế hệ nối tiếp cũng cần coi trọng các vấn đề sau: Thể chế hóa những giá trị đặc trưng của môi trường văn hóa lành mạnh đã đạt được của nhà trường; Quan tâm việc duy trì, phát triển thường xuyên thông qua việc giám sát chặt chẽ và sửa lỗi kịp thời các vi phạm “môi trường văn hóa lành mạnh” của nhà trường; Phối hợp lực lượng liên quan để tạo đồng thuận và thường xuyên xem xét các “nhiễu” để khắc phục kịp thời, để giá trị được tự giác tuân thủ và có thể chuyển giao cho thế hệ nối tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.