Nắng nóng gay gắt tại TPHCM: Tăng cường phòng dịch trong trường học

GD&TĐ - Theo hệ thống giám sát dịch tễ bệnh truyền nhiễm của TPHCM, trong 11 tuần đầu năm, thành phố đã có 1495 ca tay chân miệng đến khám và nhập viện.

Tháng 3, 4 là thời điểm nắng nóng ở TPHCM. Ảnh: ITN
Tháng 3, 4 là thời điểm nắng nóng ở TPHCM. Ảnh: ITN

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tháng 3, tháng 4 hàng năm là khoảng thời gian thường ghi nhận gia tăng các trường hợp bệnh tay chân miệng, thủy đậu, quai bị và có thể hình thành các chùm ca bệnh trong các trường học hoặc những khu vực tập trung nhiều trẻ em.

Nghỉ học vì trong lớp có trẻ bị bệnh

Hai ngày nay, chị Phạm Thị Minh Huyền (quận Bình Thạnh, TPHCM) phải cho con gái 3 tuổi đang học mẫu giáo nghỉ ở nhà vì ở trong lớp đã có 3 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Chị Huyền cho biết, lớp con chị học có 18 em, mọi sinh hoạt học tập, ăn uống, ngủ nghỉ của các bé đều chung một phòng học.

“Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, các bé còn quá nhỏ nên việc hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cũng rất khó. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, tôi phải chủ động cho cháu nghỉ học để chờ bớt dịch”, chị Huyền nói.

Con nghỉ học ở nhà, chị Huyền đã xin làm việc online để tiện trông con. Chị chia sẻ, thường xuyên cho con rửa tay bằng xà phòng, mua thêm trái cây có nhiều vitamin C. Nếu vài ngày tới trong lớp không có thêm ca mắc bệnh, chị Huyền sẽ cho con trở lại lớp.

Bà Vũ Thị Tú Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, trước tình trạng các bệnh trong thời điểm nắng nóng và giao mùa gia tăng, nhà trường đã có những biện pháp để hạn chế dịch bệnh và sự lây lan ở trẻ.

“Nhà trường thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh phòng dịch trước và trong lớp, khu vực sân chơi của trẻ, vệ sinh cho trẻ theo đúng lịch. Luôn duy trì hoạt động rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng cho các bé, giáo viên và người chăm sóc trẻ trước và sau khi ăn”, bà Trâm nói.

Ngoài ra, các lớp học đều đảm bảo dụng cụ uống nước riêng cho mỗi bé và được vệ sinh thường xuyên. Thực hiện khử khuẩn các khu vực trong trường, đặc biệt những bề mặt các bé thường tiếp xúc. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, xử lý rác thải hàng tuần hoặc khi cần thiết.

Hiện nay hầu hết trẻ mầm non và trẻ tiểu học đều ăn, ở bán trú tại trường. Vì vậy, khẩu phần ăn cho trẻ luôn được các trường đảm bảo đủ các chất cần thiết, bổ sung vitamin tăng sức đề kháng cho trẻ.

Theo bà Nguyễn Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bầu trời bé con (quận Gò Vấp, TPHCM), nhà trường theo định kỳ tổ chức khám sức khỏe cho trẻ. Nếu có dấu hiệu bất thường sẽ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất và phụ huynh để đảm bảo sức khỏe cho các bé. Những em mắc bệnh, nhà trường khuyến cáo phụ huynh không đưa trẻ đến trường để tránh lây nhiễm chéo cho các em khác.

Gia tăng dịch bệnh trong mùa nắng nóng

Theo hệ thống giám sát dịch tễ bệnh truyền nhiễm của TPHCM, trong 11 tuần đầu năm, thành phố đã có 1495 ca tay chân miệng đến khám và nhập viện. Riêng tuần vừa qua (tuần 11), TPHCM đã có 107 ca bệnh tay chân miệng, tăng 41% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Đối với bệnh thủy đậu, trong 11 tuần đầu năm có 328 ca bệnh thủy đậu được báo cáo, 4 tuần qua không ghi nhận ca mới.

Từ sau đợt dịch sởi năm 2019 đến nay, TPHCM không ghi nhận ca mắc sởi nào. Tuy nhiên, với tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi chưa đạt 95% (do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gián đoạn cung ứng vắc-xin trong 2 năm 2022 - 2023) nguy cơ xuất hiện ca bệnh sởi tại TPHCM là rất lớn, trong bối cảnh đã xuất hiện ca bệnh tại một số tỉnh thành khác trong cả nước.

Từ sau đợt bùng phát đau mắt đỏ (tháng 9/2023) đến nay, TPHCM chỉ còn ca rải rác, không ghi nhận các chùm ca bệnh này trong trường học.

Các bé tại Nhóm trẻ Hồng Hà (TP Thủ Đức) luôn duy trì việc rửa tay bằng xà phòng. Ảnh: Cẩm Anh

Các bé tại Nhóm trẻ Hồng Hà (TP Thủ Đức) luôn duy trì việc rửa tay bằng xà phòng. Ảnh: Cẩm Anh

Tăng cường công tác phòng chống

Bà Lê Hồng Nga cho biết, ngành y tế TPHCM luôn xem chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt phòng chống dịch bệnh trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học được triển khai thường quy và được sự giám sát chặt chẽ của trung tâm y tế, trạm y tế dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của HCDC.

Ngành y tế thành phố khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và người thân trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ và người chưa có miễn dịch.

Đó là thực hiện tiêm chủng theo lịch đối với tất các bệnh đã có vắc-xin như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm, phế cầu…

Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, không chỉ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh mà còn trước và sau khi chăm sóc trẻ nhỏ hoặc người bệnh, sau khi tiếp xúc động vật…

Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động thể lực phù hợp cũng góp phần nâng cao sức đề kháng đối với các bệnh truyền nhiễm.

“Nếu trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh, cần khám bệnh tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời thông báo ngay cho nhà trường được biết. Nếu được chẩn đoán là các bệnh truyền nhiễm, cần cho trẻ nghỉ ở nhà đúng thời gian quy định, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác, thai phụ hoặc người chưa có miễn dịch để tránh lây lan bệnh”, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ