Ôn tập 'thực chiến' giúp học sinh lớp 12 tự tin cán đích

GD&TĐ - Với 80% học sinh vào đại học số còn lại du học, cùng với hướng nghiệp, trường THPT Hoàng Long ôn tập với 'chiến thuật' cho học sinh lớp 12.

Học sinh lớp 12 trường THPT Hoàng Long ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12 trường THPT Hoàng Long ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ôn tập giúp học sinh 'ngồi đúng chỗ'

ThS Lê Ngọc Lan - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Long (Hà Nội) cho biết, việc ôn tập cho học sinh lớp 12 được phân hóa theo từng lớp học dựa trên các mục tiêu đầu ra và năng lực hiện có của học sinh.

Chẳng hạn, em muốn vào trường top đầu thì ôn tập lớp riêng, giải đề dành cho trình độ khá giỏi. Việc phân hóa lớp ôn tập giúp các em “ngồi đúng chỗ”, ôn luyện đúng khả năng.

Các thầy cô cùng ôn tập với các em, chia từng giai đoạn, làm từ dễ tới khó. Tổ chuyên môn có trách nhiệm xác định giai đoạn củng cố kiến thức, luyện đề, chạy nước rút.

“Đánh giá chung thì học sinh khối 12 trường Hoàng Long tương đối chủ động và tự tin với việc thi cử. Các em đã được rèn thói quen này ngay từ lớp 10. Đặc biệt, trong giai đoạn học lớp 12, nhà trường tổ chức liên tiếp các đợt thi thử tốt nghiệp THPT để các em vững vàng hơn, cả tâm thế và kiến thức...”, ThS Lê Ngọc Lan cho hay.

Xác định ngoại ngữ là môn mũi nhọn, trường THPT Hoàng Long chỉ đạo ngoài tăng cường số tiết ôn luyện thi trên lớp chính, bám sát ma trận đề thi tốt nghiệp THPT thì trường còn tổ chức các lớp tăng cường để không học nào bị bỏ lại phía sau.

Với ma trận đề thi, các thầy cô sẽ xoáy sâu vào các kiến thức, kỹ năng cần đạt theo cấu trúc đề. Còn về chiến thuật ôn luyện, các chuyên đề ngữ pháp, từ vựng, phát âm, trọng âm, tìm lỗi sai, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, đọc hiểu… sẽ được ôn luyện hằng ngày.

Nếu một em đạt mục tiêu điểm trung bình 5, 6 điểm, các em sẽ được luyện làm chắc chắn khoảng 70% số lượng câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu. Nếu muốn đạt điểm 7 trở lên, các thầy cô sẽ tập trung thêm vào nhóm câu hỏi vận dụng thấp và vận dụng cao.

Ôn tập theo nhóm của học sinh trường THPT Hoàng Long.

Ôn tập theo nhóm của học sinh trường THPT Hoàng Long.

Thầy Đặng Đức Quang, GV Tiếng Anh của trường THPT Hoàng Long, bất kì môn thi nào, học sinh cũng cần dành phần lớn thời gian để luyện đề. Trước khi luyện đề tổng hợp, các em nên nghiên cứu kỹ cấu trúc đề, chia nhỏ từng phần kiến thức và ôn tập theo từng dạng.

“Làm chắc dạng bài dễ rồi sang dạng bài khó. Làm chắc dạng nào hay dạng đó, không ôm đồm tránh mỗi dạng biết một chút... Đây cũng là giai đoạn nước rút của ôn tập để củng cố kiến thức, rèn kỹ năng giúp học sinh lớp 12 tự tin vượt vũ môn...", thầy Đặng Đức Quang chia sẻ.

Ôn tập song song với hướng nghiệp

Cùng với ôn tập, trường THPT Hoàng Long chú trọng hướng nghiệp giúp học sinh lớp 12 được tham gia các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp mang tính thực tiễn.

Đây cũng chính là yếu tố quyết định giúp thầy và trò trường THPT Hoàng Long giữ vững thành tích đáng tự hào trong nhiều năm qua.

Theo ThS Lê Ngọc Lan, các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại trường THPT Hoàng Long được triển khai nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực.

Từ đó, các em có khả năng thích ứng với các điều kiện sống, học tập và làm việc khác nhau, thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại, có khả năng tổ chức cuộc sống, công việc và quản lí bản thân.

"Qua hoạt động, trải nghiệm giúp học sinh tìm được hứng thú đối với nghề nghiệp và ra quyết định lựa chọn được nghề nghiệp tương lai; xây dựng được kế hoạch rèn luyện đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và trở thành người công dân có ích...”, ThS Lê Ngọc Lan bày tỏ.

Cụ thể là hàng tháng học sinh trường THPT Hoàng Long được tham gia trải nghiệm thực tế làm sinh viên tại các trường đại học như: Trường Đại học Thủy Lợi, Đại học Bách Khoa, trường Đại học Việt Nhật… Hàng năm học sinh được trải nghiệm tại các trường đại học trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… theo chương trình hợp tác quốc tế của nhà trường. Những chuyến đi như thế này đã giúp học sinh hình dung rõ hơn về cơ hội học tập và bức tranh thế giới nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt với học sinh lớp 12.

Chia sẻ về nghề nghiệp tương lai, em Phạm Ngọc Anh - học sinh lớp 12A2 (trường THPT Hoàng Long) cho biết, đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tới đây.

"Ngay từ khi làm hồ sơ vào trường, em đã được trường phát phiếu khảo sát mong muốn học ngành gì, trường gì. Em nói muốn học về điều dưỡng để sang Nhật Bản làm việc. Các thầy cô đưa ra cho em nhiều lựa chọn các trường Đại học, Cao đẳng trong nước và nước ngoài. Sau khi tham gia chương trình trải nghiệm tại Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, em và bố mẹ quyết định chọn ngôi trường này. Từ lựa chọn đó, thầy cô cùng em xây dựng một lộ trình học tập để bám sát mục tiêu. Đến nay, em tự tin mình có thể vào trường Đại học như mong muốn...”, Ngọc Anh chia sẻ.

Khác với Ngọc Anh, Vũ Đăng Nhật, học sinh lớp 12A6, chia sẻ bản thân bối rối không biết mình thích gì khi lên cấp THPT. Dù tham gia nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp, Đăng Nhật vẫn phân vân và thay đổi định hướng.

“Cuối năm lớp 10, các thầy cô giúp em xác định đi du học Nhật Bản và phụ đạo học chuyên tiếng Nhật. Ngoài ra, trường cho em trải nghiệm về văn hóa Nhật Bản để em hiểu biết hơn về đất nước mình sẽ đến học tập và làm việc. Đầu năm lớp 12, em đã đạt chứng chỉ tiếng Nhật N3...”, Đăng Nhật nói.

Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Cô Đào Thị Thu Trang - phó Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Long cho biết, đơn hoạt động tìm hiểu về các ngành nghề đa dạng và có xu hướng phát triển tại trường Đại học Thủy Lợi.

Hoạt động được Ban tư vấn hướng nghiệp của trường phối hợp cùng trường Đại học Thủy Lợi tổ chức, nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác định hướng nghề nghiệp và đa dạng hóa trải nghiệm cho học sinh.

"Trường THPT Hoàng Long xây dựng hệ thống tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi vào lớp 10 và sát sao theo lộ trình của học sinh trong những năm học tiếp theo, đặc biệt với học sinh lớp 12. Từ đó, giúp học sinh lựa chọn đúng nghề nghiệp, chọn trường, chọn ngành theo năng lực và đặc điểm tâm sinh lý của bản thân...”, cô Đào Thị Thu Trang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ