Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông - Những tiêu chí cần thiết

GD&TĐ - Chuẩn hiệu trưởng là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (QLGD). So với yêu cầu mới thì chuẩn hiệu trưởng theo quy định cũ đã không còn phù hợp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Thanh Huyền, Trưởng nhóm nghiên cứu chuẩn hiệu trưởng phổ thông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học QLGD - Học viện Quản lý GD - xung quanh những vấn đề này.

Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông - Những tiêu chí cần thiết

Chuẩn hiệu trưởng hướng đến kết quả GD tốt hơn

Trước đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư về chuẩn hiệu trưởng như Thông tư 29 về chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học, Thông tư 14 về chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học. Có ý kiến cho rằng, đến nay một số quy định trong các văn bản này đã lỗi thời. Theo đánh giá của bà, đâu là những điểm không còn phù hợp của những thông tư đã ban hành?

Thông tư 29 về chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học ban hành năm 2009, Thông tư 14 về chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học ban hành năm 2011 là 2 văn bản đầu tiên của ngành Giáo dục về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Nếu cho rằng, 2 văn bản này lỗi thời thì không hoàn toàn đúng, bởi vì các chuẩn được đề cập trong văn bản đã thể hiện các năng lực cốt lõi của hiệu trưởng như phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, quản lý nhà trường, có nghĩa là đã xác định được một khung năng lực của hiệu trưởng của từng cấp học phù hợp với bối cảnh giáo dục giai đoạn trước.

Tuy nhiên, trước xu thế phát triển và hội nhập với những yêu cầu ngày càng cao, các hoạt động của nhà trường thay đổi nhanh chóng. Đó là các trường học phải thay đổi từ dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động. Trường học tự chủ cao hơn và phải chịu trách nhiệm giải trình lớn hơn.

Vậy, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới mà bà đang là Trưởng nhóm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung sẽ tiếp cận xây dựng chuẩn hiệu trưởng như thế nào?

Chuẩn hiệu trưởng mới sẽ tiếp cận “quản lý nguồn nhân lực dựa trên năng lực”. Phát triển đội ngũ CBQL trường phổ thông phải luôn gắn với việc xác định năng lực của hiệu trưởng, xây dựng khung năng lực và sử dụng khung năng lực đó như một căn cứ quan trọng bậc nhất của công tác quản lý đội ngũ CBQL trường phổ thông. Tiếp cận này tập trung vào việc xác định các năng lực cần thiết để đạt được hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng. Khung năng lực chỉ ra những năng lực và khả năng tương thích mà mỗi hiệu trưởng cần phải đáp ứng.

Cụ thể hơn, một hiệu trưởng chuẩn phải là người như thế nào, thưa bà?

Chuẩn hiệu trưởng mà chúng tôi đang xây dựng sẽ dự kiến gồm 5 tiêu chuẩn, 21 tiêu chí:

Tiêu chuẩn 1. Chính trị, đạo đức, lối sống, gồm 3 tiêu chí: Chính trị, đạo đức, lối sống;

Tiêu chuẩn 2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, gồm 3 tiêu chí: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ/tiếng dân tộc;

Tiêu chuẩn 3. Năng lực quản trị nhà trường; gồm 8 tiêu chí: Lập kế hoạch phát triển nhà trường, quản lý GD HS, quản trị hành chính; quản trị tổ chức nhân sự; quản trị tài chính, quản trị CSVC - thiết bị GD, quản trị chất lượng GD, quản lý sự thay đổi;

Tiêu chuẩn 4. Năng lực xây dựng môi trường GD dân chủ, gồm 2 tiêu chí: Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở trường học, xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường;

Tiêu chuẩn 5. Năng lực phát triển quan hệ xã hội, gồm 5 tiêu chí: Quan hệ với cấp quản lý ngành, quan hệ với cha mẹ HS, quan hệ với chính quyền địa phương, quan hệ với các cá nhân - tổ chức xã hội, quan hệ với truyền thông.

Căn cứ vào đâu để nhóm nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn này, chân dung người hiệu trưởng sẽ như thế nào theo chuẩn này?

5 tiêu chuẩn, 21 tiêu chí của chuẩn hiệu trưởng xác định bản chất và chất lượng công việc của hiệu trưởng. Có những nhiệm vụ hiệu trưởng đã làm và có những nhiệm vụ chưa làm nhưng sẽ phải làm được trong thời gian tới. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được xây dựng để hướng dẫn hiệu trưởng học tập, bồi dưỡng phát triển năng lực thường xuyên, đồng thời làm căn cứ để giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng.

Chân dung người hiệu trưởng sẽ cần có 3 yếu tố xuyên suốt: Năng động, chủ động đổi mới lãnh đạo nhà trường theo cơ chế tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình; không ngừng hỗ trợ và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên; tạo điều kiện, môi trường làm việc tích cực, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, xây dựng hệ thống tổ chức và các quy định phù hợp, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và phát triển các mối quan hệ xã hội. Tất cả các yếu tố trên đều phải hướng đến kết quả giáo dục học sinh ngày càng tốt hơn.

Tự chủ về nhân sự vẫn là mơ ước của hiệu trưởng

Hiệu trưởng được ví như thuyền trưởng trên một con tàu nhưng hiện nay, họ lại quá ít quyền tự chủ, điển hình như việc tuyển dụng giáo viên. Bà nghĩ sao về điều này?

Chính phủ đã có chủ trương trao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường học hơn 10 năm rồi (Nghị định 43-2006/NĐ-CP và Nghị định 16-2015/NĐ-CP). Tuy nhiên từ chủ trương đến cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù trong các văn bản trên đều có quy định đơn vị sự nghiệp công được quyền tự chủ về nhân sự nhưng đối với các trường phổ thông hiện nay điều này vẫn đang là mơ ước của hiệu trưởng.

Cũng có nhiều lý do, có thể cơ quan quản lý lo rằng hiệu trưởng chưa đủ năng lực quản trị trường học hoặc chưa đủ phẩm chất đạo đức mà giao tự chủ sẽ dẫn đến lạm quyền, điều này cũng đã có trong thực tế rồi như vấn đề lạm thu. Như vậy cần phải bồi dưỡng để hiệu trưởng có đủ phẩm chất và năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình. Đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiến tới khi hiệu trưởng đủ năng lực thì phải trao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng theo Nghị định 16, có sự giám sát của Hội đồng trường, cơ quan cấp trên, cha mẹ HS và xã hội.

Hiện nay ở nước ta, việc bổ nhiệm hiệu trưởng vẫn đang thực hiện theo quy trình bổ nhiệm và theo hướng chọn người làm chuyên môn chứ không phải người có năng lực quản lý. Điều này dẫn tới mâu thuẫn là trong khi chúng ta yêu cầu chuẩn hiệu trưởng nhưng khi chọn lại không căn cứ theo chuẩn mà theo quy hoạch. Bà nghĩ sao về mâu thuẫn này?

Trước đây, chúng ta cũng vẫn lựa chọn những người giỏi chuyên môn, có uy tín để bổ nhiệm làm hiệu trưởng, sau khi bổ nhiệm rồi mới cử đi học bồi dưỡng, thậm chí có nhiều hiệu trưởng đến lúc về hưu vẫn chưa qua lớp bồi dưỡng nào.

Gần đây việc bồi dưỡng hiệu trưởng đã được quan tâm hơn, nhiều cán bộ nguồn (quy hoạch) đã được cử đi học bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm, song cũng chưa có quy định về yêu cầu phải qua lớp bồi dưỡng về quản lý trường học mới được bổ nhiệm. Thực tế chúng ta chưa coi quản lý là một nghề, phải được học, bồi dưỡng để phát triển năng lực quản lý rồi mới hành nghề.

Tuy nhiên, tôi tin trong giai đoạn tới, việc lựa chọn, bổ nhiệm hiệu trưởng dựa theo chuẩn sẽ là điều tất yếu. Trước mắt chuẩn cần được sử dụng như một công cụ đắc lực cho việc phát triển năng lực quản trị nhà trường của hiệu trưởng, xây dựng các chương trình bồi dưỡng phù hợp với các nhu cầu phát triển đa dạng của CBQLCSGDPT, giúp cho hiệu trưởng thường xuyên học tập không ngừng để đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Thưa bà, quy định về chuẩn hiệu trưởng và đánh giá hiệu trưởng THPT sẽ giúp gì cho các trường, cho đội ngũ quản lý nhà trường?

Chuẩn hiệu trưởng sẽ giúp cho các hiệu trưởng tự soi, tự sửa, tự bồi dưỡng để phát triển năng lực lãnh đạo nhà trường.

Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp dựa trên kết quả đánh giá theo chuẩn sẽ xây dựng các chương trình bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của các CBQL trường phổ thông.

Mục tiêu cuối cùng là giúp cho đội ngũ CBQL trường phổ thông được phát triển năng lực ở các bậc cao hơn, hướng đến phát triển nhà trường, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới giáo dục.

Xin cảm ơn bà!

Hiện nay, TPHCM đang thí điểm giao cho trường tuyển dụng giáo viên, chúng tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, điều này sẽ giúp cho trường học trở nên năng động, tất cả các yếu tố cản trở đổi mới, cản trở sự phát triển của HS sẽ phải nhường chỗ cho các yếu tố tích cực, tất cả vì thành công và hạnh phúc của mỗi HS. PGS.TS Đặng Thanh Huyền

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ