Ý tưởng xuất phát từ một chuyến đi
Thanh Trung chia sẻ, trong một lần đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum, Trung và Thạnh gặp một học sinh khiếm thị. Bạn ấy rất giỏi, đánh đàn hay và thích đọc sách. Qua tìm hiểu, Trung thấy sách cho người mù rất ít, ở các địa phương như Kon Tum thì càng ít hơn. Từ đó, Trung đã manh nha ý tưởng cần phải làm một cái gì đó để giúp người khiếm thị có thể đọc sách, tài liệu một cách dễ dàng và cậu cựu học sinh Trường chuyên Nguyễn Tất Thành đã nghĩ ra một phương pháp theo kiểu máy đọc sách Kindle.
Theo đó, sản phẩm nghiên cứu của Trung và Thạnh có hình chữ nhật, làm bằng chất liệu nhựa đơn giản, gọn nhẹ, kích thước khoảng 27x17cm, mặt trên có đục các lỗ vừa đầu ngón tay để giúp người khiếm thị cảm nhận chữ nổi. Máy được xây dựng trên bo mạch xử lý ardunio, lập trình với ngôn ngữ C và C++, công dụng đọc các văn bản trên máy tính và xuất ra dưới dạng bảng chữ Braille, giúp người sử dụng lưu trữ văn bản trong USB và đọc bằng cách nhận biết bằng tay trên bề mặt máy. Không chỉ giúp người khiếm thị dễ dàng tiếp xúc hơn với các tài liệu, sách, báo…, sản phẩm này còn giúp họ tiếp cận được với các văn bản điện tử rất phổ biến hiện nay.
Để làm ra sản phẩm, đôi bạn mất tổng chi phí khoảng 500.000 đồng, tuy nhiên, Trung cho biết nếu hoàn thiện để sản xuất bán ra thị trường thì có thể giá sẽ cao hơn một chút và cũng cần phải cải thiện thêm một số khâu nhỏ để khi đến tay người dùng đảm bảo về tính thẩm mĩ, thân thiện lẫn tiện dụng.
Có được sản phẩm để mang tới cuộc thi, Trung và Thạnh đã mất khoảng 6 tháng để hoàn thiện, điều chỉnh. “Khi thực hiện sản phẩm, dựa trên thế mạnh của mỗi người mà phân chia công việc. Đặc biệt, với lợi thế khả năng tiếng Anh rất tốt, Ngọc Thạnh chính là người giúp sản phẩm đến gần hơn với khách tham quan, ban giám khảo và các đội bạn cũng như giới thiệu về Việt Nam đến mọi người tại cuộc thi quốc tế vừa qua”, Trung kể.
Nguyễn Thanh Trung tại khu vực giới thiệu công trình của mình ở triển lãm |
Hành trình đam mê nghiên cứu khoa học
Trở về từ Ấn Độ vào cuối tháng 10/2018, Thanh Trung và Ngọc Thạnh vẫn còn lâng lâng cảm xúc với giải Đồng đã đạt được. “Chúng em cảm thấy rất may mắn và vinh dự khi được đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi cấp quốc tế và đạt giải. Cuộc thi đã giúp chúng em mở mang tầm mắt rất nhiều. Qua cuộc thi, chúng em tìm thấy động lực to lớn cho bản thân để tiếp tục phấn đấu”.
Nói về niềm đam mê nghiên cứu khoa học của bản thân, Thanh Trung cho biết, ngay từ khi vào học THPT, Trung đã rất thích thú những sản phẩm, phát minh, sáng kiến mới và rất tò mò về các phương pháp hoạt động. Và khi nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, Trung rất muốn thử sức mình.
Trung cũng “bật mí” thêm, chính đọc nhiều sách đã khơi gợi cho bạn có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo như cuốn Tony buổi sáng và Nhà giả kim… Trung cho biết, bản thân nghĩ đến điều gì là bắt tay vào làm ngay chứ không chần chừ, bởi khi làm mới biết được kết quả, mới có thể tìm hướng đi mới đúng hơn. Nếu không làm, nếu chần chừ thì những ý tưởng mãi chỉ là dự định mà thôi.
Khi có ý tưởng về một chiếc máy đọc sách cho người khiếm thị, Trung và Thạnh đã bắt tay vào làm ngay và mang sản phẩm đi thi, lần lượt vượt qua vòng loại từ trường, cấp tỉnh rồi xuất sắc giành giải Nhì tại cuộc thi cấp quốc gia năm 2016-2017; tiếp theo là tham dự cuộc thi do quỹ VIFOTEC tổ chức. Tại đây, sản phẩm tiếp tục đạt giải quốc gia và được đại diện thi quốc tế.
Mặc dù đạt được thành tích rất đáng ngợi khen, nhưng khi nghe hỏi về sản phẩm của mình, cả Trung và Ngọc đều cho rằng: Khi đi nước ngoài tham dự với các bạn trang lứa trên thế giới, thấy các bạn rất sáng tạo, tài năng, bản thân chúng em vẫn còn phải học hỏi rất nhiều.
Ngọc Thạnh, Thanh Trung (từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng một đội dự thi của Ấn Độ tại triển lãm |