Từ câu chuyện của Lin Li-wei, Đài Loan
Những doanh nghiệp dựa vào tre cũng mai một dần khi con người thích dùng các sản phẩm hiện đại và phổ thông hơn như nhựa, kim loại. Thậm chí, tại “ngôi làng tre” Zhushan nổi tiếng của Đài Loan, số doanh nghiệp gia đình sống nhờ tre chỉ còn 50 hộ so với vài trăm trước đây.
Tính chung, khắp Đài Loan chỉ còn 240 công ty sản xuất các mặt hàng tre. Nhiều sản phẩm trước đây làm bằng tre nay quay sang nhựa và kim loại như móc áo.
Tuy nhiên, sau trận động đất mạnh tại huyện Nantu năm 1999, nơi cây tre là nguồn tài nguyên tự nhiên chủ lực, chính quyền Đài Loan đã giao cho Viện Nghiên cứu Công kỹ nghệ (ITRI) tìm giải pháp hồi sinh cây tre và các sản phẩm làm từ nó để giúp nền kinh tế địa phương.
ITRI tăng thành công hàm lượng carbon trong tre chế biến để tạo ra than hoạt tính chất lượng cao. Nhờ đột phá này, than hoạt tính đã đi vào các sản phẩm vệ sinh và làm đẹp như dầu gội đầu, dung dịch khử côn trùng, vớ, găng tay, kem dưỡng da, thậm chí cả đậu phụng rang bọc than tre với quảng cáo rất có lợi cho sức khỏe!
Tre tách thành sợi được dùng dệt nón, dép, khăn, quần áo. Các doanh nghiệp gia đình dựa vào cây tre đã tăng sản xuất và mở rộng nhà máy sau nhiều thập niên sống cầm chừng. Ngoài các sản phẩm truyền thống còn có thêm các sản phẩm mới rất phong phú.
Tại đỉnh cao của vị thế cây tre vào thập niên 1970, có hơn 13 triệu cây tre được thu hoạch mỗi năm và bán thô mang về 3,5 triệu USD. Chế biến xong, giá trị của sản phẩm còn cao hơn.
Nhưng trong 10 năm qua, chỉ bán được bình quân 1,67 triệu cây tre mỗi năm, mang về 456.000 USD. Vài năm trở lại đây, tình hình có khá hơn. Khác với nhựa, tre thân thiện với môi trường dù đắt hơn. Kỹ nghệ tre của Đài Loan phục hồi là nhờ phần lớn vào đa dạng hóa sản phẩm.
Lin Li-wei |
“Cách đây vài chục năm, không ai nghĩ là tre có thể làm được nhiều việc như thế” - Chen Ching-fu, giám đốc điều hành Công viên Văn hóa Tre (Bamboo Culture Park), một điểm tham quan chính của du khách nước ngoài tại Zhushan, cái nôi của cây tre với một ngọn núi toàn tre, nói.
Mục tiêu của Chen khi thành lập công viên là để “mọi người đừng quên tầm quan trọng và lợi ích của cây tre trong cuộc sống hàng ngày”.
Lin Li-wei, 36 tuổi làm việc tại Đài Bắc sau khi tốt nghiệp đại học với mức lương 600 USD/tháng đã quyết định trở về quê nhà phụ với người cha sản xuất cây lấy ráy tai được nhiều người Hoa và Nhật Bản ưa dùng.
Hiện doanh nghiệp gia đình của anh còn làm thêm đồng hồ, đèn ngủ, đèn treo tường bằng tre. “Những sáng kiến mới đã giúp tăng thêm giá trị cho các sản phẩm truyền thống” - anh nói. Hiện hai cha con Lin kiếm được hơn 5.000 USD/tháng.
“Tre chỉ cần 5 năm là thu hoạch, không dùng phân và thuốc trừ sâu, hấp thụ nhiều khí carbon nên giảm được khí thải nhà kính. Hoàn toàn khác với plastic, tồn tại nhiều năm và gây tác hại cho môi trường, làm ô nhiễm đại dương” - một quan chức Bộ Lâm nghiệp Đài Loan nói.
Đến câu chuyện của Earl Patrick Forlales, Philippines
Mới đây, một cuộc thi có tên “Thành phố tương lai” được tổ chức ở Anh và giải thưởng 50.000 bảng Anh (64.385 USD) đã thuộc về mẫu nhà tre CUBO của nhà thiết kế trẻ Philippines Earl Patrick Forlales 23 tuổi.
Mẫu nhà CUBO chỉ cần 1 tuần để chế tác và 4 giờ để lắp ghép, với kinh phí khoảng 50 bảng Anh (64,3 USD)/m2, có thể xem là lời giải cho cuộc khủng hoảng nhà ổ chuột ở các nước nghèo.
“CUBO là ngôi nhà với đầy đủ chức năng nhưng không đơn thuần là ngôi nhà bình thường mà là nhà thông minh với khả năng biến chất thải thành năng lượng và những thứ có giá khác” - Forlales nói.
Sống tại Manila, nhà thiết kế trẻ tốt nghiệp khoa kỹ thuật vật liệu xây dựngcho biết anh sẽ dùng khoản tiền thưởng để sản xuất hàng loạt ngôi nhà CUBO vào năm tới.
Thủ đô Manila của Philippines có dân số 12 triệu người với 4 triệu phải sống trong những khu nhà ổ chuột chật chội. Theo ước tính thành phố sẽ thu hút thêm 2,5 triệu lao động nhập cư mang theo gia đình họ trong 3 năm tới nên áp lực nhà ở là rất lớn. Forlales cho biết CUBO sẽ ưu tiên cho những lao động mới nhập cư và sau đó sẽ thay thế dần nhà ổ chuột.
Lấy cảm hứng từ ngôi nhà tre nông thôn của ông bà nội nhưng tre của Forlales được xử lý đặc biệt để tăng độ bền lên gấp 10 lần.
“Thoạt đầu nhà tre chỉ là một ý tưởng nhưng tôi không ngờ đã nhận được sự đồng tình. Tôi cảm ơn RICS đã cho tôi cơ hội biến ý tưởng thành thực tế, không chỉ tại Manila mà còn ở các thành phố đông dân nghèo bị áp lực về nhà ở trên khắp thể giới” - anh nói.
Được xem là vật liệu thân thiện với môi trường, tre thải ra lượng oxygen cao hơn những loại cây khác đến 35% và có thể thu hoạch hàng năm mà không làm giảm chất lượng đất. Tre có thể trồng tại cả những mảnh đất thiếu màu mỡ.
Nhà CUBO có mái nghiêng để gom nước mưa và sàn cao để tránh lụt lội. Forlales đã chọn một mảnh đất tại Manila để xây dựng cụm nhà tre đầu tiên và hy vọng thiết kế của mình sẽ được mở rộng sang nhiều nước thừa tre nhưng thiếu nhà tại Đông Nam Á, tại nhiều vùng ở châu Phi và Mỹ La tinh. Forlales đang tìm thêm kinh phí cho dự án bằng cách thu gom và bán rác thải nhựa cho các nhà máy tái chế.
Xe đạp tre của Yakuza Solo |
Tre cũng được dùng chế tạo xe đạp đi vòng quanh thế giới. Đó là câu chuyện của anh Yakuza Solo sống tại Nagaland, một bang ở mạn Bắc Ấn Độ. Solo là người đầu tiên đi chu du khắp thế giới bằng xe đạp khung tre để giới thiệu quê hương Nagaland - “mảnh đất của nụ cười” mà anh rất hãnh diện.
“Thế giới sẽ hiểu hơn về cộng đồng của tôi qua cách tôi thể hiện” - anh nói. Chủ đề chuyến đi gồm 3 từ: HOPE (hy vọng) cho sự thay đổi, MOVE (di chuyển) để khoẻ mạnh và SAVE (cứu) trái đất.
Những người dân địa phương Solo gặp dọc đường thường hỏi anh về chiếc xe và cuộc trò chuyện vui vẻ bắt đầu từ đó. Tre có vai trò lớn trong cuộc sống của người dân bang Nagaland. Họ dùng tre để làm nhà, đồ nội thất và nấu nướng.
Solo đã đi qua nhiều quốc gia, trong đó có Bỉ, Pháp, Áo, Ý, Serbia, Bulgary, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ. Đến đâu anh cũng ghi hình để chia sẻ chuyến đi của mình trên mạng xã hội.