Đạn pháo lượn tầm xa sẽ thay đổi chiến tranh hiện đại

GD&TĐ - Một loại vũ khí đặc biệt đã được chi nhánh BAE Systems tại Australia tạo ra và thu hút sự quan tâm lớn.

Đạn pháo lượn tầm xa sẽ thay đổi chiến tranh hiện đại

BAE Systems Australia vừa công bố việc phát triển bộ dụng cụ RAZER cải tiến, có thể biến đổi đạn pháo tiêu chuẩn thành đạn lượn dẫn đường chính xác.

Công nghệ này được giới thiệu vào ngày 1 tháng 4 năm 2025, có thể áp dụng cho đạn pháo binh trên bộ cỡ 155 mm ví dụ như loại L15, cũng như đạn pháo hải quân 5 inch.

Điểm đặc biệt của hệ thống là có thể lắp đặt trực tiếp tại hiện trường, giúp tăng hiệu quả sử dụng đáng kể. Bộ dụng cụ bao gồm một module dẫn đường, cánh gấp và bộ ổn định đuôi, biến một quả đạn thông thường thành bom dẫn đường cỡ nhỏ được trang bị ngòi nổ điểm.

Đạn L15 hiện đại nặng 44 kg, nhẹ hơn khoảng 5 lần so với bom hàng không Mk 82 (trọng lượng 230 kg). Cách tiếp cận này khiến RAZER trở thành giải pháp tiết kiệm chi phí cho việc áp dụng rộng rãi, đặc biệt là trong môi trường hạn chế về tài nguyên.

Mục đích của RAZER là tiêu diệt xe bọc thép, lực lượng địch và các vật thể nhỏ với độ chính xác cao mà không cần sử dụng máy bay. Điều này đặc biệt giá trị ở những khu vực có hệ thống phòng không dày đặc, hoặc không có cơ sở hạ tầng sân bay phát triển.

Các thử nghiệm cơ bản với bộ dụng cụ đã xác nhận chức năng của nó, mặc dù dữ liệu về phạm vi và độ chính xác vẫn chưa được công bố. Sự phát triển này phù hợp với xu hướng hiện đại hóa các hệ thống pháo binh trên toàn cầu, tương tự như hai dự án Excalibur và M982 của Mỹ, hoặc Vulcano của châu Âu.

Tuy nhiên khác với những sản phẩm tương tự, RAZER nổi bật nhờ trọng lượng nhẹ hơn và chi phí thấp hơn, trở thành một công cụ đầy hứa hẹn cho các cuộc xung đột quân sự cục bộ và lâu dài.

Thử nghiệm bộ dụng cụ RAZER cho đạn pháo L15.

Thông tin hiện tại tính đến tháng 4 năm 2025 nêu bật sự quan tâm ngày càng tăng đối với công nghệ như vậy trong bối cảnh xung đột vũ trang leo thang.

Theo tờ Defense News, vào tháng 3 năm 2025, BAE Systems đã được Bộ Quốc phòng Australia ký hợp đồng cung cấp lô RAZER đầu tiên để thử nghiệm chiến đấu tại Trung Đông, nơi lực lượng của họ đang tham gia vào các hoạt động trong liên minh chống khủng bố.

Nhiều chuyên gia lưu ý rằng các nước NATO khác cũng đang thể hiện sự quan tâm đến dự án này, bao gồm Vương quốc Anh, khi London cân nhắc tích hợp RAZER vào hệ thống pháo binh AS90 của mình. Điều này là do nhu cầu tăng độ chính xác của các cuộc tấn công, trong khi giảm sự phụ thuộc vào hoạt động hàng không tốn kém.

Ngoài ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, nơi đạn dẫn đường Excalibur được sử dụng rộng rãi, sự quan tâm đến giải pháp module như RAZER ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Jane's Defence Weekly, Hoa Kỳ đã bàn giao một lô M982 khác cho Kyiv vào tháng 2 năm 2025, nhưng chi phí cao - khoảng 100.000 đô la mỗi đơn vị - đã hạn chế việc sử dụng rộng rãi chúng.

Ngược lại, RAZER được định vị là giải pháp thay thế với giá cả phải chăng hơn, có thể hấp dẫn những quốc gia có ngân sách quân sự hạn chế. Tuy vậy những người chỉ trích cũng chỉ ra những lỗ hổng tiềm ẩn của hệ thống, chẳng hạn như phụ thuộc vào định vị GPSsẽ bị các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại gây nhiễu, đòi hỏi phải có thêm những sửa đổi.

Sự phát triển của RAZER phản ánh cách tiếp cận chiến lược của BAE Systems nhằm củng cố vị thế của mình trên thị trường công nghệ quốc phòng. Công ty đã công bố kế hoạch tạo ra phiên bản RAZER dành cho đạn cối 120 mm, giúp mở rộng khả năng ứng dụng.

Trong một thế giới mà các cuộc xung đột toàn cầu đòi hỏi sự linh hoạt và bảo tồn tài nguyên, những đổi mới như vậy có thể thay đổi cách tiến hành chiến tranh thông qua việc cung cấp những phát bắn chính xác với chi phí thấp hơn.

Theo Defense News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ