Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu.
Hội thảo quy tụ hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà vườn và sinh viên để cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu, mô hình sản xuất, xu hướng thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh hoa và cây cảnh.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, những năm gần đây, ngành hoa, cây cảnh Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, trở thành một trong những ngành kinh tế có tiềm năng lớn.

Tính đến năm 2024, cả nước có gần 45.000 ha trồng hoa, cây cảnh – tăng gấp 8 lần so với năm 2000. Giá trị sản lượng toàn ngành đạt trên 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu hoa vượt mốc 100 triệu USD.
Tuy nhiên, GS.TS Phạm Văn Cường cho rằng, lĩnh vực này đang đứng trước không ít khó khăn như: thiếu quy hoạch vùng chuyên canh hợp lý, công nghệ sản xuất và bảo quản còn hạn chế, năng lực cạnh tranh chưa cao và chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu. Những thách thức này đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, đột phá để phát triển ngành theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả.


Học viện Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng, Hội thảo là diễn đàn học thuật và thực tiễn quan trọng, nơi quy tụ các ý tưởng, sáng kiến, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà khoa học, nghệ nhân, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Đề xuất 6 giải pháp phát triển ngành hoa, cây cảnh Việt Nam, bà Dương Thị Ngà – Phó Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo thực vật phía Bắc (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) quan tâm đến nhóm giải pháp về khoa học công nghệ.
Theo đó, cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chọn tạo, nhập nội những giống hoa, cây cảnh. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao giá trị về vẻ đẹp, về văn hóa và mục đích sử dụng của khách hàng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, tạo tán, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm; khuyến khích ứng dụng quy trình canh tác bền vững.

Bà Dương Thị Ngà đề xuất, cần tiếp tục lưu giữ, bổ sung nguồn gen mới về hoa, cây cảnh góp phần làm phong phú nguồn sản phẩm hàng hóa và nguồn vật liệu di truyền phục vụ nghiên cứu chọn, tạo giống hoa, cây cảnh.
Cùng với đó, ưu tiên chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ số trong quản trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hoa, cây cảnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả giải đáp nhiều câu hỏi của cán bộ, giảng viên sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam về giải pháp tháo “nút thắt” để phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh.
Các chuyên gia cũng chia sẻ về hợp tác giữa 4 nhà: Nghiên cứu - Đào tạo - Chính sách - Doanh nghiệp/Sản xuất tháo gỡ “điểm nghẽn” để ngành hoa, cây cảnh Việt Nam phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khuôn khổ của hội thảo đã diễn ra Toạ đàm về hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, chính sách, kinh doanh hoa, cây cảnh. Diễn giả là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực này.