Nhà nghèo học giỏi
Sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Trung là con út trong gia đình có 5 chị em. Tuổi thơ của Trung gắn liền với những tháng ngày chạy ăn từng bữa của gia đình.
Chị Đặng Thị Kính - mẹ của Trung - nhớ lại: Ngày xưa gia đình nghèo lắm, cả nhà sống trong căn nhà lợp mái rạ rộng 15m2. Bố Trung đi sửa khóa và bán kính quanh, mẹ thì đi bán hàng xáo. Dù trời nắng hay mưa, bố mẹ Trung đều cố gắng đi làm để kiếm thêm “đồng ra đồng vào” với mong muốn cho con ăn học nên người.
Điều kiện kinh tế gia đình không có nên 4 chị gái của Trung đều chỉ học hết cấp 2, sau đó đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Hiện tại các chị đều đi làm xa, chỉ có Trung ở nhà với bố mẹ.
Trường học cách xa nhà nên buổi sáng Trung thường đi học sớm, trưa nghỉ lại trường đến tối mới về. Nhờ sự chăm chỉ và thành tích học tập vượt bậc, cuối năm lớp 10 Trung được học bổng của Viện Toán học, bố mẹ đã dùng khoản tiền ấy mua cho Trung chiếc xe đạp điện để em đi lại đỡ vất vả.
Chị Kính tâm sự: Khi thấy Trung say mê học tập, vợ chồng tôi quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải để cháu được đi học giống như các bạn cùng trang lứa. Từ năm lớp 1 đến nay, Trung chưa bao giờ đi học thêm ở ngoài, em chủ yếu học ở trên lớp, ở nhà, học thầy cô, bạn bè. Mặc dù nhà cách trường 12km nhưng ngày nào Trung cũng đi về chứ không thuê trọ.
Trung nhất định muốn đạp xe đi học mỗi ngày vì "nếu thuê trọ thì bố mẹ em sẽ mất thêm một khoản kinh phí để trả tiền phòng, tiền sinh hoạt cho em trong khi điều kiện kinh tế gia đình không cho phép".
Suốt 11 năm học, Trung chưa bao giờ để bố mẹ phải lo từng bữa ăn cho mình. Buổi sáng, cháu dậy sớm rang cơm ăn sáng rồi đi học. Hôm nào bố ra đồng bắt được con cua, con tôm thì nấu thêm cho cháu bát canh ăn trưa, ăn tối.
Vũ Xuân Trung và chiếc HCV Olympic Toán quốc tế |
Phương pháp học tập khoa học
Bí quyết để học tốt của Trung là phân bổ hợp lý thời gian giữa học và chơi. Một ngày, ngoài việc học trên lớp, buổi tối Trung học bài từ 19 giờ đến 22 giờ. Khi ngồi vào bàn học, Trung tập trung cao độ. Buổi sáng, em cũng dành khoảng 1 giờ đồng hồ để ôn lại kiến thức, chuẩn bị cho một ngày đến lớp.
Thỉnh thoảng, để tạo hứng thú và làm cho tinh thần phấn chấn, Trung làm những bài toán nhỏ, và có mức độ tương đối… đơn giản. Lúc rảnh rỗi, Trung hay làm những bài toán đố mẹo, đố vui. Trung cũng thường tự mày mò tìm thêm các dạng bài hay trên Internet.
Còn bí quyết để đạt được thành tích cao trong 2 kì thi Olympic Toán quốc tế, Trung chia sẻ: Em chỉ đặt ra mục tiêu duy nhất là cố gắng hết mình. Trong khi thi, em luôn cố giữ tâm lý thật thoải mái, còn kết quả thế nào thì còn tùy vào khả năng của mình nên không nghĩ là mình lại làm tốt như vậy.
Tự hào về học trò của mình, cô Đào Thị Lê Dung - giáo viên chủ nhiệm của Trung - cho biết: Khi thi vào lớp 10 chuyên Toán, Trung đạt 9,75 điểm. Các bài khảo sát của Trung ở lớp 10 cũng gần đạt điểm tuyệt đối, dẫn đầu lớp. Trung là học sinh khiêm tốn, điềm đạm, rất bình tĩnh trước chiến thắng và cả thất bại; trước mỗi kỳ thi, thi tâm lí của em rất ổn định.
Khả năng học độc lập của Trung rất tốt. Em nắm bài nhanh, chắc và giải quyết nhanh khối lượng bài tập về nhà. Trung rất tự tin vào khả năng làm bài của mình, khi em nói chắc chắn làm được thì bài làm sẽ không bao giờ sai. Rất nhiều lần so với cách giải của các thầy cô, với các bạn thì em đều có những sáng tạo rất mới và hay.
Cũng theo cô Dung, Trung không có điều kiện đi học thêm, kiến thức em có được đến từ việc học trên lớp, tự mày mò và tìm tòi qua sách vở cùng những đợt bồi dưỡng ngắn ngày trong đội tuyển của trường. Tuy nhiên, em không học theo kiểu “mọt sách” mà bố trí thời gian học rất hợp lý.
Cô Đào Thị Lê Dung - Giáo viên Toán trường THPT chuyên Thái Bình) lần thứ 2 cùng Trung đi thi Olympic Toán quốc tế. Theo đoàn học sinh đi thi Olympic Toán quốc tế tại Hồng Kông lần này, cô Dung là người phụ nữ duy nhất và cũng là quản gia, lo việc hậu cần của đoàn, chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh.
Đón Trung trở về từ Hồng Kông, một người thân của em cho biết: Tại lễ trao thưởng cho Đoàn vào năm ngoái, Trung được nhận bằng khen cùng 15 triệu đồng của Bộ GD&ĐT. Nhưng do quá hạnh phúc với sự chúc mừng nồng nhiệt của bạn bè và người thân nên em đã đánh rơi mất... chiếc phong bì. Tuy nhiên phần thưởng vô giá mà em luôn giữ được chính là niềm tin yêu của mọi người với thành tích xuất sắc trong học tập.