Chăm lo trò nghèo khắp nẻo biên cương

GD&TĐ - Nhiều năm nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên địa bàn cả nước có nhiều hoạt động, mô hình, chương trình ý nghĩa, thiết thực.

BĐBP Kiên Giang cùng chính quyền địa phương tặng quà năm học mới cho các em nhỏ Trường Tiểu học Pháo Đài (TP Hà Tiên). Ảnh: Tiến Vinh
BĐBP Kiên Giang cùng chính quyền địa phương tặng quà năm học mới cho các em nhỏ Trường Tiểu học Pháo Đài (TP Hà Tiên). Ảnh: Tiến Vinh

Tình yêu thương của những người lính quân hàm xanh đã và đang chắp cánh ước mơ chinh phục con chữ cho trò nghèo trên địa bàn biên giới.

Điểm tựa vững chắc

Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP trên địa bàn biên giới đã linh hoạt, sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, quan tâm kèm cặp, giúp đỡ học sinh nghèo, trẻ mồ côi vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đến trường, học tập, rèn luyện tốt.

Tại khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang, những năm qua, nhiều học sinh đến trường với niềm vui khi được BĐBP quan tâm, chăm lo từ cuốn tập, sách đến bộ quần áo mới, xe đạp… vào dịp khai giảng hay tổng kết năm học. Theo Đại tá Huỳnh Văn Đông - Chính ủy BĐBP Kiên Giang, trên các địa bàn biên giới của tỉnh, nhiều gia đình còn khó khăn.

Trong năm 2023, Đảng ủy BĐBP tỉnh Kiên Giang đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ bà con nghèo, trẻ em vùng biên giới, biển, đảo. Trong đó, phải kể đến các chương trình thiết thực, hiệu quả như “Ngày hội biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, mô hình “Mẹ đỡ đầu”, “Tay kéo biên phòng”…

“Ngoài nguồn hỗ trợ từ sự đóng góp tự nguyện hay tăng gia, sản xuất của cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị cũng tích cực vận động sự đồng hành của các nhà hảo tâm, giúp nhiều học sinh khó khăn có điều kiện đến trường. Những việc làm cụ thể, thiết thực đã phần nào giúp em nhỏ vốn chịu nhiều thiệt thòi nơi biên giới, biển, đảo có cuộc sống tinh thần, vật chất tốt hơn”, Đại tá Huỳnh Văn Đông cho hay.

Là một trong những học sinh được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) nhận đỡ đầu, em Lý Thảo My - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Mỹ Đức, TP Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết: “Cha mất, mẹ làm thuê, đã nhiều lần em định bỏ học. Nhờ các chú BĐBP và thầy cô quan tâm động viên, giúp tiền học, vở, sách, áo quần, mì gói, gạo… Em cố gắng học tập để không phụ lòng thầy cô, các chú bộ đội, sau này có thể lo cho tương lai”.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” có quy mô rộng, được Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai tại 44 tỉnh, thành phố biên giới và tất cả đơn vị biên phòng. Ghi nhận tại các đơn vị biên phòng cho thấy, khi có sự quan tâm, chăm lo của những người lính quân hàm xanh, kết quả học tập, rèn luyện của các em được đỡ đầu, hỗ trợ trong chương trình nâng lên rõ rệt, tỷ lệ đạt học sinh khá, giỏi ngày càng cao. Nhiều em thực hiện được ước mơ vào giảng đường đại học.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đong đầy yêu thương

Ở khu vực biên giới, cùng với thầy, cô giáo, những người lính biên phòng cũng chung tay vào sự nghiệp gieo chữ, trồng người. Các lớp xóa mù chữ hay lớp học tình thương do cán bộ biên phòng trực tiếp giảng dạy đã giúp xóa mù chữ cho hàng trăm lượt người dân tại khu vực biên giới.

Tại Bình Phước, nhiều năm qua, lực lượng BĐBP không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới, mà còn trực tiếp tham gia có hiệu quả vào công tác xóa mù chữ. Trong đó phải kể đến lớp xóa mù chữ tại tổ Bàu Đỉa, thôn 7, xã Thiện Hưng (Bù Đốp), thuộc địa bàn của Đồn Biên phòng Bù Đốp.

Tổ Bàu Đỉa nằm gần như biệt lập với các địa bàn khác của xã, đường sá đi lại khó khăn. Người dân đa phần là dân tộc S’tiêng và kiều bào Campuchia không biết chữ. Vì vậy, tháng 11/2018, Đồn Biên phòng Bù Đốp và chính quyền địa phương đã tổ chức lớp học xóa mù chữ tại địa bàn này do Thiếu tá Ngô Minh Đức - nhân viên vận động quần chúng của đơn vị trực tiếp phụ trách.

Thiếu tá Ngô Minh Đức cho biết, hiện lớp học có 21 học viên đủ mọi lứa tuổi, có em 9 - 10 tuổi, có người ngoài 40 và được duy trì đều đặn mỗi tuần 2 - 3 buổi vào lúc 19 - 21 giờ. “Ban ngày, bà con lên nương rẫy nên lớp học được mở vào buổi tối. Dạy trẻ nhỏ đã khó, dạy người lớn còn khó hơn. Do đó, trong quá trình dạy, tôi luôn cố gắng tìm cách truyền đạt để bà con dễ tiếp thu. Điều mừng nhất là bà con biết đọc, viết, điều này tiếp thêm động lực cho tôi. Nhờ duy trì lớp xóa mù mà đến nay có khoảng 70% người dân trong tổ Bàu Đỉa biết đọc, viết”, Thiếu tá Ngô Minh Đức chia sẻ.

Tương tự, tại thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, Long An), Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức (BĐBP Long An) cũng duy trì một “Lớp học tình thương”, cho trẻ em nghèo hơn 10 năm nay. Đa phần học sinh theo học tại lớp học đặc biệt này đều là con em công nhân đang lao động trong các khu công nghiệp ở huyện Bến Lức. Hầu hết trẻ ở tỉnh lân cận, theo cha mẹ lên đây tạm trú, hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện theo học tại các trường trên địa bàn.

Đại úy Trần Văn Cảnh - nhân viên đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, người trực tiếp giảng dạy tại Lớp học tình thương kể: “Lúc đầu, kinh nghiệm và kiến thức sư phạm có hạn, nhưng khi vào thực tế, gặp gỡ và hiểu rõ hoàn cảnh mỗi em, tôi và đồng đội luôn nỗ lực giảng dạy giúp trẻ biết đọc, viết. Hiện lớp học có gần 80 trẻ theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Từ ý nghĩa thiết thực của lớp học, nhiều phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc học hành của con em”.

Đại tá Nguyễn Quốc Cường - Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP cho biết: “Trong năm 2023, công tác vận động quần chúng có nhiều đổi mới, sáng tạo. 22 phong trào, chương trình, mô hình, sáng kiến của BĐBP tiếp tục phát huy hiệu quả và có tính lan tỏa cao, nhất là chương trình ‘Nâng bước em đến trường’, mô hình ‘Con nuôi đồn biên phòng’, chương trình ‘Xuân biên phòng ấm lòng dân bản’, ‘Biên cương đêm hội trăng rằm’ và ‘Đồng hành cùng phụ nữ biên cương’. Hiện nay, BĐBP đỡ đầu 2.437 học sinh nghèo và nhận nuôi 388 em có hoàn cảnh khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.