Cha mẹ “đấu khẩu”, con trẻ sẽ “đấu đá”

GD&TĐ - Trong cuộc sống vợ chồng, dù có hạnh phúc đến đâu cũng không tránh được lúc bất đồng quan điểm. Có người biết kiềm chế để cơn giận dữ qua đi, nhưng cũng có người không làm được điều đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơn cãi vã đến đỉnh điểm sẽ dẫn đến gây gổ, đánh nhau. Nếu con cái chứng kiến việc này thì cha mẹ đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ.

Bất an từ…nhà

Khi hạnh phúc, cha mẹ dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho con. Vì thế, gia đình luôn tràn ngập tình yêu thương, sự che chở. Ngược lại, khi cha mẹ xung đột, nhẹ thì cãi nhau, nặng thì có những hành động bạo lực, lúc này dù được chứng kiến hay không, con trẻ đã ít nhiều bị ảnh hưởng.

Bởi, nếu cãi nhau, cha mẹ còn đang “bận” giận dỗi nửa kia, không có nhiều thời gian quan tâm đến con. Hoặc có quan tâm thì cũng không trọn vẹn với không khí cả gia đình quây quần, đầy tiếng cười như lúc vui vẻ.

Chưa kể đến, nếu không tiết chế được cảm xúc, cha mẹ còn có xu hướng đổ những bực dọc trong người lên đầu con. Bởi, sự ức chế không được giải tỏa, không biết trút lên ai.

Nặng hơn, cuộc xung đột không dừng lại ở “đấu khẩu” mà chuyển sang “đấu đá”, thì ắt hẳn con trẻ sẽ chịu hậu quả nặng nề về cảm xúc. Ngoài cảm giác hoảng sợ, con trẻ còn thấy bất an ngay trong chính ngôi nhà của mình, khi mà trước đó còn rất ấm áp. Dần dần, trẻ có cảm giác mất niềm tin vào cuộc sống và “ám ảnh” với những hành vi bạo lực.

Cô giáo Nguyễn Hương Trà – Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (HN) chia sẻ: “Khi làm chủ nhiệm của học sinh lớp 1 cách đây 10 năm, tôi đặc biệt chú ý đến một học sinh nam.

Đầu năm, con học rất tốt, tập trung và được các bạn quý mến. Thời gian sau, thấy sức học sa sút, lại thường chán nản và dễ cáu giận, tôi chỉ nghĩ do cha mẹ bận nên không quan tâm đến con.

Nhưng càng ngày, sự việc càng trầm trọng hơn khi con không ăn uống, hoặc có những ngày ăn rất nhiều như một cách trút giận vào thức ăn, tôi đã chuyện trò và được biết, thời gian này, em đã chứng kiến nhiều cuộc cãi nhau của bố mẹ và gần đây còn đánh nhau. Chính điều này đã khiến em luôn cảm thấy bất an ở bất cứ đâu và thấy không có gì đáng tin”.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ từ 6 tháng tuổi đến cả khi trưởng thành đều nhạy cảm với các vấn đề trong cuộc sống hôn nhân của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ thường xuyên có hành động bạo lực khiến trẻ sợ hãi, bất an vì không biết khi nào gia đình sẽ tan vỡ.

Hơn nữa, cuộc sống chứng kiến bạo lực còn khiến trẻ suy giảm khả năng nhận thức, có nhiều cảm xúc tiêu cực, rối loạn tiêu hóa do chán ăn hoặc ăn quá nhiều, tâm trạng bồn chồn, lo lắng...

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thể chất cũng như tình thần dẫn đến kết quả học tập sa sút, nặng hơn có thể bị trầm cảm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi tính cách hình thành từ môi trường sống

Có nhiều cha mẹ dù bình thường luôn hiểu được rằng cãi nhau hay bạo lực trước mắt con sẽ gây ra hệ lụy lớn. Thế nhưng, khi cơn nóng giận lên, họ chỉ nghĩ cách để “xả cục tức” mà bỏ quên việc con sẽ ra sao.

Anh Nguyễn Thế Hưng (cán bộ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel) chia sẻ: “Lần hối hận nhất trong cuộc đời tôi có lẽ là để con chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau to rồi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Tuy rằng, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất chúng tôi có hành vi như vậy, nhưng con trai đã nhìn thấy và ám ảnh kéo dài.

Mặc dù đã dành tình yêu thương để xoa dịu nỗi hoảng sợ đó nhưng con vẫn luôn nhắc lại “có lần bố đánh mẹ”. Cũng từ đó, tôi nhận ra, con ít khi nói về gia đình mình hạnh phúc như thế nào, vui vẻ ra sao. Dường như đối với con trẻ, sự tổn thương về cảm xúc rất khó để chữa lành”.

Khi trẻ còn nhỏ, nỗi buồn cha mẹ bất hòa không chỉ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực với cuộc sống, mà còn hình thành hành vi ứng xử bạo lực với người xung quanh.

ThS Nguyễn Quỳnh Hoa – Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chuyên gia tư vấn tâm lý và giảng hòa hôn nhân cho biết: “Một gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, lâu ngày cũng sẽ dẫn đến bạo lực, rồi thành bi kịch.

Một đứa trẻ sống với người bố có xu hướng bạo lực, người mẹ thường xuyên quát mắng khi lớn lên sẽ có hành vi lệch lạc về thái độ sống cũng như ứng xử với người xung quanh.

Ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến khi lớn lên, luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân. Có nhiều trẻ dần khép mình, sống nội tâm dẫn đến trầm cảm.

Cũng có trẻ có xu hướng lặp lại những gì ám ảnh trong đầu, có hành động bạo lực với bạn bè, anh em, người xung quanh giống như chúng đã từng chứng kiến. Vì vậy, cha mẹ đánh cãi nhau không chỉ ảnh hưởng tới hạnh phúc của riêng hai người mà còn gây ra vô số tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tương lai của con cái”.

Có lẽ, hầu hết những người làm cha, làm mẹ đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Và trong số họ nhiều người hiểu rằng xây dựng gia đình trong ấm ngoài êm sẽ giúp con sống hạnh phúc.

Thế nhưng, chỉ một vài giây phút không tiết chế được cảm xúc, mọi thứ bộc lộ ra bằng các cuộc khẩu chiến thậm tệ, những lời nói không nên nói và cả những hành động không nên có cũng “tung” ra hết.

Và sau cơn tức giận ấy, tình cảm gia đình giảm sút một chút, trẻ bị ảnh hưởng một chút. Cho đến khi sự việc trở lên thường xuyên, người chịu ảnh hưởng nặng nề vẫn là những đứa trẻ.

Tất nhiên, hôn nhân không có mâu thuẫn cũng không phải dễ dàng, điều quan trọng, cha mẹ cần thống nhất với nhau nên ngồi xuống trao đổi, nói lên suy nghĩ của mình thay vì nổi nóng trước mặt con. Và những cuộc nói chuyện đó, cũng nên ở nơi mà đảm bảo rằng con không nghe được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ