Một đứa trẻ ngoan, có hiểu biết là một đứa trẻ khi ở nhà hay đi ra ngoài chúng đều có thể cư xử lịch sự với mọi người xung quanh. Nhưng nếu con bạn bị người khác mắng là “thằng quỷ sứ”, “thằng bé không có giáo dục”, bản thân là phụ huynh, bạn sẽ xử lý như thế nào?
Có một câu chuyện thế này.
Một ngày nọ, cậu bé QiQi vui vẻ nghịch ngợm trong thang máy. Cậu bé ấn hết các nút trong buồng vì muốn cho cho mẹ vui. Nhưng không ngờ sự việc đó lại khiến mọi người trong thang máy tỏ ra tức giận. Mọi người xôn xao trách mắng:
“Cái thằng bé này thật là vô văn hóa ”.
“Đúng thế. Tôi cũng đang nhanh nhanh về nấu cơm. Nó làm thế này lỡ mất bao nhiêu thời gian của tôi”.
“Hết trò. Sao lại ấn hết cả thang máy thế kia. Muốn bị đánh đây mà”.
“Bọn trẻ bây giờ ngày càng phá phách, thật chẳng ra gì. Hôm trước tôi cũng bị như vậy. Tức chết đi được”.
Cậu bé lúc đó rất sợ hãi, hai má đỏ ửng lên xấu hổ. Cậu không biết rằng hành động của mình lại khiến mọi người khó chịu như vậy. Cậu bé sợ đến phát khóc.
Người mẹ thấy con như vậy nhanh chóng kéo con vào lòng và quay ra mọi người thành khẩn nói: “Thật xin lỗi mọi người, con tôi không phải cố ý, chỉ là hơi nghịch ngợm một chút. Bây giờ cháu nó biết sai rồi”. “Đúng không con”, người mẹ quay sang đứa con và nói tiếp: “Xin lỗi các cô chú đi”.
Cậu bé ngẩng đầu lí nhí: “Cháu xin lỗi ạ”.
Người mẹ này còn tỏ ra nghiêm khắc hơn khi bắt con phải đọc số để mọi người biết đó là tầng mấy. Khi ai đó đi ra phải khoanh tay nói: “Cháu xin lỗi vì đã làm phiền cô bác”.
Cậu bé lập tức vui vẻ chấp hành ngay và dường như còn cảm thấy bớt tội lỗi.
Mọi người đều lấy làm ngạc nhiên. Mặc dù lúc đầu thì ai cũng nhăn mày cau mặt nhưng dần dần cũng tỏ ra hài lòng hơn. Mọi người ra khỏi thang máy còn quay lại động viện cậu bé: “Cảm ơn cháu”. Có người thậm chí còn nói: “Không sao. Chuyện nhỏ thôi mà”.
Người mẹ vui vẻ đáp lại: “Bác cứ để cháu nó sửa lỗi để lần sau còn nhớ”.
Hành động của người mẹ tuy nhỏ nhưng lại có tác dụng rất lớn. Điều đó vừa giúp con cảm thấy đỡ xấu hổ, lại giúp con giữ được lòng tự trọng. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ hình thành thói quen tốt, giúp chúng trưởng thành và nhân ái với mọi người.
Ngoài ra bố mẹ cũng nên lưu ý những thói quen không tốt ở trẻ.
Thứ nhất: trẻ nghịch ngợm không nghe lời, thích tranh đồ của bạn và đánh nhau với bạn.
Thứ hai: trẻ khi ăn cơm không để quan tâm đến người khác, chỉ lấy thức ăn vào đĩa mình. Món ăn mình thích là giữ chặt không chia sẻ với bất kì ai.
Thứ ba: trẻ nghĩ bản thân là trẻ con nên lúc nào cũng yêu cầu người khác đáp ứng nguyện vọng của mình, không được thì khóc lóc ăn vạ.
Thứ tư: trẻ lúc không vui thì không nghe lời người lớn và chỉ thích ném đồ vật.
Thứ năm: trẻ bắt chước những câu từ bậy và nói không kiểm soát.
Thực sự trẻ vẫn chưa định hình được việc làm của mình. Lúc này bố mẹ nên kịp thời giáo dục chúng. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, việc bồi dưỡng đạo đức thường có quan hệ chặt chẽ với kĩ năng xã hội.
Bất luận ở nhà hay ở ngoài trẻ nên học cách thích nghi với mọi người, biết lịch sự, không làm phiền người khác, nghiêm túc lắng nghe người khác nói, nói lời hay lẽ phải, học cách chờ đợi và chấp nhận sự từ chối... Những điều này đòi hỏi các bậc cha mẹ cần phải kiên trì. Dạy trẻ có một kĩ năng xã hội tốt sẽ khiến tương lai chúng tràn đầy hi vọng. Bạn sẽ trở thành người giáo viên vĩ đại nhất trong cuộc đời của chúng.