Theo Washington Post, thay vì vị trí thủ lĩnh của al-Qaeda đã được xác định, chiếc máy bay tấn công không người lái (UCAV) MQ-9 đã xác định nhầm người đàn ông chăn cừu 60 tuổi cách đó khá xa là mục tiêu trong cuộc tấn công.
Lập tức, tên lửa AGM-114 Hellfire được phóng đi và khiến người đàn ông này thiệt mạng. Tại hiện trường người dân địa phương đã tìm được nhiều mảnh vỡ của quả tên lửa Hellfire. Cuộc tấn công diễn ra hôm 3/5 nhưng đến nay mới được công khai.
Vụ tấn công được giám sát bởi Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM). Tuy nhiên, vài giờ sau khi cuộc tấn công được tiến hành, CENTCOM tuyên bố rằng UCAV đã nhắm vào một thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda, mà không đưa ra bằng chứng.
Trong khi đó, tờ The Washington Post dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho hay hiện Lầu Năm Góc cũng đang tìm cách xác minh về nạn nhân thực sự.
"Chúng tôi không còn tự tin rằng mình đã giết được thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda", vị quan chức Mỹ cho biết.
Vị quan chức này phát biểu với điều kiện giấu tên khi một cuộc điều tra về vụ việc đang diễn ra.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên CENTCOM, Michael Lawhorn nói rằng các quan chức đã biết về các báo cáo thương vong dân sự và đang tiếp tục đánh giá kết quả.
"CENTCOM xem xét tất cả các cáo buộc như thế một cách nghiêm túc và đang điều tra để xác định xem liệu hành động đó có vô tình dẫn đến tổn hại cho dân thường hay không", ông Lawhorn nói hôm 18/5.
Năm 2022, khi đối mặt với cáo buộc quân đội đã che đậy các cuộc không kích nhầm giết người vô tội trong quá khứ, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ thực hiện các bước mà họ cho là sẽ giảm thiểu rủi ro, đồng thời sẽ bạch hơn nếu xảy ra thiệt mạng ngoài ý muốn.
Đánh giá về các cuộc không kích bằng UCAV của Lầu Năm Góc, tờ Popular Mechanics của Mỹ đã chỉ ra mặt trái của chúng.
Báo Mỹ cho rằng, đối với các phi công UCAV Mỹ, việc tiêu diệt mục tiêu cách họ hàng nghìn km qua màn hình có thể giúp tính mạng họ an toàn, nhưng những sang chấn tâm lý và sự cắn rứt lương tâm vẫn không khác gì tham chiến trực tiếp.
Trong một nhiệm vụ tại Afghanistan, phi công Mỹ Brandon Bryant khóa mục tiêu vào một ngôi nhà có dấu hiệu khả nghi và khai hỏa.
Vài giây sau, một vệt sáng lao xuống, phá hủy hoàn toàn ngôi nhà đó. Brandon Bryant chứng kiến toàn bộ quá trình từ trong buồng lái ở trung tâm điều khiển UAV ở bang Nevada (Mỹ), cách đó hơn 10.000km.
Sau khi xem lại đoạn ghi hình, anh phát hiện ra ngay trước khi quả tên lửa không đối đất lao xuống ngôi nhà, một đứa trẻ cố gắng chạy ra cửa nhưng không thoát kịp và thiệt mạng.
Theo Brandon Bryant, đó là một trong số 13 phi vụ anh trực tiếp tham gia không kích trong thời gian phục vụ không quân.
Brandon Bryant cho biết từ năm 2006 tới 2011, phi đội của anh đã không kích 1.626 mục tiêu, trong đó nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, chỉ huy phi đội đã phớt lờ những vụ việc.
Trong huấn luyện, cấp trên nói rằng công việc của anh và các đồng đội là "tiêu diệt và phá hủy". Thậm chí, sau khi xem đoạn ghi hình về vụ phóng tên lửa vào ngôi nhà có đứa trẻ, họ đã gạt đi lời phản ảnh của anh, nói rằng đó không phải là trẻ em.
Brandon Bryant cho hay, vụ việc đi ngược lại với những giá trị về danh dự, công lý mà anh được huấn luyện. Anh bị sang chấn tâm lý khi cấp trên không những phớt lờ quan ngại của anh, thậm chí còn trừng phạt, chế giễu, đe dọa kỷ luật anh.
Brandon Bryant quyết định rời quân ngũ và chỉ trích việc sử dụng UCAV tại các cuộc xung đột có sự tham gia của Mỹ.
Chiến thuật sử dụng UCAV còn bị coi là 'vết đen' trong quan hệ Mỹ-Pakistan và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan.
Với lý do tiêu diệt các mục tiêu khủng bố ẩn náu ở vùng núi phía bắc Pakistan, trong giai đoạn 2004-2019, Mỹ đã thực hiện hàng trăm vụ không kích mà không có sự báo trước hay đồng ý từ phía Islamabad.
Nước này đã nhiều lần cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền, cho rằng số dân thường Pakistan thiệt mạng còn nhiều hơn cả số phần tử khủng bố.
Ngày 3/1/2020, làn sóng phản đối UCAV Mỹ lại nổ ra sau khi tướng Iran Qassem Soleimani bị ám sát ở gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq.
Cái chết của tướng Qassem Soleimani đã làm một bộ phận lớn người dân Iraq phẫn nộ. Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi tuyên bố đây là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của quốc gia Trung Đông này.
Bất chấp những tai tiếng về nhân đạo và ngoại giao như vậy, trong năm 2020, Lầu Năm Góc lên kế hoạch chi 3,7 tỷ USD cho các thiết bị không người lái, bao gồm UCAV.