Thầy giáo dùng vé số dạy hình học
Thầy Long tâm sự: “Những tiết hình học không gian thường khá khô khan và khó hiểu. Đôi lúc dạy xong cả hai tiết mà học trò không nắm được bao nhiêu nên thầy thấy day dứt lắm;
Một lần tình cờ tham khảo buổi dạy xếp giấy origami, thầy Long chợt nảy ý tưởng sao mình không vận dụng xếp thành những khối hình học để dạy cho học trò;
Mới đầu, thầy xếp bằng tờ lịch, sau này phát hiện xếp bằng vé số hình rất đều lại dễ xếp được những hình phức tạp nên thầy tìm đến những người bán vé số dạo để xin hoặc đi lượm”;
Thời gian đầu bắt tay vào xếp hình, trong cặp thầy Long lúc nào cũng có một xấp vé số dự trữ. Thấy vậy nhiều đồng nghiệp nghi ngờ, thậm chí xa lánh vì nghĩ thầy Long nghiện vé số. Sau khi thầy Long giải thích và kể rõ ngọn nguồn những tờ vé số mà thầy có được là đi xin hoặc lượm ở ngoài đường thì nhiều người ngã ngửa;
“Nhiều người cũng hỏi đã là thầy mà còn đi xin rồi đi lượm từng tờ vé số không mắc cỡ sao, nhưng thầy nghĩ có gì to tát đâu. Thật ra mới đầu nhiều cô chú bán vé số cũng rất ngạc nhiên, nhưng sau khi biết mục đích của mình thì các cô chú lại chủ động tìm mình để cho” - thầy Long nhớ lại, tươi cười.
Vượt qua cửa ải của đồng nghiệp nhưng về đến nhà thầy Long lại vấp phải sự phản ứng của gia đình. Công việc gấp hình đòi hỏi sự tỉ mỉ lại tốn nhiều thời gian, hơn nữa lại bày biện khắp nhà nên thầy Long thường bị vợ càm ràm;
Các em học sinh cho biết, thầy Long rất tâm huyết với nghề. Ngày trước, các em rất ngại học môn hình học không gian, nhưng nhờ những khối hình học của thầy Long mà giờ đây đã “nghiện” học Toán.
Thầy giáo sở hữu nhiều giải thưởng về sáng tạo
Gần 40 năm gắn bó với nghề giáo là cũng chừng ấy năm thầy Hồ Anh Quang - giáo viên Trường THCS Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) luôn tìm tòi sáng tạo ra nhiều công cụ hữu ích phục vụ công tác dạy và học;
Mong ước ban đầu của thầy là trở thành kĩ sư, thế nhưng cuộc đời thầy lại gắn liền với sự nghiệp dạy học;
Thầy kể, ngày đó làm giáo viên cực khổ lắm, lương giáo viên “ba cọc ba đồng” của cả hai vợ chồng không đủ nuôi con. Ngoài giờ lên lớp, vợ chồng thầy phải buôn bán thêm mới có đủ tiền trang trải cuộc sống. Tuy cuộc sống vất vả, nhưng nhìn đám học trò chăm chú tiếp thu kiến thức mình truyền đạt trong những giờ lên lớp, thầy Quang như được tiếp thêm động lực.
Dạy học trường làng nhiều năm, nhận thấy đám trò quê chịu không ít thiệt thòi khi điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học còn sơ sài. Những dụng cụ học tập dần được thành hình từ những “đêm trằn trọc” ấy.
Hỏi về động lực của sự sáng tạo, thầy chia sẻ: “Mới đầu mình chỉ tập tành làm vài món đồ dùng học tập thôi. Lần đầu mang đến lớp thử nghiệm được các học trò mắt tròn mắt dẹt chiêm ngưỡng và hào hứng hơn trong tiết học, mình thấy vui lắm. Thế là mình tiếp tục làm”.
Hiện, thầy Quang sở hữu 13 bộ đồ dùng dạy học được giải thưởng cấp tỉnh và 6 đề tài sáng tạo KHKT được công nhận sáng tạo KHKT của Sở KH&CN, trong đó có 5 đề tài thuộc lĩnh lực giáo dục. Sáng chế mới nhất của thầy là bảng phương pháp dạy toán bằng bản đồ tư duy, trên nền phần mềm MINDMAP.
Hầu hết các sáng chế của thầy giáo Quang đều được làm bằng các vật liệu đơn giản, ít tốn kém nhưng lại có hiệu quả cao. “Những dụng cụ này không chỉ dùng trong việc giảng dạy môn Toán mà còn có thể ứng dụng ở nhiều môn học khác nhau nữa. Mình làm các dụng cụ này bằng các vật liệu dễ kiếm và ít tốn kinh phí để các giáo viên ở các trường, các nơi vùng sâu, vùng xa cũng có thể tự làm được”, thầy Quang chia sẻ.
Năm học này là năm học cuối cùng thầy Quang đứng trên bục giảng. Nhưng chắc chắn những sáng chế của thầy sẽ trở thành công cụ đắc lực cho các thầy cô giáo khác, giúp cho học sinh vùng nông thôn học tập tích cực hơn.
Xin kính chúc các thầy cô giáo mãi mãi tâm huyết với nghề, trở thành tấm gương sáng để các em học sinh học tập và noi theo.