Phòng chống bệnh tay chân miệng lan rộng

Cảnh báo triệu chứng trở nặng của bệnh chân tay miệng

GD&TĐ - Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, nhất là khi trẻ vào năm học mới. Kỹ năng vệ sinh cho trẻ, việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch, nhận biết dấu hiệu bệnh… là những lưu ý quan trọng cho cha mẹ học sinh.

Cha mẹ cần lưu ý đến các dấu hiệu trở nặng của tay chân miệng. Ảnh minh họa.
Cha mẹ cần lưu ý đến các dấu hiệu trở nặng của tay chân miệng. Ảnh minh họa.

Quấy khóc liên tục kéo dài, sốt cao liên tục, hay giật mình… là một trong những dấu hiệu của tay chân miệng khi bệnh trở nặng ở trẻ.

Có thể lây lan thành dịch

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, virus gây bệnh tay chân miệng dễ dàng lây lan nhanh chóng, trực tiếp từ người sang người thông qua dịch tiết từ mũi, miệng. Bệnh cũng lây lan do tiếp xúc trực tiếp qua đường miệng hay tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh.

Đối với tay chân miệng, giai đoạn ủ bệnh là thời gian lý tưởng nhất để phát tán virus gây bệnh. Các con đường lây nhiễm tay chân miệng ở trẻ thông thường là tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, cầm nắm đồ chơi, các vật dụng của trẻ bị bệnh.

Bên cạnh đó, ở trường học, trẻ có thể bị nhiễm do tiếp xúc với dịch mũi, dịch bọng nước của người nhiễm bệnh. Trẻ cũng có khả năng bị nhiễm virus qua bàn tay của người chăm sóc trẻ. Bệnh có thể lây lan thành dịch và gặp quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp được khuyến cáo. Đó là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày kể cả người lớn và trẻ em. Chú ý rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn. Thậm chí là trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Cần lưu ý ăn chín, uống sôi. Những vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, người lớn cần tránh mớm thức ăn cho trẻ. Đồng thời không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.

Các bậc phụ huynh cũng lưu ý, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Bên cạnh đó cần sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Các triệu chứng trở nặng

Nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu nguy hiểm nào ở trên, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám và can thiệp. Việc này giúp phòng ngừa các tình huống nguy hiểm như: Viêm não, viêm màng não, phù phổi cấp, viêm cơ tim, sốc dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan sát và lưu ý khi trẻ có những biểu hiện như giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần, run chân tay khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm. Hoặc trẻ có thể đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường, nôn trớ…

Bác sĩ Hằng cho biết, tay chân miệng trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh không nhận biết được các dấu hiệu trở nặng của bệnh.

Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý những triệu chứng bệnh tay chân miệng thể nặng.

Những triệu chứng dưới đây cho thấy tay chân miệng ở trẻ đã diễn biến sang thể nặng với nguy cơ biến chứng cao. Cha mẹ cần đưa trẻ tới khám và điều trị bác sĩ.

Quấy khóc dai dẳng. Khi bị tay chân miệng, trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15 - 20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ khóc vì bị đau do các nốt lở loét trong miệng. Nhưng thực tế, đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

Nếu tình trạng này nặng, trẻ quấy khóc nhiều suốt đêm hoặc chỉ ngủ được một ít rồi lại quấy khóc thì rất có thể virus đã gây nhiễm độc thần kinh. Đây chỉ là dấu hiệu sớm, biến chứng này sẽ còn nguy hiểm và gây những ảnh hưởng nặng nề hơn cho sức khỏe trẻ.

Sốt cao không hạ. Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng, điều trị hiệu quả sớm thì tình trạng sốt sẽ mau chóng biến mất. Tuy nhiên, khi virus tấn công gây nhiễm độc thần kinh nặng, trẻ sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, dù dùng thuốc Paracetamol cũng không hạ thì cần đưa trẻ đi khám y tế ngay. Khi đó, trẻ cần được 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.

Rối loạn ý thức. Rối loạn ý thức ở trẻ biểu hiện bằng việc trẻ bị ngủ gà, phản ứng chậm chạp, đi lại loạng choạng khó cân bằng. Cha mẹ cần theo dõi phát hiện sớm tình trạng này. Bởi đây rất có thể là biểu hiện báo hiệu huyết áp thấp, viêm não… do virus tay chân miệng.

Giật mình. Biến chứng nhiễm độc thần kinh ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng gây ra triệu chứng giật mình tần suất lớn, tăng theo thời gian kể cả khi trẻ chơi, ngủ hoặc sinh hoạt. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi đang chơi đùa.

Tiểu ít. Đây là dấu hiệu sớm cho thấy bệnh tay chân miệng phát triển sang thể nặng. Đó là do virus gây bệnh gây tình trạng rối loạn huyết động, suy thận, tụt huyết áp, khiến lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ giảm. Có thể quan sát và đánh giá tình trạng này bằng cách thu thập nước tiểu của trẻ và so sánh.

Khó thở. Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng như: Thở khó nhọc, cánh mũi phập phồng, thở nhanh hơn bình thường, có dấu hiệu co rút cơ hô hấp… thì rất có thể bệnh có thể gây suy tim, rối loạn huyết động. Khó thở có thể khiến trẻ tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời, hỗ trợ thở máy hoặc đặt nội khí quản.

Nhìn chung, phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng đều có triệu chứng nhẹ, diễn biến bệnh kéo dài 7 - 10 ngày là khỏi nếu chăm sóc điều trị tích cực. Tuy nhiên cũng có những trường hợp gặp phải biến chứng nguy hiểm, triệu chứng chuyển biến nhanh chỉ sau vài giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ