Yêu cầu then chốt của Chuẩn hiệu trưởng mới
Hiệu trưởng có vai trò quan trọng đối với mỗi nhà trường. Trong giai đoạn đổi mới giáo dục như hiện nay, theo PGS, chân dung của người hiệu trưởng sẽ như thế nào để phù hợp với thực tiễn và tương lai?
- Trong bối cảnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình rất cao của nhà trường như hiện nay, đầu tiên người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động, năng động và sáng tạo để tổ chức mọi hoạt động giáo dục mang đến sự phát triển tốt nhất cho HS.
Khi xây dựng các tiêu chuẩn của Chuẩn hiệu trưởng, chúng tôi tiếp cận theo yêu cầu về phát triển năng lực và tập trung vào năng lực quản trị nhà trường của hiệu trưởng.
Thứ nhất, Hiệu trưởng phải đáp ứng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và đạo đức lối sống. Theo đó, hiệu trưởng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; gương mẫu, chuẩn mực, được đồng nghiệp, HS, cha mẹ HS và cộng đồng tin tưởng, yêu mến, kính trọng.
Thứ hai, là năng lực chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học. Hiệu trưởng phải vững vàng về chuyên môn; am hiểu nghiệp vụ sư phạm, quản trị nhà trường; sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung… (hoặc tiếng dân tộc ở vùng DTTS) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.
Thứ ba, về năng lực quản trị nhà trường, hiệu trưởng phải điều hành các hoạt động của nhà trường một cách khoa học, có quy trình, chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch, bao gồm lập kế hoạch phát triển nhà trường, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục HS, quản trị tổ chức, hành chính, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, quản lý chất lượng giáo dục của nhà trưởng và xuyên suốt năng lực quản trị trường học là quản lý sự thay đổi.
Thứ tư, là năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ. Hiệu trưởng phải có năng lực chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nếp sống văn hóa trong nhà trường chuẩn mực, bền vững.
Thứ năm, là năng lực phát triển các mối quan hệ. Hiệu trưởng tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan trong giáo dục HS, phát triển mối quan hệ nhà trường và cộng đồng. Đó là các mối quan hệ theo chiều dọc đối với ngành, quan hệ đối với cha mẹ HS, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội với truyền thông…
Tất cả những năng lực đó tạo dựng nên hình ảnh một người hiệu trưởng 3T & H. Trong đó 3T: T1 = Tâm; T2 = Tầm; T3 = Tài đều hướng đến H: phát triển phẩm chất, năng lực HS.
So với Chuẩn hiện hành thì Chuẩn hiệu trưởng mới có điểm gì khác và việc tham gia đánh giá hiệu trưởng sẽ được thay đổi như thế nào?
- Chuẩn Hiệu trưởng mới, điều quan trọng nhất là hiệu trưởng tự đánh giá với các minh chứng đầy đủ, rõ ràng và lập kế hoạch học tập, bồi dưỡng. Cơ quan quản lý cấp trên sẽ quyết định xếp loại hiệu trưởng theo các mức nêu trên, căn cứ vào kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng vào ý kiến của giáo viên, cha mẹ HS và cộng đồng… Chúng tôi không dùng từ chấm điểm mà dùng từ các bên tham gia đánh giá.
Người đánh giá quan trọng nhất vẫn là hiệu trưởng và những người được đánh giá theo Chuẩn. Bởi Chuẩn này không chỉ dành riêng cho hiệu trưởng, mà còn dành cho những người có mong muốn được trở thành hiệu trưởng, họ cũng có thể đánh giá mình theo Chuẩn mới này. Như vậy Chuẩn hiệu trưởng mới chính là cái để mọi người tự soi, tự sửa và tự mình học hỏi, hoàn thiện.
Phát triển năng lực, phẩm chất lãnh đạo
Nói như vậy thì chúng ta cũng phải có công cụ để đánh giá, xếp loại hiệu trưởng theo Chuẩn mới?
- Chúng tôi đặt ra các mức phát triển năng lực lãnh đạo quản trị của hiệu trưởng khác nhau. Hiện nay, chúng tôi đã xác định có 3 mức: Mức cao nhất là mức Tốt, mức tiếp theo là Khá và mức cuối cùng là Đạt.
Tất nhiên sẽ có những người không đạt. Theo đó, mỗi một hiệu trưởng sẽ có mức năng lực khác nhau ở từng tiêu chí cụ thể. Ví dụ: ở mức thấp nhất (mức Đạt), người hiệu trưởng phải thực hiện được đúng quy định và có khả năng làm việc một cách độc lập, mặc dù có thể chưa nhiều kinh nghiệm. Ở mức hai (mức Khá) thì hiệu trưởng phải làm việc một cách thành thạo, có kinh nghiệm, làm việc hiệu quả và đặc biệt là có khả năng hỗ trợ được đồng nghiệp.
Vậy PGS đặt kỳ vọng gì vào chuyên đề nghiên cứu Chuẩn hiệu trưởng trưởng phổ thông mới của nhóm nghiên cứu?
- Chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hiệu trưởng được nhiều hơn, sẽ giúp hiệu trưởng nhiều hơn. Chúng ta đang đổi mới với rất nhiều những yêu cầu mới; có thể những hiệu trưởng giỏi ở giai đoạn trước đây nhưng đến giai đoạn mới này nếu họ vẫn làm theo cách cũ thì không thành công. Vậy thì chuẩn mới này sẽ giúp cho hiệu trưởng có thể phát triển những năng lực và làm tốt các nhiệm vụ, từ đó thích ứng với bối cảnh đổi mới.
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, cách đánh giá học tập ở các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng rất hay. Họ không chỉ đánh giá bằng bài kiểm tra thu hoạch cuối học kì, mà quan trọng hơn, sau khi kết thúc khóa học, người học mang một dự án về địa phương, về nơi mình công tác để thực hiện dự án đó. Sau một thời gian, họ quay trở lại báo cáo kết quả đó.
Như vậy thời gian học của một lớp không phải kéo dài 8 tuần như chúng ta, mà kéo dài đến 6 tháng; tất nhiên họ cũng không phải học liên tục mà chỉ tập trung từ 1 đến 2 tuần.
Điều đáng nói là họ có những môi trường học tập, có thể học trực tuyến và tìm kiếm tài liệu, tài nguyên học tập bất cứ lúc nào họ muốn. Ngoài ra, họ sẽ nhận được hỗ trợ liên tục từ những chuyên gia giỏi để có thể trao đổi trực tiếp.
Theo tôi, chúng ta có thể tham khảo cách làm của Singapore để tạo ra một môi trường học tập thường xuyên cho hiệu trưởng. Qua đó, mới có thể đảm bảo hiệu trưởng của chúng ta đáp ứng được Chuẩn mới này.
Xin cảm ơn PGS!