Cha mẹ hại con khi ép học tiếng Anh qua YouTube

PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ trong thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng não bộ, căng thẳng, không tiếp nhận được thông tin mới.

Cha mẹ hại con khi ép học tiếng Anh qua YouTube

Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, Phát triển Tiềm năng Con người Việt Nam, nhiều phụ huynh mắc sai lầm khi cho con sử dụng quá nhiều điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Không ít phụ huynh, với kỳ vọng con mình phải nói tiếng Anh hơn tiếng Việt, đã cho trẻ xem nhiều video dạy ngoại ngữ trên YouTube từ khi các em còn nhỏ.

Việc lạm dụng các thiết bị công nghệ này trong thời gian dài, cũng như ép con học ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ, có thể khiến trẻ bị loạn ngôn ngữ.

Cha mẹ dạy sai cách, con bị loạn

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - giải thích tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ nhất, được học theo kiểu truyền miệng, người lớn nói nhiều, trẻ học hỏi và bật ra thành ngôn ngữ.

Ngoại ngữ là công cụ để trẻ hoạt động, sinh sống tốt hơn. Trẻ có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ tuổi nào. Nhưng tiếng mẹ đẻ mới là gốc, cần có nền tảng vững chắc.

“Nếu đứa trẻ không nói tiếng mẹ đẻ mà nói ngôn ngữ khác là điều không bình thường, gọi là loạn ngữ”, TS Hương giải thích.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho hay trẻ nhỏ có thể tiếp thu nhiều ngôn ngữ bởi giai đoạn này não phải phát triển, có thể cập nhật thông tin và ghi nhận hình ảnh mang tính chất chụp hình. Các nhà nghiên cứu về giáo dục học, thần kinh học trên thế giới đều khẳng định quan điểm này là đúng.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cảnh báo người lớn cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các em

Tuy nhiên, sai lầm của nhiều phụ huynh là quá lạm dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng cho con xem, thậm chí là để học ngoại ngữ. Video trên mạng chỉ phát ra tiếng nói, hình ảnh, mà không có sự tương tác ngược lại giữa con người với con người. Thời gian lạm dụng quá nhiều dẫn đến việc trẻ bị loạn ngữ.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cảnh báo khi lạm dụng thiết bị công nghệ trong thời gian kéo dài, nó sẽ tác động xấu đến não bộ, tạo căng thẳng, khiến trẻ không tiếp nhận được thông tin mới. Việc kết nối của các tế bào thần kinh bị đứt đoạn.

Từ đó, các chuyên gia khẳng định trẻ học ngoại ngữ cần được giao tiếp và thực hiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cha mẹ chỉ cho con xem video qua mạng để học tiếng Anh là chưa đúng và có thể phản tác dụng.

Cha mẹ nên đồng hành cùng con

Anh Đào Xuân Hoàng - người sáng lập chương trình học tiếng Anh cho trẻ em - kể nhiều phụ huynh mong muốn con học tốt ngoại ngữ nhưng lại coi YouTube như “bảo mẫu”. Thông tin từ mạng rất khó kiểm soát, gây nguy hiểm. Hơn nữa, với cách học thụ động, trẻ chỉ ngồi xem, lắng nghe sẽ tạo cách nghĩ, thói quen không linh hoạt. 

Hiện tại, nhiều phương pháp, công cụ hỗ trợ trẻ học tiếng Anh hiệu quả. Tuy nhiên, bố mẹ cần là người thầy tốt để lựa chọn, đồng hành cùng con, chứ không phải giao con mình cho "thầy YouTube" mà không có tương tác, định hướng.

“Bố mẹ cần biết thời điểm nào, nội dung gì và cách thức ra sao khi học ngoại ngữ sẽ phù hợp con mình. Việc học cùng con thông qua các trò chơi và sử dụng nhiều giác quan sẽ đạt hiệu quả", anh Hoàng nói.

Theo anh Hoàng, mỗi trẻ, tùy vào lứa tuổi và nội dung tiếp cận, sẽ có thời gian học hợp lý. Tuy nhiên, nhìn chung, trẻ có thể sử dụng công nghệ 15 phút mỗi ngày; nếu dùng liên tục trong 2 giờ, sẽ gây tác hại xấu.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm - nguyên giảng viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội - nêu quan điểm để con học tốt tiếng Anh, cha mẹ có thể cho tiếp xúc từ sớm, đúng cách. Điều đó khiến các bé có thể nói tự nhiên như người bản ngữ.

Theo TS Lâm, người Việt sẽ tư duy khi nói về có gái không đẹp là: “Tôi không thấy cô ấy đẹp”. Người Anh không tư duy theo cách đó, họ sẽ nói: “Tôi không nghĩ rằng cô ấy đẹp”.

Khi đã nghe quen phát âm chuẩn tiếng Anh, phụ huynh cho trẻ tiếp xúc mở rộng sang các giọng vùng miền như Anh - Ấn, Anh - Singapore, Anh - Philippine, Anh - Mỹ, Anh - Australia… Các em sẽ nhận ra sự chênh về màu sắc, giọng nói và có khả năng hiểu được cách nói tiếng Anh từ những  nơi khác nhau trên thế giới.

TS Lâm cho hay nhiều cha mẹ không chỉ dạy sai cách khi cho con học trên mạng, mà còn chọn các trung tâm kém chất lượng vì tâm lý sính ngoại. Nhiều phụ huynh chỉ cần nhìn thấy giáo viên nước ngoài là yên tâm nhưng có thể họ thiếu trình độ sư phạm. Thậm chí, một câu tiếng Anh chuẩn, họ cũng không biết phải giải thích với học sinh như thế nào.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.