Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra cho giáo dục đại học mục tiêu phấn đấu có tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40% vào năm 2030. Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ tăng so với trước đây.
Để đạt mục tiêu, tiêu chí, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gần đây nhiều trường đại học đã đưa ra chính sách hấp dẫn để mời gọi các nhà khoa học từ tiến sĩ trở lên về trường công tác. Nổi bật là chính sách thu hút của Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội)…
Ở một số trường, mức thu hút ban đầu với giáo sư từ 350 - 500 triệu đồng, phó giáo sư từ 250 - 350 triệu đồng. Ngoài ra, các giáo sư, phó giáo sư sẽ nhận phụ cấp học hàm, nhận lương theo quy định của Nhà nước (đợt 1) và lương theo vị trí việc làm (đợt 2), thưởng nếu có công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm thương mại hóa… Với chính sách thu hút này, thu nhập các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.
Việc các trường chủ động thực hiện chính sách hấp dẫn để thu hút và giữ chân đội ngũ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư không chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu, tiêu chuẩn trường đại học trong bối cảnh mới, mà còn là chiến lược quan trọng và bền vững để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Tuy vậy hiện không phải trường đại học nào cũng có đủ thực lực để “chiêu hiền đãi sĩ” ở mức hấp dẫn như thế. Thời gian qua chỉ những trường tư thục, trường công lập tự chủ tài chính mới có khả năng chi trả thu nhập theo vị trí việc làm với mức cao cho đội ngũ. Còn ở các trường chưa tự chủ tài chính, nhất là với trường đại học địa phương, thu nhập của giảng viên, nhà nghiên cứu vẫn thấp.
Nguyên nhân do nguồn thu của các trường đến từ học phí, mà những cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ lại có mức học phí thấp. Nhiều trường riêng việc cố gắng xoay xở để giữ chân giảng viên đi học nâng cao trình độ quay trở lại đã khó khăn, huống chi nói chuyện thu hút bên ngoài.
Thực tế có không ít tiến sĩ xin nghỉ việc, chuyển công tác, định cư, người trụ lại được với nhà trường cũng phải chân ngoài chân trong để có thể lo cho cuộc sống gia đình. Câu chuyện từng gây xôn xao về một phó giáo sư thành viên Hội đồng ngành Toán - Quỹ NAFOSTED phải hợp tác với vài trường đại học bên ngoài để “bán” bài báo khoa học là khoảng lặng nhức nhối…
Trong bối cảnh mức độ tự chủ tài chính, tiềm lực kinh tế giữa các cơ sở đại học khác nhau, con số tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư thu nhập đạt hàng tỷ đồng/năm còn là số lượng nhỏ. Để đội ngũ giảng viên, nhà khoa học không nặng gánh áo cơm, có thể toàn tâm toàn ý giảng dạy và nghiên cứu, rất cần có cơ chế chung ở tầm vĩ mô về thu hút và sử dụng nhân tài ở trường đại học.
Gần đây trong một số dự thảo luật, trên các diễn đàn có nhiều đề xuất gợi mở như: Cho phép giảng viên - nhà khoa học được thành lập và điều hành doanh nghiệp sau khi có kết quả nghiên cứu; xây dựng cơ chế đặc thù để sử dụng chất xám đội ngũ giáo sư, phó giáo sư về hưu; trả lương cứng theo vị trí việc làm và thu nhập phần mềm từ thương mại hóa sản phẩm, bài báo khoa học; xây dựng các quỹ hỗ trợ tài năng; thí điểm cho đại học quốc gia bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư…
Những đề xuất này cần được xem xét, nghiên cứu và triển khai, để giáo dục đại học có thể tập hợp được nhiều tinh hoa trong giới nghiên cứu, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.