Kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam:

Chiến sĩ quân hàm xanh tiếp động lực học tập tới trò nghèo

GD&TĐ - Dù đóng quân ở địa bàn biên giới, hay biển đảo, những người lính quân hàm xanh vẫn luôn nỗ lực chăm lo, hỗ trợ cho HSSV nghèo đến trường...

Thiếu tá Huỳnh Nét tận tình hướng dẫn cho các em học sinh. Ảnh: BP
Thiếu tá Huỳnh Nét tận tình hướng dẫn cho các em học sinh. Ảnh: BP

Đỡ đầu học sinh nghèo

“Bằng sự kính trọng và lòng biết ơn, em viết thư này gửi đến các chú, các anh - những trái tim nhân hậu đã giúp đỡ em trong nhiều năm qua. Những món quà và số tiền tuy không lớn nhưng nhờ đó em đã mua được đồ dùng học tập, phục vụ cho việc đến trường...” - Đó là đoạn đầu lá thư của em Võ Văn Trọng (sinh năm 2004) trú tại ấp Trà Phọt, Phú Mỹ, Giang Thành (Kiên Giang) gửi đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Kiên Giang) khi em trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Tây Đô (TP Cần Thơ).

“Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Đồn Biên phòng Phú Mỹ giúp đỡ nhiều học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường. Tình cảm của người lính tiếp thêm động lực cho các em phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Hàng tháng, ngoài việc phân công cán bộ, chiến sĩ đến trao tiền cho các em, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em, nhất là những em bé thiệt thòi”. - Cô Đoàn Cao Bình An, giáo viên Trường Tiểu học Phú Mỹ, Giang Thành

Võ Văn Trọng là một trong hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn được những người lính Biên phòng Phú Mỹ nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm 2014 đến nay.

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết, đơn vị đứng chân trên địa bàn hai xã Phú Mỹ và Phú Lợi thuộc huyện Giang Thành, nơi có gần 50% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. So với mặt bằng chung trong toàn tỉnh, trẻ em trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Năm 2014, đơn vị phối hợp với UBND xã Phú Mỹ bắt đầu nhận đỡ đầu, hỗ trợ học sinh trên địa bàn, mỗi em 500 nghìn đồng/tháng, kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đóng góp. Nhờ đó, những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, phấn đấu trong học tập, hằng năm đều đạt học lực khá.

Từ đó đến nay, hàng năm đơn vị đều nhận đỡ đầu, hỗ trợ hàng chục học sinh trên địa bàn. Đặc biệt, hằng tháng, ngoài việc phân công cán bộ, chiến sĩ đến trao tiền cho các em, Đồn Biên phòng Phú Mỹ còn thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà trường động viên kịp thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học tập.

Theo Trung tá Danh Tâm, hiện nay trong số 15 học sinh nghèo được hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, có 9 em là người Campuchia khu vực giáp ranh của huyện Giang Thành. Hầu hết các em này đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như mồ côi, cha mẹ bệnh tật hoặc gia đình đông con. Vì vậy, đơn vị đã nhận đồng hành cùng các em từ khi còn nhỏ đến lúc ra trường. Như học sinh được nhận đỡ đầu trên địa bàn huyện Giang Thành, các em học sinh người Campuchia cũng được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng đến khi học hết lớp 12.

Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết thêm: “Ngay cả những khi cao điểm khó khăn của đợt dịch bệnh Covid-19, anh em trong đơn vị vẫn đau đáu nghĩ đến các con. Trong đợt dịch không kịp trao quà cho các con nên ngay sau khi hết giãn cách, chúng tôi tổ chức thăm hỏi gửi quà.

Việc trao tặng cho các con được 2 đồn Biên phòng Việt Nam và phía nước bạn Campuchia thực hiện rất ấm cúng. Các con được mời lên đồn Biên phòng nước bạn và nhận những suất quà bộ đội Biên phòng Việt Nam. Cha con gặp lại nhau sau thời gian dài, ai cũng mừng, tủi”.

Lãnh đạo Ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Biên phòng tại TP Hồ Chí Minh trao học bổng cho sinh viên: Ảnh: Trọng Hoài

Lãnh đạo Ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Biên phòng tại TP Hồ Chí Minh trao học bổng cho sinh viên: Ảnh: Trọng Hoài

Mở lớp dạy chữ Khmer

Vào dịp Hè hàng năm, Đồn Biên phòng Lai Hòa (Sóc Trăng) đã phối hợp với chùa Prêy Chóp, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu mở lớp dạy chữ Khmer cho học sinh trên địa bàn xã Vĩnh Tân và Lai Hòa ngay tại đơn vị. Riêng dịp Hè năm 2023, lớp học có 29 em là học sinh cấp tiểu học gồm dân tộc Khmer, Hoa, Kinh.

Lớp học được tổ chức vào buổi chiều các ngày trong tuần, cán bộ trực tiếp giảng dạy là Thiếu tá Huỳnh Nét, Đội trưởng tàu thuyền, Đồn Biên phòng Lai Hòa. Lớp học được tổ chức nền nếp, giáo viên giảng dạy theo giáo án của chương trình học tiếng Khmer lớp 1 và lớp 2, do Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu quy định.

Địa bàn xã Vĩnh Tân và Lai Hòa đồng bào Khmer chiếm 70% nên việc dạy chữ Khmer cho các em là rất thiết thực, đáp ứng sự mong mỏi của người dân. Việc Đồn Biên phòng Lai Hòa hỗ trợ cơ sở vật chất, nhân lực để mở lớp dạy chữ Khmer tại đơn vị trong dịp Hè 2022 và 2023 vừa qua đã nhận được sự đồng tình của bà con và các vị sư sãi trên địa bàn.

Bức thư xúc động của em Võ Văn Trọng sau 8 năm được Đồn Biên phòng Phú Mỹ nhận đỡ đầu.

Bức thư xúc động của em Võ Văn Trọng sau 8 năm được Đồn Biên phòng Phú Mỹ nhận đỡ đầu.

Theo chia sẻ của Thiếu tá Huỳnh Nét, lớp học tập hợp học sinh nhiều độ tuổi, nhiều cấp lớp khác nhau. Đề cương giảng dạy có 68 nội dung bài giảng, chia làm 4 tuần học, mỗi ngày học từ 5 đến 6 nội dung.

“Là một cán bộ người Khmer, được sự phân công của Ban Chỉ huy đơn vị trực tiếp lên lớp dạy cho các em, tôi thấy rất vinh dự. Do đó, tôi luôn tích cực nghiên cứu, soạn giáo án một cách khoa học để làm sao giúp các em có thể tiếp thu bài học một cách nhanh nhất. Hoạt động này cũng tạo mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa cán bộ Biên phòng với nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân”, Thiếu tá Huỳnh Nét bày tỏ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lai Hòa cho biết: “Ngoài việc dạy chữ Khmer cho các em học sinh, đơn vị còn tổ chức lớp học tiếng Khmer cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Mỗi tuần sẽ có 2 buổi chiều dành riêng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, chiến sĩ chưa biết. Chúng tôi duy trì thường xuyên lớp học tiếng Khmer tại đơn vị nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp với đồng bào, giúp cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ ở địa bàn, gắn kết sâu sắc thêm nghĩa tình quân dân”.

Ngoài nhận đỡ đầu 15 học sinh người Việt Nam và Campuchia, Đồn Biên phòng Phú Mỹ còn nhận nuôi một học sinh nghèo ngay tại đơn vị. Ảnh: Hồ Phúc

Ngoài nhận đỡ đầu 15 học sinh người Việt Nam và Campuchia, Đồn Biên phòng Phú Mỹ còn nhận nuôi một học sinh nghèo ngay tại đơn vị. Ảnh: Hồ Phúc

Chắp cánh cho giấc mơ giảng đường

Không chỉ trong quá trình công tác mà khi nghỉ hưu những người lính Biên phòng vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực và nhân văn sâu sắc dành cho học sinh. Trong đó phải kể đến chương trình trao trợ cấp học bổng “Vì nghĩa tình đồng đội” của Ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Biên phòng tại TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, vào tháng 10 hoặc 11 hàng năm, cựu chiến binh Biên phòng thuộc Ban liên lạc sẽ tổ chức trao học bổng cho các em sinh viên, là con của các cựu chiến binh Biên phòng khu vực phía Nam (từ Bình Định, Kon Tum trở vào), đang học tại các trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Theo ông Hoàng Trọng Hoài, Phó Ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Biên phòng tại TP Hồ Chí Minh, chương trình trao trợ cấp học bổng “Vì nghĩa tình đồng đội” là hoạt động nghĩa tình của Ban liên lạc và được tổ chức thường niên. Từ năm 2007 đến nay, Ban liên lạc đã trao gần 1.700 suất học bổng cho các em sinh viên là con của cựu chiến binh với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban liên lạc còn tặng 70 xe đạp và 850 bộ bàn ghế cho học sinh các địa bàn biên giới phía Nam...

“Ngày xưa, chúng tôi là đồng đội, gắn bó, đồng cam cộng khổ với nhau trong mấy chục năm quân ngũ. Có người còn tham gia chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giữ gìn đường biên, cột mốc, sự bình yên của nhân dân. Cũng có nhiều người chuyển ngành hoặc phục viên, về hưu.

Chia tay nhau, trở về với đời thường, mỗi người sống mỗi nơi, nhiều người may mắn, có cuộc sống ổn định, cũng có không ít người gia cảnh gặp khó khăn. Đã từng là đồng chí, đồng đội, “của ít lòng nhiều”, chúng tôi muốn hỗ trợ, san sẻ với nhau. Trợ cấp học bổng là một trong hàng chục hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội” mà Ban liên lạc đã và đang triển khai hàng chục năm qua”, ông Hoàng Trọng Hoài chia sẻ.

Là một trong những sinh viên được nhận trợ cấp học bổng của cựu chiến binh Biên phòng vào cuối tháng 10 vừa qua, em Bùi Ngọc Ánh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường, nhiều cô, chú vẫn gắng sức làm cầu nối nghĩa tình giữa các nhà hảo tâm đến với những gia đình đồng đội ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn và giúp đỡ chúng em.

Em rất xúc động khi được nhận trợ cấp học bổng. Đây là món quà rất ý nghĩa mà các bác, các chú đã trao cho thế hệ trẻ. Chúng cháu hứa sẽ ra sức học tập, rèn luyện, noi gương các cựu chiến binh”.

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phó Trưởng ban liên lạc Truyền thống Bộ đội Biên phòng tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc vận động trao trợ cấp học bổng là nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với các sinh viên là con, cháu các cựu chiến binh.

Một suất trợ cấp học bổng tuy giá trị nhỏ, nhưng được gửi gắm nhiều tình cảm và kỳ vọng lớn. Ban liên lạc mong muốn các sinh viên hiểu được ý nghĩa đó, phát huy truyền thống gia đình và các thế hệ đi trước để phấn đấu vươn lên, không ngừng tiến bộ trong học tập và rèn luyện”.

Hiện nay, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với ngành Giáo dục và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì trên 30 lớp học xóa mù chữ, lớp học tình thương, với gần 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác quản lý, hỗ trợ giảng dạy. Bên cạnh đó những người lính Biên phòng còn vận động hơn 6.000 học sinh bỏ học trở lại trường.

Đặc biệt thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” từ năm 2016, hằng năm, các đơn vị hỗ trợ hơn 3.000 học sinh với mức 500 nghìn đồng/tháng đến khi học hết lớp 12; các đồn Biên phòng trực tiếp nhận nuôi gần 400 học sinh tại đơn vị. Đến nay, tổng kinh phí cho chương trình khoảng gần 100 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.