Đặt ra yêu cầu cao với hiệu trưởng trường phổ thông

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo quy định Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Theo PGS.TS Nguyễn Thành Vinh – Trưởng khoa Quản lý (Học viện Quản lý giáo dục) – so với chuẩn cũ, quy định mới trong dự thảo đặt ra những yêu cầu cụ thể, rõ ràng hơn trong thực tiễn hiện nay và có phần yêu cầu cao đối với Hiệu trưởng trong đổi mới giáo dục hiện nay.

Đặt ra yêu cầu cao với hiệu trưởng trường phổ thông

Yêu cầu cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình

PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho biết: việc chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 29/2009/TT-BGDĐT quy định chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học là vấn đề đặt ra hiện nay để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục. Dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông vừa công bố không phải hoàn toàn mới mà là chỉnh sửa Thông tư 29/2009/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn.

Quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã nghiên cứu chuẩn hiệu trưởng nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Hoa kì, Anh, Newzeland, Singapore… cũng như thực tiễn tại Việt Nam.

Đối với quốc tế khi xây dựng chuẩn hay khung năng lực cho các nhà lãnh đạo giáo dục thường tập trung vào các vấn đề sau: Có mục đích về đạo đức rõ ràng; xây dựng mối quan hệ; am hiểu và thích ứng sự thay đổi; khả năng chia sẻ kiến thức và sáng tạo; đảm bảo sự gắn kết trong tổ chức.

Hoặc: Xác định tương lai; dẫn dắt hoạt động học tập và giảng dạy; quản lý tổ chức; tự phát triển bản thân và phối hợp với người khác; đảm bảo trách nhiệm giải trình; củng cố cộng đồng…

Chuẩn lần này nhấn mạnh và yêu cầu cao với các hiệu trưởng về quản trị trường học, khả năng lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, quản lý hoạt động dạy học, khả năng quản trị tổ chức, quản trị nhân lực, khả năng quản trị tài chính, quản lý sự thay đổi… trong nhà trường

“Như vậy, những nét chính mà mọi chuẩn hiệu trưởng của các nước trên thế giới đề cập đến là đạo đức, năng lực cá nhân, năng lực quản lý, sự hiểu biết về chuyên môn, quan hệ với công chúng, xã hội… Chuẩn hiệu trưởng mới được xây dựng cũng dựa trên những nét cơ bản đó và yêu cầu thực tiễn của xã hội và giáo dục Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho hay.

Trưởng khoa Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) đưa ví dụ: Nội dung đạo đức được cụ thể hóa là phẩm chất đạo đức, chính trị, lối sống.

Một số nước không yêu cầu ngoại ngữ vì họ là nước nói tiếng Anh, nhưng chuẩn của Việt Nam đưa yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, tin học để phù hợp trong xu thế hội nhập và cuộc cách mạng 4.0 sắp tới. Không những thế, yêu cầu này rất mở trong chuẩn, đó là vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn sẽ yêu cầu hiệu trưởng phải có khả năng về tiếng dân tộc của địa phương đó chứ không bắt buộc phải là ngoại ngữ tiếng Anh.

Chia sẻ về những điều đáng chú ý trong dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho biết: Chuẩn lần này nhấn mạnh và yêu cầu cao với các hiệu trưởng về quản trị trường học, khả năng lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, quản lý hoạt động dạy học, khả năng quản trị tổ chức, quản trị nhân lực, khả năng quản trị tài chính, quản lý sự thay đổi… trong nhà trường

Một nội dung khác cũng rất quan trọng với hiệu trưởng ở đây là phát triển giá trị bản thân. Người hiệu trưởng phải xây dựng được giá trị bản thân mình, để dẫn dắt nhà trường thay đổi đáp ứng yêu cầu mới và xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học tạo điều kiện cho các chủ thể trong nhà trường tham gia, giám sát và có ý kiến về các hoạt động giáo dục.

Xây dựng nếp sống văn hóa trong nhà trường như chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lề lối làm việc, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức lối sống trong nhà trường phù hợp với bản sắc dân tộc địa phương, quốc gia và hội nhập quốc cùng với đó là trách nhiệm giải trình

“Hiệu trưởng phải có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường cho nhà nước, nhân dân, học sinh, phụ huynh… Trước đây, vấn đề giải trình không đặt ra nhiều, nhưng chuẩn mới yêu cầu rất cao điều này, không chung chung như trước” - PGS.TS Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.

Điều quan trọng là cách sử dụng chuẩn

Dự thảo đưa ra 5 tiêu chuẩn (với 21 tiêu chí) gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; Năng lực quản trị nhà trường; Năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ Năng lực phát triển quan hệ xã hội.

Dự thảo này cũng quy định đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông theo chuẩn sử dụng các nguồn thông tin như ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng (có hồ sơ minh chứng); ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng; ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp..

Đánh giá, xếp loại hiệu trưởng trường phổ thông theo Chuẩn được thực hiện thông qua việc đánh giá từng tiêu chí và xem xét các minh chứng liên quan. Mỗi tiêu chí được đánh giá thành 3 mức phát triển năng lực, đó là:

Đạt: Hiểu khái niệm, nguyên tắc; thực hiện nhiệm vụ theo quy định một cách độc lập song chưa có nhiều kinh nghiệm;

Khá: Đạt các yêu cầu của mức 1; tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, thành thạo; có thể hướng dẫn đồng nghiệp; có nhiều kinh nghiệm;

Tốt: Đạt các yêu cầu của mức 2; vượt qua khó khăn để vươn lên; đổi mới, sáng tạo; thường xuyên đánh giá để điều chỉnh các hoạt động của nhà trường phù hợp với thực tiễn.

Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông nhằm phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của hiệu trưởng trường phổ thông, làm căn cứ để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá nhằm xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (trung tâm là Học viện quản lý giáo dục) phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

“Cơ chế giám sát, quản lý sử dụng chuẩn vô cùng quan trọng. Mục đích của Chuẩn hiệu trưởng không phải chỉ ở đánh giá, xếp loại, mà quan trọng là hướng cho họ đạt chuẩn, phấn đấu để tự đạt chuẩn. Tôi cho rằng, điều mang tính căn cơ, lâu dài và có tính bền vững đó là phải đào tạo ra những người hiệu trưởng đạt chuẩn và có tính chuyên nghiệp và Học viện Quản lý giáo dục là nơi có trách nhiệm tư vấn, giúp Bộ GĐ&ĐT thực hiện điều này”- PGS.TS Nguyễn Thành Vinh cho hay.

“So với chuẩn cũ, chuẩn mới đặt yêu cầu ở mức độ cụ thể, chi tiết sát với thực tiễn và đòi hỏi hiệu trưởng có phẩm chất, năng lực cao hơn. Theo đó, hiệu trưởng phải độc lập, tự chủ, phát triển dẫn dắt nhà trường để thực hiện tốt quản lý nhà trường theo yêu cầu đổi mới chương trình phổ thông sắp tới, như hướng dẫn giáo viên phát triển chương trình, tự chọn sách giáo khoa, hướng dẫn dẫn dắt giáo viên trong việc quản lý hoạt động dạy học giáo dục theo mục tiêu của chương trình phổ thông mới…”

PGS.TS Nguyễn Thành Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.