Chấm dứt "nạn" văn mẫu: Để không "ngắt ngọn, bỏ gốc"

GD&TĐ - Để thực hiện tốt CTGDPT 2018 với những mục tiêu hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học, chúng ta cần chấm dứt nạn văn mẫu đúng như tinh thần quán triệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Hoạt động ngoại khóa môn Ngữ văn tại Trường THPT Kim Sơn A- Ninh Bình. Ảnh: NTCC
Hoạt động ngoại khóa môn Ngữ văn tại Trường THPT Kim Sơn A- Ninh Bình. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản và cần những nhận thức đúng đắn cũng như các giải pháp đồng bộ. Nhà giáo Nguyễn Quỳnh Anh (Trường THPT Kim Sơn A - Ninh Bình) trao đổi về vấn đề này trên Báo GD&TĐ.

Không áp đặt kiến thức

Về thực trạng việc giảng dạy và học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông nhiều năm gần đây do mục tiêu, phương pháp giáo dục, việc kiểm tra, đánh giá học sinh dẫn đến tình trạng lạm dụng văn mẫu từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Trong các dạng văn mẫu, chúng ta dễ nhận ra hai hình thức cơ bản là: Bài văn hoàn chỉnh và dàn ý chi tiết. Kiểu thứ nhất là một bài văn có sẵn, học sinh chỉ cần học thuộc để kiểm tra, thi cử, kiểu bài này thường diễn ra ở cấp dưới.

Kiểu bài thứ hai là một dàn ý chi tiết với những định hướng kiến thức có sẵn, mang tính khuôn mẫu, áp đặt, có nhà nghiên cứu gọi là “đồng phục tư duy”, học sinh chỉ cần thêm thắt từ ngữ để diễn đạt lại thành bài văn hoàn chỉnh.

Chính vì điều đó nên khi chấm bài giáo viên lại chấm lại chính những điều mình truyền đạt, học sinh cứ theo những định hướng có sẵn để làm bài sẽ được điểm cao. Nhìn chung, dù kiểu văn mẫu nào cũng dễ triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh, đã có nhiều câu chuyện bi hài xung quanh chuyện văn mẫu như “Nhà em có nuôi một ông nội…” hay cháu của nhà văn nọ khi làm bài về chính tác phẩm của ông mình đã nhờ ông giảng giải rõ hơn để làm bài lại bị cô giáo phê “không hiểu ý tác giả”.

Nhiều người cho rằng, chỉ cần thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp của Bộ hàng năm là có thể chấm dứt nạn văn mẫu. Nếu như vậy, chúng ta mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Để làm được việc này theo tôi cần có những giải pháp căn cốt, đồng bộ và xuyên suốt trong cả các cấp học.

Trước hết, đối với giáo viên cần mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học từ việc truyền thụ kiến thức sang định hướng năng lực, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Cần nắm rõ hệ thống lý thuyết tiếp nhận, coi người học cũng chính là đối tượng tiếp nhận văn học, như vậy cùng một tác phẩm văn học nhưng với nhiều người đọc khác nhau có thể cho những mã nghĩa khác nhau, giáo viên không phải là người áp đặt kiến thức cho học sinh, mà chỉ cần những định hướng nhất định, chấp nhận những cách hiểu khác nhau của học sinh.

Cần khuyến khích những học sinh có tư duy độc lập, có tranh luận, phản biện trong hoạt động dạy học có như vậy chúng ta mới tránh được lối truyền thụ kiến thức một chiều, học sinh tiếp thu một cách thụ động, máy móc, không có sự sáng tạo.

Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Cần thay đổi tận gốc phương pháp dạy học Ngữ văn theo hướng dạy học đọc hiểu văn bản (không riêng gì văn bản văn học) và làm văn sáng tạo. Sức ỳ của lối dạy giảng văn, ‘nhá chữ’ xưa cũ rất nặng nề.

Nhiều thầy cô thích khoe tài giảng hay, nói khéo, nói ngọt trên lớp, mà không thấy rằng tài năng đích thực của thầy cô thể hiện ở chỗ dạy cho học trò có năng lực đọc hiểu được văn, viết được bài làm văn có ý riêng sáng tạo.

Thầy cô nói hay cũng có tác dụng truyền cảm hứng cho các em, nhưng nói càng nhiều thì càng ức chế sức suy nghĩ tưởng tượng của các em. Các em thấy không có gì để nói thêm nữa, thế là chỉ có cách học mẫu của thầy mà thôi”.

Bản thân mỗi giáo viên cũng cần tuyên truyền đến học sinh để học sinh có thay đổi trong tư duy, nhận thức, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong giờ học Ngữ văn.

Giáo viên cũng cần thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá đối với chính môn học của mình bởi chính giáo viên là người tham gia vào khâu kiểm tra, đánh giá học sinh, phải tránh cách hỏi mang tính học thuộc lòng, “học vẹt”, cần xây dựng những bộ công cụ đánh giá khoa học, khách quan phù hợp với mức độ tư duy, nhận thức của đối tượng học sinh.

Trong kiểm tra đánh giá cần có sự công bằng, cần khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, có ý tưởng mới.

Những sáng tạo dễ… bị điểm thấp

Đối với các cấp quản lý giáo dục từ các nhà trường đến phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT cần mạnh dạn thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong nhiều năm gần đây thực trạng “học gì thi nấy” cùng căn bệnh thành tích đã dẫn đến nạn văn mẫu diễn ra khá phổ biến.

Việc ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng với môn Ngữ văn những năm qua đã có nhiều thay đổi với phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội ở ngoài chương trình, chiếm 50% số điểm bài thi đã phần nào chấn chỉnh nạn văn mẫu.

Hay cách ra đề thi tuyển sinh lớp 10 của TPHCM những năm gần đây cũng tạo sự chuyển biến tích cực khi trong đề thi kết hợp được cả kênh chữ và kênh hình nhằm phát huy tư duy sáng tạo của học sinh cũng như tránh lối “học vẹt”.

Cần tiếp thu và rút kinh nghiệm từ cách ra đề của các nước trong khu vực và thế giới để có thể đổi mới hơn nữa trong thi cử, kiểm tra. Tuy nhiên với phần Nghị luận văn học vẫn gắn với những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn, việc đặt câu hỏi và đáp án đóng khung cứng nhắc nên cũng khó tránh khỏi tình trạng nhiều bài văn ra đời cùng một khuôn, học sinh có những sáng tạo riêng thường dễ bị điểm thấp.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo cho rằng chỉ cần thay đổi cấu trúc đề thi với một văn bản tương đương ngoài SGK thì sẽ chấm dứt nạn văn mẫu. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy, đây là vấn đề không hề đơn giản bởi lựa chọn văn bản như thế nào, dung lượng ra sao nhất là đối với tác phẩm truyện, kịch.

Hơn nữa với thời gian làm bài, tính chất, mức độ của kỳ thi, đảm bảo quyền lợi cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn cũng như đảm bảo Luật Giáo dục cũng cần có những cân nhắc thật cụ thể, khoa học, thiết thực.

Việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài qua các môn học cũng như với môn Ngữ văn, đặc biệt ở các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng cần thiết thực, không biến những học sinh có năng lực Ngữ văn thành những con “gà chọi” để thi đấu cùng những bài văn của các thầy cô ôn luyện và “xong xuôi tất cả lại ra về”.

Cần làm thế nào để qua mỗi kỳ thi chúng ta lựa chọn được nhân tài thực học, thực tài, bồi dưỡng tiếp để phát triển năng lực đóng góp cho xã hội, gắn kiến thức sách vở với thực tế để kiến thức trở nên hữu ích hơn trong đời sống.

Cần có những nghiên cứu đánh giá, tổng kết, hội thảo khoa học để đánh giá, rút kinh nghiệm sau một số năm hoặc một giai đoạn cụ thể về hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi với việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương hay đất nước.

Các kỳ thi chọn học sinh giỏi cần tổ chức sao cho thiết thực, hiệu quả để chọn được người thực học, thực tài tránh thành tích và lãng phí tiền của ngân sách cũng như của nhân dân.

Việc thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá không chỉ cần ở cấp Bộ mà phải từ các giáo viên, các nhà trường, các phòng GD&ĐT, các sở GD&ĐT có như vậy ta mới chấm dứt nạn văn mẫu.

Chủ động chiếm lĩnh tri thức

Ảnh minh họa: Thế Đại
Ảnh minh họa: Thế Đại

Với bản thân người học cần chủ động, tích cực lĩnh hội tác phẩm văn học, phải trau dồi năng lực đọc hiểu, năng lực tư duy sáng tạo, không thụ động mà cần tích cực nắm bắt, vận dụng các kiến thức, kỹ năng. Tránh lối học vẹt, học máy móc mà phải chủ động chiếm lĩnh tri thức.

Bản thân mỗi học sinh cần có ý thức tự giác học tập, tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập, được tự đánh giá và tham gia đánh giá lẫn nhau. Học sinh cần chủ động đề xuất ý tưởng của mình, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của giáo viên, người thân, bạn bè để xây dựng những dự án học tập, những bài tiểu luận, những ý tưởng khoa học… để tạo hứng thú trong quá trình học tập.

Học sinh cần trang bị những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác trong học tập, biết sử dụng và khai thác các thiết bị, dụng cụ học tập, nhất là khai thác công nghệ thông tin để phục vụ quá trình chiếm lĩnh tri thức.

Với môn Ngữ văn, việc nâng cao chất lượng đọc là rất quan trọng, ngoài việc đọc các tác phẩm được giảng dạy trong chương trình còn cần đọc thêm các tác phẩm ngoài chương trình, đọc các sách, báo nghiên cứu, phê bình văn học để mở rộng kiến thức cũng như nâng cao chất lượng học tập. Có như vậy, chúng ta mới phát huy hết tính tích cực của học sinh trong học tập Ngữ văn.

Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cần có những tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tránh học vẹt, tránh nạn văn mẫu. Các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà xuất bản, đơn vị làm sách cần xây dựng những tư liệu học tập bộ môn Ngữ văn thay vì các sách văn mẫu, các bài tham khảo ăn theo chương trình SGK các cấp.

Chúng ta đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc đổi mới phương pháp giảng với các môn học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng là rất cần thiết, một trong những việc cần làm ngay lúc này chính là việc chấm dứt nạn văn mẫu.

Mặt khác, môn Ngữ văn là môn học góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh nên hơn bao giờ hết mỗi giáo viên phải là người tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với mục tiêu chương trình cũng như xu thế thời đại có như vậy chúng ta mới đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của Chương trình trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần hình thành một lớp người học chủ động, sáng tạo trong chiếm lĩnh tri thức và hội nhập quốc tế.

Đúng như tinh thần truyền đạt của GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - cho rằng: “Chương trình được xây dựng nhằm chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực cho người học.

Nếu như chương trình trước đây trả lời câu hỏi: “Học xong học sinh biết được những gì?” thì chương trình này trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.