Nỗi lo… 'tay chân miệng'

GD&TĐ - Bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Năm 1997, cả thế giới chú ý đến bệnh này khi nó bùng nổ thành dịch tại Malaysia, sau đó là Đài Loan (1998). Trong vụ dịch có nhiều trường hợp xảy ra biến chứng viêm não gây bệnh cảnh phức tạp, nghiêm trọng và tử vong.

Mụn nước nổi trên tay, chân và miệng.
Mụn nước nổi trên tay, chân và miệng.

Tác nhân gây bệnh

Bệnh tay chân miệng, có tên viết tắt bằng tiếng Anh là HFMD (Hand, foot and mouth disease). Tên gọi này mang tính biểu trưng về hình ảnh khi các biểu hiện của bệnh tập trung chủ yếu tại ba bộ phận tay, chân và miệng.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Nhưng thực ra thì tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh và trở thành đối tượng mang mầm bệnh, tuy không có các biểu hiện mắc bệnh.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan ở mức độ trung bình và có thể bùng phát thành dịch trong các tháng hè thu. Các báo cáo theo dõi tình hình bệnh tay chân miệng cho thấy, bệnh có khả năng xảy ra rải rác quanh năm. Tuy nhiên, số lượng trẻ em mắc bệnh tay chân miệng có khuynh hướng tăng cao trong các khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.

Bệnh lây trực tiếp từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp, phân hoặc chất dịch của mụn nước nổi trên tay, chân và miệng, nhất là trong tuần lễ đầu tiên biểu hiện bệnh.

Thủ phạm gây bệnh tay chân miệng là các nhóm virus đường ruột. Có hai nhóm tác nhân chính Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackievirus A16 (Cox A16). Tuy bệnh có tạo miễn dịch, nhưng vẫn tái mắc các virus khác trong nhóm gây ra. Thời gian ủ bệnh ngắn (từ 3 - 7 ngày).

Mụn nước mọc trong miệng và tạo thành vết loét trên lưỡi, trên lợi răng, trên vòm họng khiến cho trẻ nuốt đau.

Mụn nước mọc trong miệng và tạo thành vết loét trên lưỡi, trên lợi răng, trên vòm họng khiến cho trẻ nuốt đau.

Các biểu hiện

Các biểu hiện ban đầu không có gì đặc biệt như mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, nổi ban đỏ và mụn nước nên dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm da mụn nước, thuỷ đậu, sốt phát ban hoặc nhiễm siêu vi khác.

Vùng phát ban da đỏ và mụn nước đa dạng, các vị trí thường gặp là lòng bàn tay, bàn chân. Cũng có thể thấy ở các vị trí khác như đầu gối, mông, cánh tay và cẳng chân.

Khi mụn nước mọc trong miệng và tạo thành vết loét trên lưỡi, trên lợi răng, trên vòm họng khiến cho trẻ nuốt đau dễ gây ngộ nhận cho các bậc phụ huynh là trẻ đang viêm họng.

Mụn nước trên da tồn tại kéo dài khoảng 1 tuần, rồi biến mất, để lại những vết thâm, hiếm khi bị bội nhiễm hay tạo vết loét.

Trong giai đoạn cấp, ngoài các biểu hiện trên còn có thể thấy các biểu hiện không điển hình khác như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sổ mũi, ho, nổi hạch cổ hoặc dưới hàm.

Biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là sự xâm nhập của virus vào hệ thần kinh trung ương gây nên các biểu hiện bệnh lý về mặt tri giác như lơ mơ, li bì, hôn mê, co giật có khả năng dẫn đến tử vong hoặc sống sót nhờ điều trị tích cực nhưng để lại các di chứng về tâm thần kinh kéo dài.

Ngoài ra, bệnh tay chân miệng còn có các biến chứng tuy ít gặp hơn như là tăng huyết áp, phù phổi cấp, viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch và dẫn đến tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời tại các trung tâm chuyên khoa với đầy đủ trang thiết bị cần thiết.

Tuy nhiên, điều may mắn nói chung là bệnh tay chân miệng thông thường thì bệnh diễn biến lành tính, không có nhiều biến chứng và bệnh nhân bình phục sau thời khoảng 7 - 10 ngày.

Cho đến nay chưa có bằng chứng nào khẳng định phụ nữ mang thai nhiễm căn bệnh này sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như gây ra các dị tật bẩm sinh cho trẻ, sẩy thai hoặc chết sơ sinh…

Về xét nghiệm chẩn đoán bệnh, chỉ có thể thực hiện ở những trung tâm y khoa lớn, có trang bị phòng xét nghiệm đại. Các xét nghiệm RT-PCR (Real Time - Polymerase Chain Reaction) phát hiện kháng nguyên hoặc nuôi cấy và phân lập virus sẽ giúp tìm đúng tác nhân gây bệnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hướng điều trị và phòng bệnh

Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có các thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chỉ nhằm vào hạn chế các triệu chứng như sốt, đau nhức và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.

Việc kiêng cữ gió và ánh sáng là không cần thiết. Điều đặc biệt quan trọng là bệnh nhân cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày như súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn, vệ sinh da bằng tắm nước ấm, nhưng tránh làm vỡ các mụn nước trên da, thay áo quần sạch sẽ.

Cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay, khi thấy có biểu hiện nghi ngờ bệnh nặng như sốt cao, co giật, rối loạn tri giác (li bì, lơ mơ, hôn mê) hoặc các mụn nước có mủ, máu.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu. Nên việc phòng bệnh chủ yếu tập trung vào vệ sinh thân thể tốt, chú ý rửa tay thường xuyên, sát khuẩn các dụng cụ vấy bẩn chất tiết bệnh nhân bằng dung dịch Chloramine, không nên tiếp xúc quá gần gũi bệnh nhân như ôm hôn, dùng chung vật dụng sinh hoạt.

Bệnh tay chân miệng lây qua dịch tiết đường hô hấp, phân hoặc chất dịch từ mụn nước của trẻ mắc bệnh. Do đó, những nơi tập trung đông trẻ như nhà trẻ, lớp mẫu giáo, khu vui chơi cho các cháu sẽ có nguy cơ lây bệnh rất cao.

Vì vậy, trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng cần được cách ly chăm sóc, thăm khám và điều trị để tránh lây lan cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.