(GD&TĐ) - Chơi cùng nhóm, học cùng lớp, cùng trường, cùng có niềm đam mê với môn Hóa,… và cùng đỗ thủ khoa khối ngành kinh tế, Nguyễn Khánh Linh và Nguyễn Vũ Duy Hiếu đã trở thành niềm tự hào của trường THPT Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội).
Dưới ngôi trường 12 năm tuổi, những ngày này mọi người đang truyền nhau câu chuyện về đôi bạn học sinh trường làng đỗ thủ khoa. Có lẽ gia đình luôn là nền tảng và tạo mọi điều kiện cho các em học tập. Chính những sự kì vọng đó trở thành động lực giúp đôi bạn này làm nên những kì tích mới.
Thêm một điểm số cao là thêm niềm vui nhỏ
Ngày biết mình đỗ thủ khoa, Khánh Linh (28,5 điểm, khoa Tài chính Ngân hàng, Học viện Ngân Hàng) không giấu được niềm vui và cả sự bất ngờ. Nhưng với những ai biết Linh thì đó lại không phải điều bất ngờ vì 12 năm học Linh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và đạt 51,5 điểm trong kì thi tốt nghiệp. Linh nuôi dưỡng ước mơ trở thành doanh nhân thành đạt từ những ngày bắt đầu học cấp 3. Chính ước mơ đó đã thôi thúc Linh phải cố gắng học tốt, đặc biệt những môn khối A để rút ngắn chặng đường thành công của mình.
Là một người trầm tính nhưng lại rất chín chắn, sống nội tâm nhưng luôn độc lập trong suy nghĩ vì vậy ngay từ những ngày học cấp I, Linh không bao giờ để “cái tiếng” mẹ là giáo viên của trường ảnh hưởng tới sức học của mình. Cậu em Nguyễn Trọng Bình (năm nay lên lớp 9) cũng học được ở chị đức tính đó. Hai chị em cùng chia sẻ với nhau những bài tập khó, qua đó Linh vừa có thể dạy em học bài lại vừa củng cố được kiến thức cơ bản. Những lúc rảnh rỗi, Linh giúp bố mẹ làm việc nhà, đánh cờ cùng Bình, đi bộ với mẹ hay đơn giản chỉ là nghe một bản nhạc để giảm bớt căng thẳng sau những phút học tập miệt mài.
Mỗi ngày Linh dành cho mình khoảng 4 – 6 tiếng đồng hồ để tổng hợp kiến thức và làm bài tập mới |
Ngoài những giờ học trên lớp, khoảng thời gian trao đổi cùng thầy cô, bạn bè và những lúc tự học ở nhà, Linh còn chọn cho mình phương pháp học trên mạng, tham gia một số diễn đàn như www.marth.net để giao lưu trực tuyến cùng cộng đồng mạng, cùng tìm ra đáp số cho những bài tập khó và trao đổi phương pháp học hiệu quả. Linh luôn khâm phục các bạn vì ai cũng giỏi, nhiệt tình và luôn có những cách giải nhanh đầy sáng tạo nhưng lại rất phù hợp với sự tiếp cận của học sinh.
Dù là người sống tự lập nhưng Linh rất thích học nhóm để loại bớt những băn khoăn hay những sai lầm mắc phải trong phương pháp làm bài và học tập, và học hỏi thêm ở các bạn trong nhóm những điều hay, cả những đức tính tốt. Có lẽ vì thế mà Linh tham gia khá nhiều nhóm ở lớp, ở trường: Nhóm làm đề thi thử, nhóm học hóa, nhóm thích nghe nhạc, nhóm các bạn thích tự ra đề, tự trao đổi và tự giải,… cùng với các bạn cũng cùng sở thích với mình như bạn Phan Quân, Lê Thị Thu Minh, Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Vũ Duy Hiếu,… Và đặc biệt Linh rất thích tham gia các kì thi thử để xem khả năng của mình tới đâu và rèn luyện sự tự tin trước những ngày bước vào kì thi. Trước ngày thi, em còn viết tất cả các công thức ra giấy 1 cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất nhằm giúp quá trình ôn luyện, tổng hợp của mình đơn giản hơn. Chính những sự chuẩn bị kĩ càng đó đã giúp Linh có được kết quả ngày hôm nay.
“Biển học mênh mông lấy chuyên cần làm bến, mây xanh không lối lấy chí cả dựng lên” – Câu danh ngôn Linh bất chợt bắt gặp trong cuốn Cẩm nang ôn thi đại học môn Lý của thầy Nguyễn Anh Vinh đã khiến Linh suy nghĩ nhiều và tiếp thêm cho em niềm tin, nghị lực để học tập tốt mặc dù con đường phía trước có thể còn nhiều ngã rẽ nhưng Linh tin vào những gì mình đã chọn.
Không có nhiều năng khiếu nổi bật nhưng các hoạt động của trường, lớp luôn được Linh ủng hộ nhiệt tình bằng chính sức mình như tham gia văn nghệ, làm báo tường,…
Trước khi chúng tôi ra về, mẹ Linh còn bật mí bí quyết mà cô con gái nhỏ của mình luôn coi như bùa hộ mệnh của cả năm. Năm nào cũng thế cứ đúng giao thừa Linh lại lấy sách vở ra và chọn bài khó để làm, Linh làm cho tới khi nào ra kết quả mới thôi. Và Linh không quên nở nụ cười lạc quan khi đã làm 1 điều hên cho cả năm.
Sắp xếp thời gian học cân bằng và khoa học
Không có thành tích học tập ở trường nổi bật như Linh, 12 năm đều là học sinh tiên tiến vì môn văn luôn là điểm yếu, nhưng Nguyễn Vũ Duy Hiếu đã khiến mọi người không khỏi khâm phục khi em đạt thủ khoa trường Học viện Tài chính, ngành Kế toán – Kiểm toán với số điểm 28. Hiếu có một thời gian dài ngày nào cũng nội thành – ngoại thành để theo học hai trường: học đàn ở khoa AGO, hệ trung cấp trường Mĩ thuật và học văn hóa tại trường làng.
Cũng tham gia các nhóm cùng Linh, cũng chọn cho mình các diễn đàn để học tập, trao đổi nhưng Hiếu lại có cách học “thoáng” hơn các bạn mình. Nhìn 1 bài tập, Hiếu tìm ra cách giải rất nhanh nhưng không bao giờ em viết ra hay ngồi gõ tỉ mỉ post lên diễn đàn vì khoảng thời gian đó Hiếu muốn dành để nghĩ ra thêm những cách giải mới cho cùng một bài tập. Đó là cách học mạo hiểm nhưng Hiếu lại thích những điều mạo hiểm và khó khăn vì em là người có tính độc lập rất cao.
Trong mọi kì thi thử, Hiếu đều đạt điểm cao nhất trường nhưng khi thi đại học em lại về sau Khánh Linh 0,5 điểm, “điều đó làm em hơi xấu hổ” – Hiếu cười. Hiếu đam mê kinh doanh nhưng em vẫn luôn ước mơ được trở thành bác sĩ vì với Hiếu đó là một nghề cao quý có thể cứu sống nhiều người, nhưng đang chảy trong em còn có dòng máu của một người nghệ sĩ cùng song hành với cây đàn organ, đàn accos. Trong kì thi đại học năm nay, Hiếu chọn cho mình thêm trường Đại học Y. Dù chưa có điểm thi nhưng theo đánh giá kết quả bài làm, Hiếu chấm cho mình điểm là 26. “Nếu không đỗ thủ khoa em sẽ chọn cho mình trường y, còn giữa một doanh nhân và một người nghệ sĩ có lẽ cái đích cuối cùng em đi vẫn là doanh nhân còn nghệ sĩ chỉ là cánh tay trái”.
Hiếu chơi nhạc bên cây đàn organ |
“Cánh tay trái” ấy bắt đầu nhen nhóm trong Hiếu từ năm học lớp 4, khi bố mẹ cho em tự chọn phần thưởng, Hiếu đã không ngần ngại chọn cho mình cây đàn organ. Đơn giản lúc đó chỉ xuất phát từ sở thích cá nhân, mãi sau này nó mới thành niềm đam mê. Cô Vũ Lan Thúy (mẹ Hiếu) thấy con chọn phần thưởng đó thì vui lắm và cô còn hướng cho Hiếu đi thi vào trường Mĩ thuật. Năm lớp 6, Hiếu thi đỗ vào trường Mĩ thuật. Từ đây cũng bắt đầu những ngày học tập vất vả nhưng cũng rèn thêm cho Hiếu tính tự lập. Chỉ có những ngày đầu mới đi học, có anh trai Nguyễn Vũ Trung đưa đi, sau khi anh đi học, Hiếu 1 mình bắt xe bus đi học, những ngày nào thời gian gấp rút bố phải lên tận trường đón Hiếu để về kịp giờ học văn hóa ở trường làng. Nhiều hôm lịch học bị trùng, em phải ưu tiên cho giờ học ở trường Mĩ thuật rồi về nhà mượn vở bạn bè chép và xem lại bài. Năm nào Hiếu cũng giành được học bổng, cùng với điểm thủ khoa đại học có lẽ đó là sự đền đáp xứng đáng nhất với công sức mà Hiếu đã bỏ ra trong suốt thời gian dài. Chính vì thời gian học được Hiếu cân bằng và sắp xếp khoa học để luôn đạt kết quả cao càng khiến mọi người khâm phục Hiếu hơn.
Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống, Hiếu còn tự soạn ra cho mình những đoạn nhạc và em sẽ hoàn thành những đoạn nhạc đó khi mình đủ chín chắn hơn và coi đó như cách xả stress sau những giờ học căng thẳng. Thỉnh thoảng em cũng “trốn học” đi đá bóng cùng các bạn – Hiếu cười. Được biết thêm một môn nghệ thuật, Hiếu vẫn thường san sẻ điều đó trong những buổi trường tổ chức văn nghệ. Em còn tham gia văn nghệ cụm Mê Linh – Sóc Sơn và “rinh” về giải 3.
Ngôi trường THTP Trung Giã tập trung học sinh của 5 xã nghèo trong khu vực, đây là hai trường hợp đầu tiên của huyện đỗ thủ khoa nên những ngày này cả thầy hiệu trưởng Lê Thế Thịnh cùng các cán bộ công nhân viên, học sinh toàn trường đang rất hân hoan với những thành tích mà học trò trường mình mang về. “Hai em Khánh Linh và Duy Hiếu đã trở thành niềm tự hào của trường” – thầy Thịnh chia sẻ.
Nguyễn Huệ