Câu chuyện chàng thủ khoa 9X trở thành thủ lĩnh cộng đồng

Hoàng Tuấn Anh – chàng trai thủ khoa năm nào đã vươn mình trở thành thủ lĩnh tổ chức sinh viên AIESEC và làm giàu cho bản thân những trải nghiệm quý báu thông qua các chương trình hội nhập, giao lưu quốc tế.

Câu chuyện chàng thủ khoa 9X trở thành thủ lĩnh cộng đồng

Học hỏi là câu chuyện cả đời

Với Tuấn Anh, học hỏi không chỉ dừng lại ở việc đạt được tấm bằng – vật đảm bảo cho tương lai ổn định. “Xung quanh mình có những người liên tục học tập không kể tuổi tác. Có một bác gái bằng tuổi mẹ, sau khi nghỉ hưu mở cửa hàng riêng, tự mày mò học chụp ảnh, photoshop sản phẩm, rồi cập nhật mạng xã hội, rất năng động trẻ trung.

Mình nghĩ khi một người tiếp tục tìm hiểu về bản thân và tìm đến những tri thức mới thì đời sống tâm hồn sẽ không bao giờ bị già đi”, Tuấn Anh nói.

 Hoàng Tuấn Anh - Phó Chủ tịch AIESEC tại Việt Nam

Hoàng Tuấn Anh - Phó Chủ tịch AIESEC tại Việt Nam

Trong một năm gần đây, Tuấn Anh còn nhận thức một cách sâu sắc mối liên hệ giữa học và dạy (teaching). Theo Tuấn Anh, “teaching” không chỉ diễn ra trong môi trường giáo dục chính thống như trường lớp, mà còn là sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống đời thường hằng ngày.

“Công việc của mình ở AIESEC liên quan nhiều đến mảng đào tạo, mình nhận ra rằng học hỏi là một mong muốn rất cơ bản của con người để luôn cải thiện bản thân và hoàn thành công việc tốt hơn. Chính vì thế sẽ luôn cần những người sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết với người xung quanh.

Quan trọng hơn, việc "dạy" cũng là cách để chiêm nghiệm và làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Thế nên việc dạy và học tuy một là hai, tuy hai là một. Người dạy, người tư vấn cần khiêm tốn đủ để không ngừng học hỏi làm mới bản thân; cũng như người học cần đủ tự tin để không ngại sẻ chia tri thức cho mọi người xung quanh mình".

Người thủ lĩnh cần bản sắc riêng

Tuấn Anh cho rằng ai cũng có thể trở thành lãnh đạo, nhưng đó là một quá trình thử thách cần nhiều nỗ lực, không hề dễ dàng. “Theo quan điểm hiện đại, không còn tồn tại một hình mẫu lý tưởng cố định nào cho người lãnh đạo.

Mỗi người khi được đặt vào vị trí thủ lĩnh, với cá tính và bản sắc riêng sẽ có những tố chất nhất định để hoàn thành tốt vai trò của mình. Nhưng chúng ta cần hiểu tố chất đôi khi nằm ở dạng tiềm năng, cần được khám phá và rèn luyện qua nhiều trải nghiệm, như ngọc không thể sáng và đáng giá nếu thiếu tay thợ mài giũa".

 Hoàng Tuấn Anh tại cột cờ Lũng Cú.

Hoàng Tuấn Anh tại cột cờ Lũng Cú.

Theo Tuấn Anh, thủ lĩnh không cần phải là người giỏi nhất, mà là người hiểu được những giá trị riêng mà bản thân có thể mang đến cho đội nhóm ở các thời điểm nhất định. Với Tuấn Anh, giá trị đó là khả năng lắng nghe, thấu hiểu.

“Mình nhận ra những cuộc chuyện trò là nền tảng của sự tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau. Trong quá trình làm việc, không tránh khỏi những mâu thuẫn hoặc khó khăn, nếu không được lắng nghe kịp thời, không được thấu hiểu một cách sâu sắc và tiếp thêm động lực đúng lúc, thì các thành viên sẽ khó hoàn thành công việc hiệu quả”.

Một điều Tuấn Anh thường xuyên làm khi đảm nhận vai trò leader là chỉ rõ những đóng góp có ý nghĩa của mỗi thành viên cho sự phát triển chung của tổ chức. “Có nhiều bạn khi làm những việc nhỏ nhặt, tủn mủn sẽ có đôi lúc cảm thấy không có ý nghĩa, dễ sinh chán nản.

Vai trò của người thủ lĩnh là động viên, khích lệ các bạn để mỗi người nhận ra sứ mệnh riêng của bản thân, cũng như làm rõ sự kết nối giữa công việc (nhỏ) của các bạn đối với tầm nhìn lớn của tổ chức. Mỗi sự cố gắng đều đáng trân trọng, mỗi công việc dù lớn hay nhỏ đều có ý nghĩa”.

Khi tạo ra giá trị cho cộng đồng thì thành công sẽ theo đuổi bạn

Từ chuyến đi Anh (năm 2015) với 4 ngày đào tạo khả năng tổ chức, lãnh đạo với mục tiêu truyền lửa cho những công dân tích cực tạo nên sự thay đổi cho bản thân và cộng đồng, Tuấn Anh đã nhận thức rõ ràng hơn về sứ mệnh của chính mình.

Tuấn Anh chia sẻ: “Ở Việt Nam, mọi người vẫn thường nghĩ việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong cộng đồng thuộc vai trò của " một ai đó" – có thể là tổ chức phi chính phủ, nhà nước, tình nguyện viên… Nhưng với mình, đó là trách nhiệm của mỗi người.

Các tiếp cận này rất bền vững, vì không thể nào có những người luôn luôn đứng ra giải quyết các vấn đề cho người khác. Chương trình mình tham dự như sự đánh thức cho mọi người biết rằng mỗi người đều có vai trò và khả năng, nên đứng ra hành động vì cộng đồng nơi mình thuộc về.

Bản thân là người tham dự trẻ nhất, mình có cơ hội làm việc với các bác, các anh chị lớn tuổi hơn khá nhiều.Điều mình thấy rõ nhất là tinh thần tình nguyện của họ cao như thế nào.Với họ, tình nguyện là một phần cuộc sống”.

Cũng từ đấy, Tuấn Anh cũng trăn trở về khái niệm: thế hệ tạo ra giá trị. Theo Tuấn Anh, khi mỗi người làm một việc gì đó, thành tích rất quan trọng, vì nó tạo ra động lực và ghi nhận năng lực.

“Song mình nghĩ, thành tích cần được phát triển, để trở thành thành tựu, nghĩa là phải tạo ra một giá trị nào đó có ý nghĩa cho cộng đồng. Và bằng cách tạo ra giá trị cho người khác, thì mình cũng đang tạo ra giá trị cho bản thân."

Bên cạnh đó, Tuấn Anh cũng đặt nhiều niềm tin ở người trẻ, nên cách tiếp cận là truyền lửa để các bạn nhận ra vai trò, sức mạnh của mình. “Đừng gọi các bạn là chủ nhân tương lai của đất nước, mà hãy gọi các bạn là chủ nhân hiện tại, là người giải quyết các vấn đề, thay đổi câu chuyện ngày hôm nay của thế hệ mình”.

Tuấn Anh mong muốn giúp các bạn trẻ hiểu chính mình, tìm ra thế mạnh, đam mê của bản thân và tạo ra được các giá trị cho cộng đồng.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.