Cô giáo của học trò nghèo

GD&TĐ - “Người thầy là ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian” (Ngạn ngữ Palestine). Có thể bạn chưa tin vào điều đó, hãy đến với ngôi Trường THCS Thị trấn Dương Minh Châu, Tây Ninh để thấy một “Ngọn nến” như thế! 

Cô giáo của học trò nghèo

“Ngọn nến” ấy đã luôn cháy hết mình để thắp sáng ước mơ cho biết bao thế hệ học sinh trên mảnh đất vinh dự mang tên người Anh hùng - Liệt sĩ Dương Minh Châu. Và người mà tôi muốn nói tới chính là cô giáo Nguyễn Hồng Phượng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Dương Minh Châu.

Vâng! Có lẽ Nguyễn Hồng Phượng là cái tên quá quen thuộc trong ngành GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, trên báo chí và màn ảnh nhỏ trong và ngoài tỉnh cũng thế! Hình ảnh của cô giáo Phượng từ những năm qua đã tạo được ấn tượng đặc biệt, không chỉ với đồng nghiệp mà cả với phụ huynh học sinh.

Chào đời trên mảnh đất Gò Công Tây (Tiền Giang) - Vùng đất của tình người chân chất, của những cánh đồng bạt ngàn, những vườn cây trái xum xuê nhưng do hoàn cảnh nên từ những ngày thơ ấu, Hồng Phượng đã cùng cha mẹ từ giã mảnh đất thân thương ấy về sinh sống ở quê ngoại - huyện nông thôn Dương Minh Châu, Tây Ninh và cũng tại nơi này Phượng đã trải qua những năm tháng học trò.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Phượng được phân công về Trường THCS Thị trấn. Đó là ngôi trường cô học ngày nào. “Còn gì hạnh phúc hơn là được dạy học ở ngôi trường mình đã từng học. Đây là ước mơ của tôi từ thời áo trắng”… Phượng thường tâm sự với bạn bè như thế.

Với 40 tuổi đời, 20 năm gắn bó với ngôi Trường THCS Thị trấn thân yêu, sau những tháng năm miệt mài bên trang giáo án và những trăn trở chuyên môn, cô giáo Nguyễn Hồng Phượng đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2016 với nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp huyện, cấp tỉnh và áp dụng trong toàn quốc và nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Bộ GD&ĐT, của Thủ tướng Chính phủ. Cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” ở tuổi 37. Cô được nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh tặng cho nhiều danh hiệu: “Nhà giáo tâm huyết”, “Cô giáo của học trò nghèo”… và hơn cả là có những em học sinh còn thân thương gọi cô là “Mẹ Phượng”.

Tôi là một trong số những người may mắn được làm việc chung với chị nhiều lần. Có lẽ đó cũng là cái duyên giữa tôi với chị. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác đầu tiên khi tiếp xúc với chị.

Sự chân thành và mộc mạc của chị luôn tạo cho người đối diện một tâm thế thoải mái. Hỏi về những thành tích chị đạt được trong quá trình giảng dạy của mình, chị cứ một mực từ chối với lý do: “Chị cũng giống như bao giáo viên khác thôi, có gì đâu mà viết!” và chị lại dành hết quỹ thời gian ít ỏi đó để kể về học trò của mình. Sau mỗi một lần trao đổi, trò chuyện với chị, tôi càng thêm khâm phục chị. Khâm phục bởi cái tâm, cái đạo làm thầy và cũng là cái đạo làm người của chị - Chị không hề bị cuốn vào vòng vật chất phù du vốn luôn quẩn quanh cuộc sống này.

Suốt những năm tháng đứng lớp của mình, chị luôn tâm niệm “phải đem tình thương yêu, lòng vị tha và bao dung để giảng dạy và cảm hóa các em học sinh”. Những tiết học của chị luôn sinh động, dễ hiểu, tạo được sự hấp dẫn, truyền sự đam mê cho học sinh.

Để lôi cuốn các em học sinh tích cực tham gia tìm hiểu nội dung bài học, nâng cao chất lượng học tập bộ môn Địa lý, cô giáo Nguyễn Hồng Phượng đã có nhiều sáng kiến hay, mới trong giảng dạy, trong đó có sáng kiến vận dụng thơ vào giảng dạy Địa lý. Với sáng kiến này cô đã được Hội Nhà văn Việt Nam mời tham dự Hội thảo khoa học “Văn học trong nhà trường” tại Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp với báo cáo tham luận “Chúng tôi dạy Địa lý bằng thơ” và báo cáo này đã được Ban tổ chức đánh giá cao.

Năm 2010, cô viết sáng kiến kinh nghiệm: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy học”. Sáng kiến này đã được Bộ GD&ĐT công nhận là 1 trong 30 sáng kiến kinh nghiệm hay nhất của cả nước và được đưa vào Tài liệu lưu hành nội bộ, ứng dụng giảng dạy rộng rãi ở các trường học trong toàn quốc.

Chị bảo: Chị thích nhất danh hiệu “Cô giáo của học trò nghèo” mà học sinh và phụ huynh nhắc đến mỗi khi nói tới chị. Danh hiệu ấy sao mà thân thương, gần gũi và bình dị đến thế! Và cũng từ danh hiệu này đã giúp chị có thêm động lực, niềm hứng khởi trong công việc, giúp chị càng thêm trách nhiệm hơn trong sự nghiệp “Trồng người”.

Chị kể: “Cơ duyên” đầu tiên đưa chị đến với các em học trò nghèo đó là thông qua người thân, chị biết được hoàn cảnh của em Dương Cẩm Phương. Phương có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Phương mồ côi cha, mẹ bị tai nạn liệt nửa người. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Phương rất hiếu thảo. Sau khi xuống tận nhà của Phương tìm hiểu, bằng ngòi bút của mình, chị đã viết về hoàn cảnh của Phương một cách xúc động, chân thật. Bài viết được đăng trên báo Thanh Niên. Bài báo đã có sức lay động, tạo được hiệu ứng xã hội và đã có rất nhiều mạnh thường quân tìm đến giúp đỡ để em có thể tiếp tục việc học tập, có điều kiện chăm sóc cho mẹ em tốt hơn.

Sau trường hợp của Cẩm Phương, chị bắt đầu chú ý đến những em học trò nghèo học giỏi tại ngôi trường mà chị đã và đang công tác suốt 20 năm qua. Bằng tâm huyết và tấm lòng nghề giáo, chị đã dùng ngòi bút của mình, giới thiệu gương vượt khó học tốt của các em học sinh trên các phương tiện truyền thông, mang về hàng trăm triệu đồng học bổng giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống tiếp tục học tập.

Từ những hỗ trợ ấy đã tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo có điều kiện thực hiện được ước mơ hoài bão mà các em tưởng chừng không thể thực hiện được góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đến bây giờ, những học sinh ấy đã lên học THPT, vào đại học nhưng chị vẫn luôn dõi theo từng bước trưởng thành của các em. Chị luôn động viên, san sẻ để các em vượt khó vươn lên.

Chị bộc bạch: “Hình như em nào cũng để lại ấn tượng cho tôi. Mỗi em có một hoàn cảnh khó khăn riêng, nhưng ấn tượng nhất là sự miệt mài vươn lên. Tôi cảm phục trước nghị lực của các em. Các em đã cho tôi những bài học về sự vượt khó trong cuộc sống...”. Sự đồng hành của cô giáo Nguyễn Hồng Phượng với học sinh nghèo đã được Chương trình “Đuốc sáng Đông du” tặng giấy chứng nhận “Nhà giáo tâm huyết”, là 1 trong 7 giáo viên miền Đông Nam Bộ được báo Tuổi Trẻ tặng giấy chứng nhận “Cùng bạn vượt khó”, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Chị vinh dự là 1 trong 7 “Bông hoa đẹp nhất” trong “Vườn hoa thi đua” của tỉnh Tây Ninh tham dự Đại hội thi đua toàn quốc năm 2015. Và mới đây nhất chị lại vinh dự đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GD-ĐT tỉnh Tây Ninh tham dự Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội ngày 10/6/2017.

Cuộc sống quanh ta hiện hữu rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Có những việc làm bình dị, âm thầm; Có những việc làm, sự hy sinh lớn lao, cao cả... Nhưng tất cả đều là những bông hoa góp phần tô điểm cho vườn hoa cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn. Bác Hồ kính yêu từng nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp… cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Rừng hoa đẹp của dân tộc sẽ thiếu đi hương sắc nồng nàn nếu như không có sự góp mặt của cô giáo Nguyễn Hồng Phượng. Chị là tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác. Chị là tấm gương sáng, một nhà quản lý giỏi, một nhà giáo mẫu mực để mỗi chúng ta học tập và noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ