Cao điểm nắng nóng tại các tỉnh phía Nam: Bảo đảm an toàn bữa ăn cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nắng nóng là điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh.

Đồ ăn vặt ngoài cổng trường tiềm ẩn nhiều mối nguy hại tới sức khoẻ của trẻ.
Đồ ăn vặt ngoài cổng trường tiềm ẩn nhiều mối nguy hại tới sức khoẻ của trẻ.

Nắng nóng là điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh. Nhiệt độ tăng cao khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm nên khi tiếp xúc với thực phẩm bẩn sẽ dễ bị ngộ độc, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Phòng ngừa từ bếp ăn nhà trường

Thời tiết ở khu vực Nam Bộ và TPHCM đang vào cao điểm nắng nóng, giai đoạn này có thể kéo dài đến giữa tháng 4. Do ảnh hưởng của hiện tượng EL Nino, mùa nắng nóng năm nay nhiệt độ có thể đạt mức cao kỷ lục 39 - 40 độ C.

Theo Sở An toàn thực phẩm TPHCM, đặc trưng thời tiết mùa nắng nóng là nhiệt độ cao cùng với độ ẩm cao. Môi trường này là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận.

Nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm, nấu ăn hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để ở điều kiện nhiệt độ thông thường quá lâu. Nắng nóng nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bày bán không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ đầu tư Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12, TPHCM) cho biết, nhà trường luôn tăng cường kiểm tra, giám sát vấn đề vệ sinh bếp ăn, đồ dùng, dụng cụ chế biến. Khu chín, khu sống phải được đảm bảo thực hiện đúng, nghiêm túc.

“Trong khâu tiếp nhận nguồn thực phẩm từ công ty cung cấp, tất cả nguồn gốc nhà trường nhập về phải có giấy kiểm định cụ thể và đảm bảo bảo quản đúng quy cách, nhiệt độ đối với các nguyên liệu nấu và chờ nấu trong ngày cho trẻ”, bà Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo phải luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, thực hiện đúng các bước rửa tay cho trẻ theo quy định. Nhà trường cũng đã tuyên truyền với phụ huynh trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa nắng nóng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn về bếp ăn tập thể, quy định về lưu mẫu thực phẩm. Những người tham gia chế biến phải được tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không có bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa…

Các thầy cô giáo khi tổ chức ngoại khóa, tổ chức ăn uống cho học sinh cần đảm bảo các nguyên tắc về an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bán ở những nơi có đủ giấy tờ pháp lý.

Không ăn hàng rong

An toàn vệ sinh thực phẩm mùa nắng nóng là điều mà các đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú cần đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, mọi người cũng nên hạn chế mua những món ăn bán rong trước cổng trường, ngoài đường trong thời tiết mùa Hè nóng nực, khói bụi.

Theo ghi nhận, những món ăn như tôm viên, cá viên, bò viên, phô mai chiên, xúc xích, thịt xiên nướng, nước uống màu đỏ cam... cùng các loại bánh kẹo không nguồn gốc, không xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng được bày bán nhiều trước các cổng trường ở TPHCM.

Anh Đoàn Ngọc Duy (TP Thủ Đức) có con gái 8 tuổi cho biết, để bảo vệ sức khỏe cho con, anh luôn dặn bé tránh xa những món ăn vặt ngoài cổng trường. Anh Duy chia sẻ, cha mẹ không nên nuông chiều con và hạn chế cho tiền tiêu vặt, không mua đồ ăn ở cổng trường, tránh những hệ lụy xấu về sức khỏe cho con em mình.

BS.CK1 Trương Thị Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm thuận lợi bùng phát một số mặt bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn); say nóng, say nắng (sốc nhiệt); các bệnh về da (rôm sảy, viêm da do nhiệt, viêm da dị ứng).

“Trong các nhóm bệnh này sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ”, bác sĩ Phú nhấn mạnh.

Các bệnh lý của đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do virus, ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác như lỵ, tả có triệu chứng sốt, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đau bụng, tiêu đàm máu… và một số dấu hiệu đặc trưng khác tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ Phú khuyến cáo, phụ huynh hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có một trong các dấu hiệu như trẻ không tỉnh táo, lừ đừ, không uống được, mất nước diễn tiến nặng, không có nước tiểu trong vòng 6 - 8 giờ, khóc không có nước mắt, da môi khô, mắt trũng. Tiêu chảy trên 2 ngày không giảm, tiêu chảy có sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu hay bất kể dấu hiệu nào khiến phụ huynh lo lắng.

Nắng nóng là điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển nên thực phẩm tươi sống cần được bảo quản đúng cách.

Nắng nóng là điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển nên thực phẩm tươi sống cần được bảo quản đúng cách.

Biện pháp phòng ngừa

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến cáo, ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Do vậy, biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm là một kỹ năng quan trọng mà mọi người nên nắm vững.

Người dân nên ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng. Luôn trang bị vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống, nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến.

Khi không để thực phẩm vào tủ lạnh cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi, muỗi. Thức ăn thừa nên hâm ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn. Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn; trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh... Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ.

Trên 47% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học là do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng), hơn 5% do độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm), trên 5% do hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 42% chưa xác định được căn nguyên, theo ông Cao Văn Trung, Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ