Lớp học xóa mù chữ của người thầy giáo mang quân hàm xanh nơi biên viễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, người thầy giáo quân hàm xanh đang ngày đêm dạy chữ cho người dân ở vùng biên viễn huyện Sốp Cộp (Sơn La).

Trung tá Tòng Văn Xum đang dạy chữ cho bà con bản Huổi Pá.
Trung tá Tòng Văn Xum đang dạy chữ cho bà con bản Huổi Pá.

Hết lòng vì nhân dân phục vụ

Chúng tôi về bản Huổi Pá, nằm cách trung tâm xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) khoảng chục cây số. Thật may mắn, trời nắng cả ngày nên con đường đất gập ghềnh về bản không bị trơn trượt, song vẫn còn một số đoạn bùn đất khiến chúng tôi gặp khó khăn trong lúc di chuyển. Đến Huổi Pá lúc trời vừa tối, Trung tá Tòng Văn Xum, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp đang chuẩn bị bài giảng.

Lác đác một vài học viên đã có mặt từ sớm đang luyện viết chữ; một số học viên mang theo cả con nhỏ đến lớp. Trung tá Tòng Văn Xum nói: Lớp học xóa mù chữ này chỉ mở được buổi tối, bởi dân bản phải lên nương rẫy cả ngày. Cuối chiều về họ lại chuẩn bị cơm nước cho con rồi mới đến lớp được.

Lên bản Huổi Pá phải di chuyển qua con đường đất nhầy nhụa bùn đất.

Lên bản Huổi Pá phải di chuyển qua con đường đất nhầy nhụa bùn đất.

Theo lời anh Xum kể, chúng tôi nhìn đồng hồ điểm 19h, sau một ngày tất bật với việc nương rẫy, nhà cửa, những học viên lớp xóa mù chữ của bản Huổi Pá đến tập trung tại lớp để học chữ. Những bàn tay chai sạn lóng ngóng cầm bút tập viết từng con chữ trên trang sách, tiếng đọc bài vang lên, phá tan không gian im ắng của núi rừng.

Lớp có 49 học viên, được tổ chức từ tháng 4/2023 cho đến nay. Trung tá Xum cho biết: “Nhiều học viên ở xa lớp học, đường đất dốc khó đi nên phải sau 15 - 30 phút nữa lớp học mới đông đủ. Hầu hết họ là trụ cột của gia đình nên việc vận động họ đến lớp thực sự rất khó. Với quyết tâm cao của chỉ huy đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi đã vận động toàn bộ số người mù chữ đến lớp thường xuyên”.

Trong lớp học xoá mù chữ tại bản Huổi Pá có học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, dao động từ 12 - 51 tuổi. Nhiều người đã làm ông, làm bà, nhưng họ vẫn kiên trì đến lớp đều đặn, với mong muốn biết đọc, biết viết. Là người nhiều tuổi nhất lớp, từ ngày tổ chức lớp học đến nay, nhưng chị Giàng Thị Pặng chưa bỏ một buổi học nào.

Chị Pặng nói: “Dù công việc gia đình tôi nhiều, ngày nào cũng phải lên nương, nhưng tôi vẫn cố gắng để đến lớp học chữ. Bây giờ tôi đã biết viết, biết đọc và biết làm những bài toán đơn giản. Nay tôi có thể viết chữ thành thạo rồi, tính toán cũng giỏi hơn rồi”.

Lớp học xoá mù chữ được diễn ra tại điểm trường tiểu học Huổi Pá.

Lớp học xoá mù chữ được diễn ra tại điểm trường tiểu học Huổi Pá.

Người dân phấn khởi vì biết chữ

Còn em Hạng A Trơ, 18 tuổi thổ lộ: “Do hoàn cảnh gia đình nên em không được đi học. Từ nhỏ chỉ theo bố mẹ lên nương trồng ngô, sắn quanh năm. Thấy bạn cùng đồng lứa biết chữ mà mình không biết cũng tủi thân lắm. Tham gia lớp học này, em được phát sách, vở, bút viết miễn phí. Mỗi buổi học em còn được hỗ trợ 10 nghìn đồng. Em mong muốn biết chữ để học hỏi cách cách chăn nuôi hiệu quả, để sớm đưa gia đình thoát nghèo và phấn đấu làm giàu”.

Chương trình xóa mù chữ do Đồn Bộ đội Biên phòng Mường Lạn phối hợp với các đơn vị trường học đã cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết, giúp học viên bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả kỹ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản.

Sau khi theo học lớp xoá mù chữ, nhiều học viên đã biết đọc, viết.

Sau khi theo học lớp xoá mù chữ, nhiều học viên đã biết đọc, viết.

Không chỉ dạy chữ, cán bộ biên phòng còn cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với dân bản. Ngoài các giờ lên lớp giảng dạy cho học viên, các anh còn tham mưu củng cố hoạt động của ban quản lý bản; hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Trường PTDT bán trú tiểu học Mường Lạn cũng có nhiều đóng góp trong việc phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức các lớp xóa mù chữ. Cô giáo Lò Thị Hặc, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Mục tiêu của chúng tôi là giảng dạy cho các học viên có thể biết đọc, viết, tính toán ở mức đơn giản. Sau đó, học viên có thể sử dụng được ngôn ngữ, viết được chữ cái để phục vụ trong giao tiếp và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày khi cần thiết”.

Bản Huổi Pá nằm cách trung tâm xã khoảng 10 km.

Bản Huổi Pá nằm cách trung tâm xã khoảng 10 km.

Thiếu tá Lò Văn Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lạn cho hay: "Hàng năm, đơn vị thường xuyên kêu gọi và phối hợp với các nhà hảo tâm tặng sách vở, dụng cụ học tập cho các cháu học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giai đoạn 2012 - 2023, đơn vị đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp, Trường PT DTBT tiểu học Mường Lạn tổ chức tổng kết 8 lớp xóa mù chữ tại 7 bản, với 220 học viên. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai 2 lớp xóa mù chữ tại 2 bản Huổi Pá và Pá Kạch, với 80 học viên".

Mặc dù những học viên lớp học xóa mù chữ ở rẻo cao Huổi Pá, xã Mường Lạn đánh vần còn ngọng nghịu, chữ viết chưa đều, nhưng đó là sự nỗ lực của từng học viên và của các thầy giáo quân hàm xanh.

Mỗi học viên đều có chung ước mơ là được biết đọc, biết viết để hiểu thêm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước cũng như biết cách phát triển kinh tế gia đình hiệu quả để có cuộc sống tốt đẹp hơn và cái nghèo sẽ sớm được đẩy lùi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.