Ngay từ những ngày đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu thực hiện nghiêm việc xin lỗi bằng văn bản khi trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức.
Đối với hồ sơ liên thông bị trễ hạn do cơ quan phối hợp, đề nghị cơ quan chủ trì giải quyết thông tin hành chính thống kê, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có liên quan bảo đảm thời hạn theo quy định.
Cần nhắc lại rằng, cách đây 4 năm, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND quy định việc xin lỗi cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC của cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
Theo quy định này, cơ quan hành chính Nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện xin lỗi khi có hành vi, thái độ cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, không đúng quy tắc ứng xử khi giao tiếp với cá nhân, tổ chức trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Tiếp nhận hồ sơ không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị. Không hướng dẫn cụ thể, đầy đủ bằng phiếu yêu cầu bổ sung hồ sơ để cá nhân, tổ chức phải đi lại từ 2 lần trở lên để hoàn thiện hồ sơ. Không in giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho cá nhân, tổ chức...
Yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp các loại giấy tờ, tài liệu ngoài thành phần hồ sơ TTHC được quy định. Để mất, thất lạc hoặc hư hỏng hồ sơ đã tiếp nhận của cá nhân, tổ chức. Giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn. Cản trở cá nhân, tổ chức lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định...
Chậm trễ trong giải quyết TTHC lâu nay được coi là “bệnh trầm kha”, thậm chí được gọi là “hành là chính”. Tuy nhiên, bằng sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian giải quyết các TTHC đã được cải thiện đáng kể. Và một trong những biện pháp đó là quy định mà Quảng Trị đã và đang áp dụng.
Điều đáng mừng là quy định này ngày càng được nhiều địa phương thực hiện và đã đạt kết quả tích cực. Nhưng phải thẳng thắn rằng, tại một số địa phương, một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh TTHC, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định.
Một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện còn phức tạp, không đơn giản, thuận lợi; chưa kịp thời tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp... Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, tuy nhiên, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội thì không loại trừ nguyên nhân tiêu cực, nhũng nhiễu.
Vậy nên, vấn đề ở đây là bên cạnh việc xin lỗi, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu và kịp thời khắc phục khi để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh TTHC hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết.
Không ai, không địa phương nào muốn ban hành các quy định như vậy mà đây là việc “chẳng đặng đừng”. Điều cốt lõi ở đây chính là đạo đức công vụ, phải thực sự cầu thị. Cán bộ, công chức, viên chức; các cơ quan hành chính Nhà nước có làm tròn nhiệm vụ của mình không? Có thực sự coi mình là công bộc của dân hay không. Bởi nếu cứ coi việc xin lỗi chỉ là một thủ tục, là đối phó, rằng xin lỗi là xong thì sẽ vẫn chỉ là hình thức.
Chắc chắn rằng, cán bộ, công chức, viên chức không muốn phải xin lỗi. Người dân, doanh nghiệp lại càng không cần được xin lỗi. Cho nên đi kèm với xin lỗi cần có cam kết, không chỉ với người dân, doanh nghiệp, mà còn cả với cơ quan là sẽ không tiếp tục để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xử lý TTHC thuộc phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình.