Tôi nhớ cách đây đã lâu, có lần tôi đến thăm nhà người dì. Gặp tôi, bà phàn nàn về cậu con trai 12 tuổi ngày càng khó bảo, dạo này chỉ ham đi học võ, bỏ cả việc học đàn và ngoại ngữ.
Đợi lúc dì tôi bước ra khỏi phòng, cậu em họ mới thì thầm vào tai tôi: “Học võ thích lắm chứ không ngán như học đàn, học Anh văn đâu. Mà chị có biết em học võ để làm gì không? Để mỗi lần ba đánh mẹ là em sẽ nhảy vào đánh lại ba. Em ghét ba em lắm!”. Tôi thật sự sửng sốt trước những lời lẽ của cậu em họ, không ngờ em lại có suy nghĩ lạ lùng như vậy.
Khi nghe tôi kể lại, dì tôi thở dài nói: “Từ ngày ông ấy lên chức giám đốc lại sinh tật bồ bịch lăng nhăng. Dì mà nói động tới là bị ông ấy chửi đánh liền. Chuyện lục đục ở nhà dì diễn ra như cơm bữa, dì cũng quen rồi, mà dì có xúi bẩy nó ghét bỏ cha nó đâu, sao nó lại nảy ra cái trò đi học võ để đánh lại ông ấy?”.
Mấy năm sau này, tình trạng lục đục trong gia đình dì tôi ngày càng trầm trọng, còn cậu em họ đã trở thành một đứa con ngỗ ngược, hay quậy phá và rất coi thường cha mẹ.
Điều dễ nhận thấy ở những gia đình có sự bạo hành là con cái của họ thường mang tâm lý bất ổn, tính nết trở nên cộc cằn nóng nảy, có lối cư xử thô bạo để giải quyết mọi bất đồng mâu thuẫn với bạn bè và những người xung quanh. Một số trẻ lại trở nên tự ti rụt rè, luôn thu mình vào một thế giới riêng, lớn lên các em rất khó hòa nhập với đời sống xã hội.
Còn đối với những trẻ là nạn nhân trực tiếp của sự bạo hành trong gia đình thì hậu quả còn tồi tệ hơn. Việc học hành của các em ngày càng chểnh mảng, không ít trường hợp bỏ học bỏ nhà, gia nhập các băng nhóm, bị xô đẩy trở thành những kẻ trộm cắp, cướp giật, mại dâm, ma túy... Theo số liệu thống kê, trong số trẻ vị thành niên phạm pháp, có nhiều em sống trong gia đình không hòa thuận hoặc bị ngược đãi.
Hùng 16 tuổi đang học lớp 11. Chán cảnh cha bồ bịch, mẹ ghen tuông, không khí gia đình căng thẳng, Hùng ngày càng chểnh mảng việc học hành. Em cùng mấy bạn trong lớp hay trốn học la cà ở quán cà phê hoặc chơi bi da. Từ một học sinh khá trong lớp, kết quả học tập của Hùng ngày càng sa sút mà cha mẹ em vẫn không hay biết. Đến khi cô chủ nhiệm lớp liên lạc với gia đình thì cha mẹ em mới giật mình lo lắng.
Mẹ Hùng rất hối hận, thời gian qua vợ chồng chị thường xuyên xảy ra xung đột mà không quan tâm tới việc học hành của con.
Chị buồn rầu nói với chồng: “Chúng ta nên ly hôn, em không giữ được chồng thì phải giữ được con. Để con chứng kiến cảnh cha mẹ xô xát khiến nó chán nản bỏ bê việc học hành, rồi sa chân vào con đường hư hỏng, khi đó có hối cũng không kịp”.
Nghe vậy, người chồng hoảng vía, anh chưa lúc nào có ý định bỏ vợ con, chuyện bồ bịch của anh chỉ là chuyện “vui vẻ” qua đường. Một phần do vợ quá ghen cứ làm ầm ĩ nhà cửa, anh thì lại nóng tính nên mới ra nông nỗi này. Anh nghiêm túc hứa với vợ sẽ chấm dứt chuyện bồ bịch, cùng vợ chăm sóc dạy dỗ con cái.
Các cụ xưa thường nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng trong xã hội ngày nay trường hợp như gia đình em Hùng không phải là hiếm gặp.
Tóm lại, gia đình hòa thuận, êm ấm, con cái được quan tâm giáo dục, sau này chúng sẽ trở thành người hữu ích cho xã hội. Ngược lại, gia đình có sự bạo hành, cha mẹ thường xuyên xung đột hoặc ngược đãi con cái thì việc giáo dục trẻ sẽ kém hiệu quả, họ sẽ đẩy ra ngoài xã hội những “sản phẩm” tồi tệ.
Các nhà tâm lý học cho rằng: “Con cái thường mang dấu ấn của cha mẹ vì gia đình là ngôi trường đầu tiên và cha mẹ cũng chính là người thầy đầu tiên của con cái. Chăm sóc, giáo dục con cái tốt cũng là chuẩn bị tốt cho tuổi già của mình sau này”.
Đây là một điều rất đáng để cho tất cả chúng ta cùng suy ngẫm!