Phát hiện những nhân tố nổi bật
Trong những năm gần đây, việc bồi dưỡng và ra đề thi đánh giá chất lượng học sinh giỏi, đặc biệt ở các môn mang tính xã hội như Ngữ văn luôn được chú trọng. Cô Lê Thị Tuyết - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Muốn biết học sinh nào có tố chất về văn học cần cho làm đề mở để phát huy sáng tạo. Những bài chỉ tái hiện kiến thức đã học thì mới coi là hoàn thành ở mức cơ bản, còn những học sinh có khả năng văn chương là người thể hiện tốt cảm thụ của bản thân và tìm kiếm được sự khác biệt trong tác phẩm”.
Nhắc đến môn Ngữ văn, học sinh thường nghĩ ngay đến những yêu cầu phân tích tác giả, tác phẩm. Nhưng đối với những học sinh của đội tuyển, đề thi lại hoàn toàn khác. Đó là những đề thi mở, yêu cầu học sinh vận dụng toàn bộ kiến thức, khả năng ngôn ngữ, sức sáng tạo và tư duy phản biện tốt để hoàn thành bài làm.
Theo cô Tuyết, một bài văn hay không chỉ yêu cầu ở khả năng viết tốt mà hơn cả là cách các em đưa ra ý kiến cá nhân và lập luận chặt chẽ để thuyết phục người đọc. Nếu xem xét đề thi học sinh giỏi môn Văn có thể nhận thấy khuynh hướng ra đề thi không có nhiều thay đổi so với các mẫu đề cơ bản giảng dạy. Đề không có đột biến nhưng học sinh có cách viết đột phá thì đó chính là những nhân tố ưu tú mà giáo viên lựa chọn để bồi dưỡng.
Có 17 năm kinh nghiệm trong việc ôn luyện và phụ trách đội tuyển học sinh giỏi văn quốc gia, cô Tuyết đồng ý với quan điểm loại bỏ văn mẫu nhưng không được thiếu việc xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.
“Những bài văn mẫu dù có hay đến mấy cũng chỉ là tài liệu tham khảo của người đi trước, nếu đem vào bài làm của mình chẳng khác nào đạo văn. Nhưng vẫn phải đọc thật nhiều những bài văn mẫu để có được cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về một vấn đề. Nếu chỉ học văn theo sách giáo khoa thì không đủ, học sinh phải đọc thêm rất nhiều loại sách khác nhau để bổ sung kiến thức cho mình. Mỗi học sinh giỏi cần phải dựa trên những thứ đã học và tích lũy kinh nghiệm cá nhân để làm người đồng sáng tạo, sáng tác lại tác phẩm của nhà văn theo cách riêng”, cô Tuyết chia sẻ.
Để có thể lựa chọn ra những hạt giống ưu tú đã khó, việc vun đắp cho những hạt giống ấy nảy mầm còn khó hơn. Ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng nền, giáo viên phải kiểm tra các năng lực văn của học sinh. Năng lực văn gồm sự sáng tạo về cảm thụ, tư duy logic và khả năng quan sát, là hoạt động mang tính đặc thù trong tiếp nhận đòi hỏi sự nhạy bén, sâu sắc, phong phú trong cách nhìn, cách cảm của học sinh về thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Dạy văn - rèn người
Ngữ văn là môn học có tính nghệ thuật, để không tạo ra một thế hệ rập khuôn, máy móc, phải thay đổi trước tiên là nói không với việc học thuộc lòng văn mẫu, dạy viết văn hay.
Cô Đỗ Thị Hằng - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Việc truyền cảm hứng, khơi gợi sáng tạo cho học sinh rất quan trọng. Điều đầu tiên phải giúp các em phải thấy được cái hay, cái đẹp của môn học sau đó khám phá thế giới nội tâm của con người, những bí ẩn của cuộc sống từ trong những trang sách, mỗi tác phẩm văn học. Một điều quan trọng nữa, giáo viên dạy văn phải là người yêu cái đẹp, có ngọn lửa đam mê văn học. Có như vậy, giáo viên mới khơi gợi được cảm hứng cho học sinh”.
Ở chương trình cũ chú trọng đến kiến thức và vai trò của người dạy, hoạt động trả bài của học sinh chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận được những điều mà thầy cô cung cấp. Còn với chương trình mới, học sinh lại trở thành chủ thể sáng tạo, còn giáo viên chỉ là người dẫn dắt trên cơ sở những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng mang tính chất gợi ý. Qua đó, giáo viên làm sáng tỏ những phẩm chất, năng lực mà học sinh cần đạt tới.
Nhưng điều này cũng đặt ra không ít trở ngại cho giáo viên khi luôn phải suy nghĩ để khơi dậy năng lực của mỗi học sinh. Nhiều năm đứng lớp cô Tuyết nhìn nhận: Có không ít học trò thờ ơ với môn học này, hoặc học theo kiểu đối phó, thiếu cảm xúc.
“Chuyển từ dạy học theo nội dung sang phát triển phẩm chất và năng lực, học sinh sẽ dễ dàng phát huy được tiềm năng của bản thân. Nhưng đồng thời cũng sẽ có thêm nhiều học sinh đi lại lối mòn tư duy văn mẫu vì cảm thấy khó khăn khi tự mình làm chủ thể sáng tạo. Chắc chắn giáo viên cần lựa chọn phương pháp giảng dạy cho phù hợp, kể cả cách ra đề và chấm bài cũng phải thay đổi để học sinh không còn phụ thuộc vào văn mẫu”, cô Tuyết khẳng định.