Cấp thiết!

Cấp thiết!

(GD&TĐ) - Từ năm học 2013-2014 sẽ đưa nội dung phòng chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục (từ bậc THPT trở lên). Đây là chỉ thị vừa được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành thực hiện nhằm nâng cao sự hiểu biết và vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong PCTN.

 

Vì sao có chỉ thị này? Xin kể câu chuyện dưới đây từ một cán bộ ngoại giao. Một nhóm người Việt sang Đức lao động, học tập tự túc. Họ gặp không ít khó khăn về chỗ ở, đi lại. Biết chuyện, nhà máy nơi họ làm việc đã nhờ một viên chức của thành phố xin cho họ được ở một ký túc xá gần đó với chi phí rất thấp, gần như miễn phí. Để tạ ơn, nhóm người Việt mua một bình gốm từ trong nước tặng viên chức nọ. Người này từ chối dù rất thích bình gốm. Năn nỉ thế nào ông cũng không nhận vì quy chế viên chức tại đây cấm nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Nhóm người Việt giải thích đây là phong tục của người Việt để tỏ lòng biết ơn, nếu không nhận họ sẽ buồn. Nghe vậy ông miễn cưỡng nhận. Một thời gian sau, nhóm người Việt đến chào ông về nước. Họ thấy trong văn phòng còn đó bình gốm ngày nào. Viên chức này không có ý nghĩ mang về nhà làm của riêng.

Câu chuyện hẳn làm nhiều người ngạc nhiên. Tặng quà để cám ơn ai đã giúp đỡ mình là việc bình thường ở nước ta. Người tặng vô tư mà người nhận cũng vô tư. Thực tế cho thấy hiện có nhiều người chưa hiểu biết tường tận về hối lộ, tham nhũng; một hành vi như thế nào thì bị coi là hối hộ, tham nhũng.

Tham nhũng được định nghĩa là việc lạm dụng quyền lực để đạt được những lợi ích cá nhân. Theo một báo cáo của Thanh tra Chính phủ, một số ngành, một số lãnh vực ở nước ta dễ xảy ra tham nhũng là nhà đất, xây dựng, hải quan, thuế vụ, cảnh sát giao thông, giao thông vận tải… Theo xếp hạng Nhận thức về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố năm 2010 thì Việt Nam được 2,7 trên 10 điểm (những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có tình trạng tham nhũng cao). Sang năm 2011, số điểm của Việt Nam là 2,9 và năm 2012 là 3,1. Điều này cho thấy tham nhũng ở nước ta vẫn là vấn nạn chưa có dấu hiệu giảm.

Tham nhũng gây thiệt hại, thất thoát rất lớn về tài sản của Nhà nước. Một khảo sát cho thấy tham nhũng đã gây thiệt hại khoảng 30% nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng. Tham nhũng cũng làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền. Tham nhũng còn làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, nguồn gốc gây ra các tệ nạn xã hội.

Theo GS Stephen P.Heyneman, Đại học Vanderbilt (Mỹ), trường học được coi là nơi tôi luyện cho thế hệ mai sau, bởi vậy nơi đây dứt khoát không có đất sống cho tham nhũng. Tuy vậy, những nghiên cứu gần đây cho thấy tham nhũng trong giáo dục cũng tồn tại như bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tính công bằng, trong sạch vốn được cho là đặc tính cơ bản của lĩnh vực giáo dục đang ngày càng bị xâm phạm bởi các lợi ích cá nhân, nhóm cá nhân, bởi cả các gia đình hay tổ chức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng như pháp luật còn kẽ hở, thủ tục hành chính phiền phức gây ra tệ nhũng nhiễu, bộ máy cán bộ, công chức thiếu tâm, lương thấp... Tuy nhiên, còn một nguyên nhân theo chúng tôi là khá cơ bản: Đó là việc thiếu hiểu biết về tham nhũng. Không hiếm cán bộ khi ra đứng trước vành móng ngựa vẫn ngây thơ khai nhận không biết việc mình làm là phạm vào tội tham nhũng!

Chống tham nhũng là chủ trương lớn của Nhà nước, trong nhiều năm qua đã được nhiều ngành, địa phương thực hiện một cách quyết liệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phanh phui. Tuy nhiên, cần khách quan nhìn nhận đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, khó khăn. Tại buổi ra mắt Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban, Tổng Bí thư đã phát biểu: “PCTN là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp...”.

Bởi vậy, trong lúc này, chỉ thị đưa nội dung PCTN vào nhà trường là việc làm cấp thiết!

Từ Nguyên Thạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ