Cậu bé mồ côi và ước mơ giúp mẹ thoát nghèo

GD&TĐ - Mồ côi cha từ nhỏ, Mào Văn Thống sớm quyết tâm học tốt để thỏa ước mơ của mẹ là được thấy con bước chân vào “cánh cửa” đại học.

Mào Văn Thống vượt hơn 100km từ trường về quê thăm mẹ. Ảnh: NVCC
Mào Văn Thống vượt hơn 100km từ trường về quê thăm mẹ. Ảnh: NVCC

Mục tiêu duy nhất mà em đặt ra đó là vào Học viện An ninh nhân dân để hưởng chính sách ưu đãi, bớt gánh nặng cho mẹ vì nhà quá nghèo…!

Khát vọng vươn lên từ phận nghèo

Câu chuyện về cậu trò nghèo người dân tộc Thái - Mào Văn Thống (lớp 12C6, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên) khiến nhiều người không khỏi rơi lệ.

Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Thống vẫn luôn cố gắng vươn lên, đạt kết quả cao trong học tập. Em là con út trong gia đình có 3 người con ở xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo. Cũng bởi nhà nghèo nên hai anh chị lớn của Thống ngay khi lập gia đình, ra ở riêng cũng vất vả không kém. Quanh năm họ bươn chải với ruộng lúa, nương ngô nên cũng chẳng có điều kiện để hỗ trợ nhiều cho mẹ già và em trai ăn học. Mẹ Thống đã ngoài 60 tuổi, song vẫn phải “lăn lộn” với ruộng vườn, cố lo đủ tiền nuôi em ăn học.

Gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập có những ngày không đủ lo bữa ăn, nhưng mẹ Thống vẫn luôn đặt hy vọng vào cậu con trai út. Bà Lò Thị Khắt tâm sự: “Cả nhà dồn hết cả vào cho Thống, chỉ mong con được đi học. Đi học là có cơ hội mà thoát nghèo”.

Năm Mào Văn Thống học lớp 8, bố đột ngột qua đời. Cũng từ đó, gánh nặng của cả gia đình đổ dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ. Thương mẹ tảo tần, đã có lúc Thống tính đến việc nghỉ học ở nhà, đi làm thuê có tiền phụng dưỡng mẹ. Song nghĩ đến nỗi vất vả của mẹ suốt bao năm, em dặn mình phải nỗ lực hơn.

Lên cấp 3, Thống chọn thi vào trường PTDTNT tỉnh. Trường học cách nhà hơn 100 cây số nhưng em tự hứa với lòng mình phải cố gắng thi vào đó để được học bổng, Nhà nước hỗ trợ ăn, học, mẹ sẽ bớt áp lực về kinh tế.

Thống luôn miệt mài tự học tập với quyết tâm học giỏi để làm chiến sĩ công an nhân dân. Ảnh: NVCC
Thống luôn miệt mài tự học tập với quyết tâm học giỏi để làm chiến sĩ công an nhân dân. Ảnh: NVCC

Khát khao trở thành chiến sĩ công an

Suy đi, tính lại, nếu có thi đỗ vào các trường đại học khác mà không có chính sách hỗ trợ thì ước mơ của em cũng đành dang dở, bởi nhà nghèo, chẳng có tiền nhập học và mẹ cũng chẳng đủ lực để nuôi ăn học. Bởi thế, mục tiêu duy nhất của em là đỗ vào Học viện An ninh nhân dân để hưởng các chế độ, chính sách mà nhiều ngôi trường khác không có được.

Để thực hiện ước mơ này, nhiều năm qua, Thống đã không ngừng nỗ lực học tập. Sự cố gắng của em cũng được đền đáp xứng đáng. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vừa qua, Mào Văn Thống đạt 27 điểm ở khối C01 và 26,65 điểm ở khối C03. Điểm thi ở các môn: Toán 8,4; Ngữ văn 8,75; Lịch sử 9,5 và Địa lý 8,75. Số điểm này tuy chưa chắc chắn dành “tấm vé” đi tiếp, song cũng đưa em đến gần hơn với ước mơ mà bản thân hằng ấp ủ.

Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C6 Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Thống là học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Có lẽ cũng bởi hoàn cảnh khá đặc biệt nên đôi lúc, em hay trầm tư như thể đang lo lắng điều gì đó. Tuy nhiên, em vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập. Đặc biệt, em rất giàu tình cảm, yêu thương gia đình, có trách nhiệm với gia đình, thầy cô, bạn bè”.

Nói về bí quyết đạt điểm cao, Thống cho biết, em thường chú ý lắng nghe rồi tích lũy kiến thức từ những bài giảng của thầy cô. Thời gian còn lại, em tự học bằng cách lên mạng tìm kiếm các dạng đề để tự học, tự luyện. Với những bài mà bản thân không thể giải được thì nhờ thầy, cô hướng dẫn.

Cầm bảng điểm thi tốt nghiệp trong tay, song Mào Văn Thống vẫn như đứng giữa ngã ba đường bởi em chỉ có duy nhất một sự lựa chọn. “Ước mơ là vậy, nhưng em vẫn lo mình không thực hiện được. Bởi nếu không đỗ vào ngôi trường như mong muốn thì con đường đến với giảng đường của em trở nên xa vời. Nhà em không có tiền nhập học, cũng chẳng có tiền để trang trải, chi phí học tập trong những năm tiếp theo nếu không vào ngôi trường được Nhà nước bao cấp”, Mào Văn Thống ngậm ngùi.

“Không còn bố, em chỉ có mẹ là điểm tựa duy nhất. Mỗi khi nghe mẹ kể về ước mơ được nhìn thấy em đứng ở giảng đường đại học, cầm tấm bằng cử nhân, em lại tự nhủ nhất định phải học thật giỏi. Sự hy sinh và kỳ vọng của mẹ chính là động lực để em nuôi dưỡng khát vọng của mình” - Mào Văn Thống bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ